Chân dung độc giả báo chí trong thời đại số
Báo chí - Ngày đăng : 09:59, 15/03/2021
Trước hết, cần khẳng định rằng chân dung độc giả báo chí bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, theo thời gian, tuổi tác và do các tác động kết hợp của tình hình xã hội, kinh tế, luật pháp, chính trị và công nghệ.
Báo in thất sủng, độc giả đọc báo ở đâu?
Cùng với sự phát triển của công nghệ, một sự thay đổi rõ ràng nhất trong những thập kỷ qua, đó là độc giả không còn chỉ đọc báo in, hay đọc báo in là chủ yếu nữa. Độc giả báo chí thời đại kỹ thuật số có vô số cách khác nhau để đọc báo, cập nhật tin tức.
Theo trang Journalism.org, ngoại trừ báo in như truyền thống, độc giả chuyển sang các kênh tin tức 24 giờ, các trang web tin tức (báo điện tử). Một điều khá dễ nhận thấy, dù vẫn chưa phổ biến, nhưng độc giả đang đến với nhiều nền tảng cung cấp tin tức khác nhau. Đó là lý do nhiều hãng tin tức không còn giới hạn chỉ sản xuất nội dung trên một nền tảng. Ví dụ, để đáp ứng lượng khán giả kỹ thuật số ngày càng tăng, các tờ báo như The New York Times cũng sản xuất podcast âm thanh, có thể nghe thấy trên đài phát thanh qua loa thông minh và loạt video, có thể được xem trên mạng truyền hình cáp thông qua thiết bị phát. Trong khi đó, các hãng tin truyền hình cáp và các nhà cung cấp tin tức khác đã có sự hiện diện tích cực trên Facebook, YouTube và các trang mạng xã hội khác, càng làm mờ ranh giới giữa các nền tảng.
Tuy nhiên, đừng nghĩ độc giả chỉ đọc báo trên các nền tảng công nghệ mới. Bởi chân dung độc giả còn phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn hay mức am hiểu thiết bị công nghệ. Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) đã tiến hành một nghiên cứu về cách độc giả đọc tin tức trong thời đại số. Theo đó, phần lớn người Mỹ rất quen thuộc với các nền tảng công nghệ mới nhưng chưa coi đó là nguồn đọc tin tức chính.
Người trưởng thành ở Mỹ rất quen thuộc với các công nghệ như thiết bị hoặc dịch vụ phát trực tuyến, podcast. Tuy nhiên, nhiều người dường như không sử dụng những nền tảng này để đọc tin tức, thậm chí họ không nghĩ những nền tảng mới này là để đọc tin tức.
Cụ thể, phần lớn người trưởng thành ở Mỹ (86%) biết đến các dịch vụ phát trực tuyến trên Internet như Netflix hoặc Hulu. Gần một nửa (48%) số người được hỏi nói rằng họ biết nhiều về các dịch vụ này, trong khi 38% nói họ biết một chút về chúng. Chỉ 13% nói họ không quen các dịch vụ phát trực tuyến.
Người Mỹ cũng nhận thức rộng rãi về các thông báo đẩy tin mới trên thiết bị di động, thiết bị phát trực tuyến như Chromecast và loa thông minh. Khoảng 3/4 tổng số người Mỹ biết ít nhất một chút về từng công nghệ này.
Smartwatch (đồng hồ thông minh) ít được biết đến hơn, với khoảng 1/3 người Mỹ (36%) nói rằng họ không biết gì về smartwatch và chỉ 1/5 nói rằng họ biết rất nhiều.
Độc giả tin tức cũng có sự khác biệt theo độ tuổi. Chẳng hạn, thanh niên (từ 18 đến 29 tuổi) biết nhiều hơn về các loại phương tiện, nền tảng đọc báo kỹ thuật số mới, trong khi với những người từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ biết đến các nền tảng đọc báo số khá thấp.
Ngoài ra, trình độ học vấn (và thu nhập) cũng liên quan đến việc hiểu biết về các nền tảng kỹ thuật số mới. Những người có bằng cử nhân trở lên biết nhiều về các nền tảng đọc báo kỹ thuật số hơn so với những người có trình độ học vấn thấp.
