Các tòa soạn cần chuẩn bị gì trước “cơn bão” AI và 5G?

Truyền thông - Ngày đăng : 08:28, 15/03/2021

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G) ảnh hưởng gì đến ngành công nghiệp báo chí năm 2021?

Trí tuệ nhân tạo không còn xa lạ

Khảo sát cho thấy rằng các tòa soạn báo trên thế giới đang xem AI là động lực lớn nhất của báo chí trong vài năm tới. Hơn 2/3 (69%) lựa chọn AI là công nghệ quan trọng hàng đầu với báo chí. Ngoài công nghệ AI, khoảng 1/5 (18%) người được khảo sát đã bỏ phiếu cho lợi ích của kết nối 5G nhanh hơn và 1/10 (9%) người cảm thấy các thiết bị mới (như kính thông minh, loa thông minh, tai nghe thế hệ mới...) sẽ có tác động lớn nhất.

Các tòa soạn cần chuẩn bị gì trước “cơn bão” AI và 5G? - Ảnh 1.

Cụ thể, các công ty truyền thông ngày càng ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ AI như máy học (ML), tạo ngôn ngữ tự nhiên (NLG) và nhận dạng giọng nói để giúp tìm những câu chuyện mới và khách hàng mới, tăng tốc sản xuất và cải thiện phân phối nội dung. Một số hoạt động (case study) về ứng dụng công nghệ AI của “làng báo chí thế giới” là tờ báo Ojo Público của Peru đã tạo ra một công cụ phát hiện những hành vi tham nhũng trong các hợp đồng mua sắm của chính phủ; BBC đã thử nghiệm một công cụ chatbot được AI hỗ trợ để trả lời các câu hỏi về virus Corona mới, dựa trên nguồn thông tin đáng tin cậy của riêng mình và những thông tin tóm tắt từ các nguồn chính thức; hay như tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng của Trung Quốc (South China Morning Post) đang sử dụng AI để xác định các đối tượng độc giả, giúp tờ báo nhắm mục tiêu tốt hơn đến những người đăng ký mới; hãng tin Reuters đã sử dụng công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản để bổ sung những bản tin được mã hóa theo thời gian vào toàn bộ kho lưu trữ các video lịch sử có từ năm 1896 - giúp tìm kiếm những khoảnh khắc quan trọng dễ dàng hơn bằng 11 ngôn ngữ khác nhau.

Báo Globe and Mail ở Canada đã ủy quyền nhiều công việc lựa chọn tin, bài và sắp xếp trang chủ của mình và các trang đích khác cho một công cụ dựa trên AI có tên là Sophi. Trước đây, các biên tập viên sẽ phải làm nhiệm vụ này.

Trong khi một số tòa soạn báo đang nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới, những người khác lại lo lắng rằng AI có thể khiến khoảng cách giữa các công ty truyền thông khổng lồ và những tờ báo nhỏ càng thêm trầm trọng. Bởi vì, nhiều tổ chức tin tức nhỏ hơn không có tiền để đầu tư vào R&D dài hạn hoặc trả tiền cho các nhà khoa học dữ liệu và có nguy cơ bị tụt hậu. Tất nhiên, đa số những người được hỏi (65%) cảm thấy tòa soạn là những đối tượng cuối cùng được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án ứng dụng công nghệ AI. 

Nền báo chí công nghệ AI

Đầu tháng 1/2021, Tổ chức nghiên cứu và dự báo trí tuệ nhân tạo (AIJRF) đã đưa ra Chỉ số báo chí trí tuệ nhân tạo toàn cầu (GAIJI). Đây là dự án nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đưa ra các chỉ số nhằm đo lường, theo dõi và hình dung hiệu suất sử dụng công nghệ báo chí AI của các tòa soạn báo trong sản xuất, xuất bản và quảng bá nội dung.

Tất cả các công ty truyền thông trên khắp thế giới khảo sát, gửi câu trả lời của họ cho cuộc khảo sát, để xem xét cách họ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí, từ đó có thể tổng hợp một chỉ số, chỉ số đầu tiên trên thế giới về báo chí trí tuệ nhân tạo (Global Artificial Intelligence Journalism Index). Theo các chuyên gia, các tòa soạn báo sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào là điều rất quan trọng đối với tương lai của báo chí và có lẽ đối với sự tồn tại của nó.

