Hướng tới Bưu chính xanh
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 14:45, 15/03/2021
Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đang dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng mà nhiều quốc gia phải gánh chịu trong đó có Việt Nam. Ngày 20/08/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
Hậu quả từ ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động với 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương mỗi năm, số lượng này lớn đến mức đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Vì thế, môi trường sinh thái ở nước ta đã, đang và sẽ gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ thực tế này.
Những nỗ lực của Bưu điện Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường
Để bảo vệ môi trường, Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã có nhiều hành động thiết thực: Giới thiệu các sản phẩm PostGreen: Chai thủy tinh, túi vải, bút bi giấy tái chế thân thiện với môi trường, ống hút tre, túi nilon/túi nhựa tự phân hủy, đổi pin lấy cây xanh… tại sự kiện "Tháng khuyến mại Hà Nội" năm 2019 diễn ra ở Hà Nội. Trong sự kiện này, BĐVN đã truyền tải đến khách hàng thông điệp về bảo vệ môi trường.
Không chỉ vậy, với quyết tâm hành động, BĐVN đã đưa chủ đề bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào chương trình thực hiện: Toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam không sử dụng chai nhựa dùng 1 lần mà thay bằng các chai thủy tinh đựng nước trong các hội nghị, cuộc họp hay các vị trí giao dịch thân thiện với khách hàng; không sử dụng đồ nhựa, văn phòng phẩm bằng nhựa dùng một lần, không sử dụng túi nilon tại mỗi đơn vị trong ngành; Phát động trồng nhiều cây xanh, tạo môi trường công sở xanh - sạch - đẹp; Tổ chức hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như biểu diễn thời trang bằng các trang phục có chất liệu là những vật dụng sử dụng trong ngành Bưu điện như giấy báo, ấn phẩm… để tuyên truyền tới cán bộ, công nhân viên: "Nói không với rác thải nhựa" tại nơi làm việc.
Đoàn thanh niên Tổng công ty BĐVN cũng phát động phong trào thu gom rác thải, làm sạch môi trường ở bãi biển và các khu vực công cộng. Qua đó, xây dựng hình ảnh thân thiện của người Bưu điện và kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Khuyến khích, vận động khách hàng thay đổi thói quen gói bọc hàng hóa bằng túi nilon sang sử dụng hộp bìa carton tiêu chuẩn của Bưu điện.
Những nỗ lực hành động của BĐVN quyết liệt và mang tính đồng bộ, tác động đến nhận thức của hơn 70 nghìn cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty. Nhưng với hoạt động đơn lẻ và mới chỉ mạnh mẽ trong nội bộ thì dường như là chưa đủ để có một dịch vụ bưu chính Xanh cho xã hội. Các doanh nghiệp Bưu chính cần gặp nhau ở một điểm chung, hợp tác chặt chẽ và cam kết thực hiện để tạo được sự thống nhất trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính Xanh tới khách hàng.
Cần có thêm nhiều giải pháp để hướng tới Bưu chính Xanh
Thứ nhất: Không sử dụng vật liệu nilon.
Trong quy định gói bọc hàng hóa, nhiều doanh nghiệp bưu chính có những yêu cầu sử dụng chất liệu gói không ngấm nước là túi nilon và nhựa để gói các loại hàng đặc thù như: Chất lỏng, thiết bị điện tử, chất bột, đồ may mặc... Ví dụ như, điện thoại di động phải cho vào túi nilon trong suốt trước khi đóng hộp; dùng túi nilon đựng từng hộp dầu gội đầu; sử dụng túi nilon bọt khí quấn xung quanh hàng để chống va đập; dùng hộp nhựa để đựng các chất dầu mỡ, chất bột khô có màu; dùng ống nhựa để đựng bản đồ cuộn tròn…
Việc cần thiết hiện nay là các doanh nghiệp bưu chính phải thay đổi các quy định và kịp thời có những giải pháp thay thế sao cho đảm bảo chất lượng dịch vụ mà không làm ảnh hưởng tới khách hàng, nhưng vẫn thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như dùng dây gai để buộc bưu kiện thay cho dán băng keo, buộc túi thư thay cho dây nhựa (mà trước đây Bưu chính đã dùng) hay một chất liệu có thiết kế tiện dụng như dây nhựa đang dùng nhưng có nguồn gốc từ thiên nhiên, dễ phân hủy và không độc hại. Sử dụng chống sốc, chống va đập hàng hóa bằng chất liệu giấy tổ ong thay cho nilon bọt khí. Sử dụng túi vải, túi giấy dai bền để gói hàng hóa như đồ may mặc, thiết bị gia dụng…đảm bảo không ngấm nước. Tăng cường sử dụng hộp carton tiêu chuẩn của doanh nghiệp để nâng cao thương hiệu, tạo sự đồng bộ trong dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Sử dụng túi thư bằng chất liệu vải và loại bỏ hoàn toàn túi thư bằng nilon ra khỏi ngành Bưu chính.
Thứ 2: Giảm lượng khí thải Carbon liên quan đến vận tải.
Ngành bưu chính với lực lượng vận tải khổng lồ trên khắp cả nước chủ yếu là tàu hỏa, ô tô, xe máy đang sử dụng một lượng nhiên liệu từ các nguồn năng lượng hóa thạch như xăng, dầu tạo ra một lượng khí thải CO2 rất lớn vào môi trường. Lấy ví dụ của ngành đường sắt năm 2014 với 331 đầu máy, mỗi năm tiêu thụ 50.000 tấn nhiên liệu diesel thông thường và thải ra 1.060,9 tấn CO, 918,19 tấn NO2, 162.582,4 tấn CO2.