Điều đáng nói, dù biết đến các phương tiện số mới để đọc báo song chưa có nhiều độc giả xem đó là nền tảng đọc báo chính. Cụ thể, vẫn còn ít người xem các thiết bị phát trực tuyến, dịch vụ phát trực tuyến và đồng hồ thông minh là công cụ, nền tảng chính để truy cập tin tức, mặc dù hầu hết người trả lời đã quen thuộc với các nền tảng mới này. Trong khi đó, phần lớn độc giả vẫn tiếp nhận tin tức từ các nguồn như TV (73%), hoặc từ các thiết bị di động hay máy tính (84%). Điều đó cho thấy các nền tảng đọc tin tức mới chưa phổ biến trong độc giả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và vận động của thế giới công nghệ kéo theo lối sống số, các trang báo lớn như The New York Times vẫn phát triển những nền tảng đọc báo mới như podcast, bên cạnh nguồn đọc tin tức chính như báo điện tử.
Sẵn sàng trả tiền để đọc tin tức trực tuyến
Theo Chris Waiting, CEO tờ báo The Conversation nổi tiếng của Anh, đại dịch COVID-19 là một "may mắn" đối với ngành báo chí. Bởi vì, báo cáo cho thấy lượng người đọc báo đang tăng lên ít nhiều trên diện rộng và hơn thế nữa, một số lượng lớn người tiêu dùng hiện đang trả tiền cho tin tức trực tuyến. Và những bài viết mà độc giả tìm kiếm, đọc nhiều nhất là những bài viết phản ánh ý kiến chuyên gia, thông tin chi tiết và phân tích về COVID-19.
Theo bình luận của trang What's new in publishing, sự gia tăng độc giả đọc báo thật sự cho thấy một thay đổi mạnh mẽ trong chân dung độc giả, đó là những thay đổi đáng chú ý trong thái độ của độc giả đối với tin tức và đối với những người cung cấp tin tức truyền thống. Có vẻ như độc giả đã không còn thoải mái khi chỉ tìm nguồn tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội, hoặc có lẽ đã có một sự thay đổi rộng lớn, độc giả dành nhiều thời gian hơn để đọc các bài báo dạng dài hơn, có tính phân tích chiều sâu hơn trên các tờ báo chính thống. Dù thế nào, rõ ràng đại dịch đã tác động đến cách mọi người tiêu thụ tin tức và khiến mọi người chuyển sang đọc báo chí ngày càng nhiều hơn. Đọc báo là một cách kết nối của độc giả với thế giới bên ngoài; nó cung cấp hy vọng rằng mọi thứ đang được cải thiện hoặc thay đổi; đó là một cứu cánh mà mọi người có thể bám vào khi họ bị mắc kẹt nhiều tuần liên tục trong nhà và chỉ biết cầu nguyện để có những tin tức tốt lành. Trong một thế giới bất ổn, tin tức mở ra một cửa sổ nhỏ bên ngoài và công chúng đổ xô vào đó.
Nói gì thì nói, thời đại công nghệ số đến và thay đổi hầu như mọi lĩnh vực trong đời sống. Nó cũng thay đổi cả độc giả báo chí. Không có gì bí mật khi nói mô hình báo in cũ không còn bền vững về mặt tài chính khi cạnh tranh với các tin tức trực tuyến, bản tin truyền hình cuốn chiếu và phương tiện truyền thông xã hội. Đây chỉ đơn giản là thực tế đau thương của quá trình hiện đại hóa, nhưng tương lai của lĩnh vực này phụ thuộc vào nhận thức "cách độc giả tiêu thụ tin tức đã thay đổi mãi mãi". Sự phát triển của công nghệ, và đặc biệt đại dịch COVID-19 trong năm qua, đã thay đổi cách đọc báo của độc giả cũng như nhu cầu của họ về báo chí.
