Nghĩa trang kỹ thuật số ở chùa Koukokuji (Nhật Bản)
Truyền thông - Ngày đăng : 08:30, 15/03/2021
Chùa Phật giáo Koukokuji cách lối ra phía Tây của Ga Ushigome-Yangicho trên Tuyến Oedo tại 2-20 Haramachi, Shinjuku-ku, Tokyo 162-0053, 10 phút đi bộ.
Bên ngoài của đại sảnh Ruriden (Điện Lưu Ly) hình bát giác mô phỏng một tòa nhà chôn cất truyền thống của Phật giáo với những cánh cửa gỗ dày và mái hiên uốn lượn. Ngôi chùa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số lớn để lưu giữ những dữ liệu của người quá cố. Đây là nơi có 2.046 bàn thờ nhỏ, mỗi bàn thờ đều có ngăn kéo đựng tro cốt của người quá cố trên đỉnh bằng một bức tượng Phật pha lê.
Người nhà của những người quá cố được gửi tro cốt ở đây đều được phát và sử dụng thẻ thông minh. Thẻ này sẽ cấp quyền truy cập cho họ vào tòa nhà. Mỗi khi họ đến đây để thăm những người thân yêu đã mất thì chiếc thẻ thông minh này sẽ thắp sáng bức tượng tương ứng của người đã khuất. Điều đặc biệt, nơi đây chỉ có những khóm hoa mà không có nén hương hay tấm bia tưởng niệm.
Bên cạnh khuôn viên nghĩa trang truyền thống, chùa Koukokuji (Tokyo, Nhật Bản) đã thiết lập nghĩa trang kỹ thuật số Ruriden trong một ngôi nhà nhỏ với hơn 2.000 pho tượng pha lê được chiếu sáng bằng đèn LED tông màu xanh lam. Mỗi pho tượng đại diện cho một người đã mất (hoặc sẽ mất). Hài cốt của người quá cố được đặt trong một hộp lưu trữ nằm ngay phía sau bức tượng Phật. Khi thân nhân của người mất quẹt thẻ từ vào hệ thống truy cập của Ruriden (Điện Lưu Ly), tượng Phật của thân nhân họ sẽ phát ra một ánh sáng màu khác để họ định vị dễ dàng hơn.
Nhiều công dân Nhật đã tìm hiểu và đăng ký cho mình "một suất" tại Ruriden. Bởi thông thường, tro cốt của người chết được lưu giữ trong 33 năm trước khi được chôn cất. Theo truyền thống của Nhật Bản nói riêng và người Đông Nam Á nói chung, việc tang lễ cho người quá cố là do gia đình của người đã khuất tổ chức. Tuy nhiên một xu hướng ngày càng phổ biến ở Nhật Bản là người già tự chuẩn bị tang lễ và phần mộ cho họ trước khi qua đời.
Nhiều người đã chọn ngôi chùa Koukokuji để làm nơi an nghỉ của mình vì những ưu việt của việc ứng dụng kỹ thuật số khiến cho việc mai táng và chăm sóc, viếng thăm linh hồn người quá cố trở nên văn minh và tiện lợi, ấm cúng.
Hơn nữa vì Koukokuji còn là một ngôi chùa đẹp đẽ theo đúng nghĩa của nó. Nhiều người đến đây thăm người thân thường tản bộ bộ qua các tòa nhà bên ngoài qua cổng chính và vào đúng ngôi đền. Bên trái điện thờ chính là chuông chùa và nghĩa trang nhỏ. Bên phải là một nghĩa trang bé hơn.
Trong khuôn viên tĩnh lặng và yên bình ấy có những cây bạch quả cổ thụ khổng lồ đứng sừng sững uy nghiêm. Đó là những những cây bạch quả có tuổi đời ước tính ít nhất 300 năm. Trải qua hàng trăm năm tuổi với trận động đất lớn Kanto năm 1923 và các cuộc không kích của những trận chiến năm 1945, những cây bạch quả này vẫn đẹp đẽ một cách lạ thường. Chúng vẫn che chở cho các ngôi mộ đã có trong nhiều thập kỷ. Người ta treo xung quanh thân cây một tấm bảng công bố tuổi đời của nó.
Chùa Koukokuji càng ngày càng thu hút được nhiều người đến đây vì đã bắt kịp xu hướng của thời đại, mang lại cảm giác hiện đại, tiện ích và gần gũi cho quan khách. Không chỉ có vậy, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc lưu giữ thông tin và hài cốt người quá cố như đã nói ở trên của ngôi chùa này còn góp phần bảo vệ môi trường.
Khi mà diện tích đất không mở rộng và ngày càng đắt đỏ mà số lượng người mất ngày càng tăng thì nghĩa trang kỹ thuật số là một cách thiết thực để bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên đất. Người thân của người mất cũng không phải mất phí bảo dưỡng mộ và đôi khi trở thành "nạn nhân" của các vấn nạn tại nghĩa trang truyền thống.
Việc sử dụng công nghệ trong tôn giáo cũng là nỗ lực để tương thích với con người hôm nay - vốn đã thân thiết quá mức với điện thoại thông minh, máy tính bảng và vô số vật chất kỹ thuật khác.
Theo www.atlasobscura.com