Đi tìm giải pháp cải thiện tình hình, ngày 20/9/2020, các nhà khai thác bưu chính trên thế giới đã tổ chức ngày Bưu chính Xanh để hưởng ứng cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Tại sự kiện này, các loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường được sử dụng nhằm giảm lượng khí thải CO2 và khói bụi ra môi trường. Nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó chủ yếu là sử dụng năng lượng Hydro làm cho động cơ giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và đặc biệt lượng khí thải ra môi trường bằng không. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng sinh học tái tạo chưa được phổ biến do nguồn cung cấp hạn chế và chi phí cao, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng cũng như tạo thế cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính hiện nay.
Mặc dù đây không phải là giải pháp của riêng ngành bưu chính mà là vấn đề giao thông của toàn xã hội. Nhưng với những nỗ lực cải thiện vì cộng đồng, ngành bưu chính nên có những ưu tiên trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu tự nhiên, giảm thiểu khí thải và khói bụi. Trước mắt, để cải thiện tình hình thì việc sử dụng xe chung có thể được coi là một giải pháp nếu như doanh nghiệp bưu chính có thể tận dụng tối đa phương tiện vận tải như việc kết hợp xe xã hội, phương tiện giao thông công cộng để vận chuyển hàng hóa bưu chính. Tại mỗi khu vực phát, bưu tá sử dụng xe đạp hoặc xe đạp điện chuyên dùng thay cho xe máy chạy bằng xăng thông thường như hiện nay là giải pháp hoàn toàn có thể thực hiện được để giảm thiểu lượng khí thải vào môi trường.
Thứ ba: Phân loại rác thải tại nguồn
Thực tế hiện nay, các điểm cung cấp dịch vụ Bưu chính vẫn đang sử dụng các nguyên vật liệu nilon như dây thắt cổ túi dùng một lần, vỏ bọc bưu gửi, túi thư… và tạo ra một lượng chất thải nhựa rất lớn. Việc phân loại chất thải tại nguồn là việc cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tại mỗi điểm khai thác bưu chính, nhân viên vận hành sẽ để rác vào các thùng rác (sử dụng thùng carton, có ký hiệu phân biệt hoặc màu sắc riêng) đặt tại các điểm cung cấp dịch vụ và các địa điểm khai thác để phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ, loại tái chế, loại tái sử dụng và loại tiêu hủy (theo quy định của ngành)… góp phần giảm thiểu các chi phí về xử lý rác thải và không gây ô nhiễm môi trường khi xử lý rác thải không đúng cách. Tuyên truyền, vận động người lao động thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khu vực làm việc để giảm thiểu tối đa rác thải và lượng khí bụi trong không khí.
Thứ tư: Không lãng phí tài nguyên
Các doanh nghiệp bưu chính đã có nhiều cải tiến về quy trình cung cấp dịch vụ với khách hàng. Theo đó, thủ tục được rút ngắn, giảm thiểu nhiều loại giấy tờ trong giao dịch. Tuy nhiên, dù đã cải tiến nhưng vẫn cần nhiều giấy tờ khi giao dịch bưu chính và không tránh khỏi sự lãng phí.
Ví dụ như gửi hàng tại BĐVN, các điểm giao dịch bưu điện được cấp vận đơn BĐ1, E1 loại 3 liên để nhận gửi bưu phẩm, bưu kiện, EMS trong nước hoặc loại 4 liên để nhận bưu gửi quốc tế.
Nhưng với quy định hiện hành: "không đính kèm vận đơn lên bưu gửi", như vậy sẽ bỏ đi 01 liên ngay tại khâu chấp nhận. Mặt khác, với việc in và lưu trữ thông tin khi giao dịch với khách hàng hoặc giao dịch nội bộ, các hệ thống báo cáo hàng ngày tại các bưu cục như báo cáo bánhàng, báo cáo tài chính… sử dụng hoàn toàn bằng phương pháp in bản giấy nên BĐVN tiêu thụ một lượng giấy khổng lồ mỗi ngày với mạng lưới lên tới 13.000 điểm cung cấp dịch vụ
Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bưu chính khác nhau nên việc sử dụng các giấy tờ giao dịch tại mỗi doanh nghiệp bưu chính cũng khác nhau. Việc hoàn thiện hệ thống phần mềm, cải tiến quy trình giao dịch nội bộ và với khách hàng theo cách không dùng bản giấy hoặc sử dụng bản giấy một cách tối ưu nhất (dùng khổ nhỏ, in 2 mặt…) hay đơn giản như tắt các thiết bị và rút nguồn điện khi không sử dụng sẽ giúp cho các doanh nghiệp bưu chính tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên, góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.
Mỗi doanh nghiệp bưu chính hãy tạo sự khác biệt bằng cách thay đổi sản phẩm, dịch vụ theo hướng thân thiện với môi trường, thay đổi cách vận chuyển và cải tiến cách vận hành bộ máy bằng những hoạt động tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng điện, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm tài nguyên giấy…
Các doanh nghiệp bưu chính hãy chạy đua bằng tiêu chí "Sạch nhất" để loại bỏ vật liệu nhựa ra khỏi mỗi sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Bưu chính thay đổi theo hướng bảo vệ môi trường và tạo ra sức lan tỏa cho mỗi thành viên trong công ty, mỗi khách hàng của công ty sẽ là một bước tiến dài về nhận thức và hành động vì môi trường sinh thái tự nhiên, hướng đến một ngành Bưu chính Xanh và bền vững cho tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 33/CP-TTg 20/08/ 2020 Về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa
2. Vnpost/ Văn bản số 2643 /BĐVN-DVBC ngày 05/ 9/2014 hướng dẫn gói bọc.
3. https://www.vnpost.vn/
4. https://www.technologymag.net/su-dung-nhien-lieu-diesel-sinh-hoc-tren-dau-may/
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 2/2021)