Những phát hiện mới nhất về báo chí và độc giả
1. Kể từ những năm 1950, báo chí có xu hướng hợp nhất
Nhiều thập kỷ qua, các tòa soạn báo lớn nhất đã thâu tóm những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. Ngày nay, 80% các tờ báo thuộc sở hữu của các tập đoàn truyền thông lớn, thường vận hành nhiều mạng truyền hình và các liên doanh truyền thông trực tuyến khác nhau, chứ không chỉ có xuất bản báo in và báo điện tử. (Nguồn: Encyclopedia.com)
2. Số lượng báo ngày ở Mỹ giảm 488 tờ trong vòng 50 năm
Số lượng các tờ báo in hàng ngày ở Mỹ đã giảm gần 28%. 488 nhật báo đã biến mất trong 50 năm, từ mức 1.748 tờ vào năm 1970 xuống chỉ còn 1.260 tờ vào năm 2020. (Statista, Trường Báo chí và Truyền thông Hussman).
3. Số lượng phát hành báo của Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1940
Theo dữ liệu mới nhất, lượng phát hành báo in và kỹ thuật số ước tính đạt 28,6 triệu. Trong ba tháng đầu năm 2020, không có tờ báo in lớn nào phát hành hơn một triệu bản mỗi ngày - đây là năm kém thành công nhất của ngành báo chí kể từ năm 1940. (Trung tâm Nghiên cứu Pew, PressGazette).
4. Chỉ riêng trong năm 2020, hơn 300 tờ báo của Mỹ đã đóng cửa
Trên khắp nước Mỹ, các tờ báo đã tiến hành đóng cửa và sa thải nhân viên. Sự biến mất của nhiều tờ báo địa phương hàng ngày là yếu tố chính gây ra sự suy giảm của ngành báo chí. Hiện tượng này đã khiến nhiều nhà báo mất việc làm và hàng chục quận không có nguồn thông tin đáng tin cậy về các vấn đề địa phương.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động lớn đến báo chí ở Mỹ. Hơn 300 tờ báo trên toàn quốc đã đóng cửa do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và ít nhất 6.000 nhà báo đã mất việc làm kể từ khi đại dịch bùng phát. (The New York Times, Trường Báo chí và Truyền thông Hussman).
5. Doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh vào năm 2020
Trong lịch sử, quảng cáo là nguồn thu lớn nhất duy nhất của các tờ báo. Nhưng do đại dịch toàn cầu, doanh thu quảng cáo trung bình của tất cả các tòa soạn báo của Mỹ đã giảm tới 42% trong khoảng thời gian từ quý 2/2019 đến cùng kỳ năm 2020.
Trước việc doanh thu quảng cáo báo in sụt giảm, nhiều tờ báo bắt đầu đầu tư mạnh vào báo điện tử để kiếm tiền quảng cáo. Tuy nhiên, thống kê cho thấy doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số đã giảm 32% vào năm 2020, khiến ngay cả những tờ báo có uy tín cũng bị hạn chế về doanh thu. (Trung tâm nghiên cứu Pew).
6. 20% độc giả Mỹ trả tiền để truy cập báo mạng vào năm 2020
Doanh thu báo chí giảm mạnh do thiếu quảng cáo, các tờ báo chuyển sang các hình thức đăng ký trực tuyến và nội dung trả phí để đảm bảo nguồn tài chính. Theo một cuộc khảo sát năm 2020, 20% độc giả ở Mỹ đã trả tiền để truy cập các trang báo trực tuyến, hầu hết độc giả đăng ký ấn bản kỹ thuật số của tờ báo giấy yêu thích của họ. Điều này đánh dấu mức tăng 4% so với năm 2019, cho thấy nguồn thu từ độc giả trả tiền đọc báo đang dần được chú ý. (Viện Reuters)
7. New York Times là tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất
Trong số những người đăng ký thuê bao báo điện tử năm 2020, 39% chọn The New York Times. Washington Post đứng thứ hai. (Viện Reuters)
8. The Wall Street Journal có số lượng bản in cao nhất tại Mỹ năm 2020
Số liệu thống kê cho thấy The Wall Street Journal là tờ báo phổ biến nhất với 994.600 bản được phát hành mỗi ngày. Tất cả các tờ báo khác đều nằm dưới mốc 500.000 - như USA Today với 486.579 bản, The New York Times với 410.562 và The Washington Post với số lượng phát hành hàng ngày là 206.824 bản. (PressGazette).