“Chỉ số sẽ đo lường việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả và sự phụ thuộc vào các công nghệ và công cụ báo chí AI trên các phương tiện truyền thông. Mỗi năm, hơn 100 công ty truyền thông sẽ được phỏng vấn về sáu chỉ số chính”, Giáo sư Mohamed Abdulzaher, người tiên phong trong lĩnh vực Báo chí Trí tuệ Nhân tạo và là Chủ tịch của GAIJI Index cho biết.

Giáo sư Abdulzaher nói thêm: “Chỉ số này là một công cụ quan trọng được AIJRF sử dụng để khám phá và nâng cao trải nghiệm truyền thông trong công nghệ Báo chí AI. Một báo cáo phân tích sẽ được xuất bản hàng năm”. Lucia Dore, người quản lý Chỉ số GAIJI cho biết: “Chỉ số báo chí trí tuệ nhân tạo toàn cầu (GAIJI) được thiết kế để đo lường và theo dõi hiệu suất của các công ty truyền thông sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất, xuất bản và quảng bá nội dung”.

“Để đảm bảo chỉ số này hữu ích nhất có thể, bắt buộc nhiều công ty truyền thông phải tham gia cuộc khảo sát - ít nhất là 100 công ty ban đầu. Không chỉ một số công ty này sẽ được phỏng vấn mà cả các công ty công nghệ cung cấp AI”, Dore nói thêm.

Có sáu chỉ số sẽ được sử dụng để đối chiếu và xác định thứ hạng. Đó là: Những công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được tòa soạn sử dụng: Chỉ số này sẽ đo lường số lượng công nghệ AI mà mỗi tòa soạn báo sử dụng. Các công nghệ AI bao gồm robot, công nghệ in 3D, phân tích dữ liệu lớn, quảng cáo tiếp thị bằng robot, học máy, thuật toán, tự động hóa nội dung, tin tức blockchain và các công cụ phát hiện nội dung giả mạo. 

Các tòa soạn cần chuẩn bị gì trước “cơn bão” AI và 5G? - Ảnh 2.

Số lượng nội dung do AI sản xuất: Chỉ số này sẽ đo lường số lượng tin bài, video, bài đăng và các nội dung khác được các công nghệ hoặc công cụ báo chí AI sản xuất.

Số lượng phóng viên AI: Chỉ số này đo lường số lượng nhà báo và biên tập viên có khả năng sử dụng các công nghệ hoặc công cụ làm báo AI.

Tổng chi phí đầu tư: Chỉ số này đo lường khối lượng đầu tư của tòa soạn báo dành cho các công nghệ hoặc công cụ báo chí AI.

Khóa học về báo chí AI: Chỉ số này đo lường số lượng các khóa học và chương trình đào tạo mà tòa soạn báo tổ chức nhằm mục đích chuyển giao kiến thức về báo chí AI cho các công ty hoặc nhà báo khác.

Đổi mới: Chỉ số này đo lường cách các tòa soạn phát triển và nâng cấp công nghệ Báo chí AI khi đã tích hợp công nghệ AI vào môi trường làm việc.

Công nghệ 5G và các thiết bị thế hệ mới

Ngoài công nghệ trí tuệ nhân tạo, 5G cũng được đánh giá sẽ mang lại nhiều khác biệt cho báo chí trong năm 2021. Mạng 5G có thể truyền dữ liệu nhanh hơn hàng chục lần so với các thế hệ mạng thứ tư (4G) mà chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay. Điều này sẽ cho phép trình duyệt hoạt động nhanh hơn và phát video chất lượng cao, nhưng 5G không chỉ một thế hệ kết nối không dây khác. 5G sẽ giúp bạn có thể kết nối nhiều thiết bị hơn cùng một lúc, mang lại một “xương sống” cho ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh và phương tiện tự hành tương lai.

Số lượng điện thoại thông minh hỗ trợ 5G dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 600 triệu trong năm 2021, theo Strategy Analytics, mặc dù phạm vi bao phủ sẽ vẫn còn chắp vá ở nhiều quốc gia và để triển khai 5G chính thống khắp mọi nơi vẫn cần nhiều thời gian.