9. Chỉ 3% người trưởng thành ở Mỹ coi báo in là nguồn tin tức chính của họ
Trong số tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống, báo in đã mất nhiều độc giả nhất. Vào năm 2020, chỉ có 3% người Mỹ trưởng thành coi báo in là nguồn thông tin chính của họ. Để so sánh, 8% cho biết họ lấy tin tức từ đài phát thanh, trong khi 45% nói rằng họ lấy tin tức từ truyền hình. (Trung tâm nghiên cứu Pew).
10. 25% người già Mỹ đọc tin tức trên báo in
Tỷ lệ độc báo in tại Mỹ tăng cao hơn đối với đối tượng độc giả lớn tuổi. Cụ thể, 25% người từ 65 tuổi trở lên đọc tin tức trên báo in. Đối với các nhóm tuổi khác, trong năm 2020, chỉ 11% người Mỹ ở độ tuổi 50–64, 4% ở nhóm tuổi 30–49 và 3% trong độ tuổi 18–29 cho biết họ đọc tin tức trên báo in. (Trung tâm nghiên cứu Pew).
11. 54% độc giả đăng ký thuê bao đọc báo thích báo in và 28% chọn báo điện tử
Số lượng đăng ký đọc báo theo hình thức thuê bao vẫn đang nghiêng nhiều về báo in. Điều này đặc biệt đúng đối với người lớn từ 65 tuổi trở lên, những người trả tiền để đọc báo. Độc giả trong độ tuổi 18–34 thích cả hai định dạng này như nhau: 42% nói rằng họ có khả năng trả tiền để đọc báo in và cũng khoảng chừng đó nói sẽ trả tiền để đọc báo điện tử. (American Press Institute).
12. 64% độc giả trả tiền cho biết họ chọn đọc báo online vì dễ dàng tiếp cận
Báo điện tử là một phần nguyên nhân khiến doanh thu báo in sụt giảm. Những người đồng ý trả tiền khi đọc báo điện tử cho biết họ chọn báo online vì họ dễ dàng đọc báo ngay cả khi đang di chuyển. Các lý do khác là mức phí thấp hơn so với báo in và thông tin cập nhật thường xuyên hơn. (American Press Institute).
13. Lượng nhân sự báo chí kỹ thuật số đã tăng 116% kể từ năm 2008
Từ con số 7.400 nhân sự đã lên 16.000 trong vòng chưa đầy 10 năm, số lượng nhân viên của các tòa soạn kỹ thuật số tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, mức tăng 8.600 này không đủ để bù lại số lượng các phóng viên, biên tập viên bị cắt giảm so với cùng kỳ. (Trung tâm nghiên cứu Pew).
14. Nhân sự báo chí tại Mỹ có thu nhập trung bình hàng năm là 48.050 USD (hơn 1,1 tỷ đồng)
Đối với vấn đề thu nhập, những phóng viên, biên tập viên "đời sau" là những người có trình độ đại học, tốt nghiệp nhiều ngành và nghề khác nhau. Tuy nhiên, họ có giá trị tốt hơn so với thế hệ trước, những người có thu nhập trung bình hàng năm chỉ hơn 39.000 USD (khoảng 898 triệu đồng). Các biên tập viên có mức lương trung bình là 49.000 USD (1,128 tỷ đồng), trong khi các phóng viên có mức lương trung bình hàng năm là 35.000 USD (805 triệu đồng). (Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Pew).
15. Ngành công nghiệp báo chí có giá trị bao nhiêu?
Năm 2020, ngành công nghiệp báo chí toàn cầu tạo ra 41,2 tỷ USD quảng cáo và 52,2 tỷ USD doanh thu phát hành khác, với tổng giá trị là 93,4 tỷ USD. (Newspaper statistics).
16. Tờ báo được đọc nhiều nhất trên thế giới tờ nào?
Theo dữ liệu mới nhất hiện có, Yomiuri Shimbun có lượng phát hành cao nhất trên thế giới. Là một trong 5 nhật báo quốc gia của Nhật Bản, Yomiuri Shimbun bán được hơn 9 triệu bản mỗi ngày. Điều thú vị là tờ báo được xuất bản hai lần một ngày và có một số ấn bản địa phương.
(Bài đăng ấn phẩm in trên Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 2/2021)