Đối với các tổ chức tin tức, báo chí, 5G sẽ cho phép việc đưa tin di động chất lượng hơn, đáng tin cậy và giúp các phóng viên dễ dàng tác nghiệp, truyền tải nội dung từ bất kỳ vị trí, phương tiện nào. Đối với người tiêu dùng, 5G sẽ mang lại lợi ích đến các ứng dụng như phát trực tiếp video, chơi game và các công nghệ sống động như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Tốc độ nhanh hơn và màn hình tốt hơn cũng sẽ thúc đẩy quá trình tin tức được cá nhân hóa, định dạng di động và báo chí trực quan hơn.

Ngoài điện thoại thông minh, một loạt các thiết bị được trang bị cảm biến và Internet luôn kết nối (Internet of Things) sẽ giúp chúng ta sống thông minh hơn - nhưng cũng có khả năng mang lại sự phụ thuộc lớn hơn vào công nghệ.

Công nghệ mạng thế hệ thứ 5 (5G) tốc độ cao đang được triển khai trên toàn thế giới, cùng với đó là sự gia tăng của các thiết bị mới bao gồm thiết bị đeo và kính thông minh. Tất cả điều này cho thấy các nhà xuất bản cần chuẩn bị cho một tương lai liên quan đến việc đưa nội dung và thương hiệu lên nhiều nền tảng thiết bị và kênh phân phối hơn.

Giám đốc điều hành (CEO) của The New York Times, Mark Thompson, từng phát biểu về mục tiêu của New York Times là đi đầu trong đổi mới. “Chúng tôi cố gắng và sử dụng mọi tiến bộ kỹ thuật số mới, mọi màn hình mới, thiết bị mới và chức năng mới để biến câu chuyện của chúng tôi trở nên sống động”, Thompson nói. 

Trong số đó, chính là sự phát triển của 5G, một phương thức kết nối di động biến đổi hứa hẹn tăng tốc độ chia sẻ thông tin và giảm độ trễ hơn nhiều so với các thiết bị hỗ trợ web hiện nay. Mặc dù vẫn bị giới hạn trong một số khu vực địa lý thử nghiệm ở Mỹ, New York Times đang tiến lên trong quá trình chuẩn bị của mình.

Nhà lãnh đạo của The New York Times cho rằng công nghệ sẽ mang đến 4 yếu tố thay đổi trong báo chí, đó là cách thu thập tin tức; cách phân phối tin tức; cách hợp tác đưa tin và cách tối ưu hóa tin tức trên các thiết bị.

Thompson nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đang bắt đầu một điều gì đó thực sự lớn lao: Đó là chương tiếp theo trong câu chuyện về tin tức kỹ thuật số chất lượng. Các cuộc cách mạng trước đây về thiết bị và mạng di động đã mang đến nhiều đột phá bất ngờ - và 5G cũng không phải là ngoại lệ”.

Với công nghệ 5G, trong tương lai, ô tô tự lái sẽ chia sẻ dữ liệu với nhau và cơ sở hạ tầng thành phố, công nhân xây dựng có thể trang bị tai nghe VR để vận hành máy móc hạng nặng từ xa hàng km, các thiết bị IoT sẽ xuất hiện trong các thành phố thông minh. Cũng như vậy, đến lượt mình, ngành công nghiệp tin tức cũng sẽ trải qua cuộc cách mạng 5G của riêng mình khi kết nối này được cải thiện, tốc độ tải xuống nhanh hơn và độ trễ thấp hơn cho phép trải nghiệm VR và AR liền mạch trên điện thoại di động.

Theo Rathi Murthy, CTO của Verizon Media - công ty mẹ của TechCrunch, Engadget, Huff Post và Yahoo News, cùng các tài sản truyền thông khác - tác động của công nghệ mới sẽ thúc đẩy các công ty truyền thông sản xuất nhiều nội dung phong phú hơn.

Murthy cho biết: “Truyền thông sẽ là một trong những ngành đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ 5G. Tương lai của truyền thông bắt nguồn từ những trải nghiệm nhập vai giúp đưa tin tức vào cuộc sống”.

Tài liệu tham khảo

1. THE REUTERS INSTITUTE FOR THE STUDY OF JOURNALISM https://builtin.com/

2. Artificial Intelligence Journalism for Research and Forecasting (AIJRF) 

Bảo Bình