Một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong triển khai phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 - 2020
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:10, 11/03/2021
Trong giai đoạn 2016 - 2020, và đặc biệt là trong 2 năm 2019 - 2020 vừa qua, triển khai Nghị quyết số 17 ngày 07/3/2019 của Chính phủ, tiến trình phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam đã có nhiều kết quả đột phá, giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Bản thân Nghị quyết số 17, vừa là một bản chiến lược, vừa là một bản kế hoạch hành động, cũng chính là một kinh nghiệm, một cách làm hiệu quả.
Dưới đây là báo cáo tổng hợp kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của một số bộ, ngành, địa phương trên các góc độ thành phần của Khung Kiến trúc, lần lượt là phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển cơ sở dữ liệu, phát triển nền tảng, phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Thứ nhất, về phát triển hạ tầngkỹ thuật
Nếu như trong các giai đoạn trước đây, hạ tầng kỹ thuật cho CPĐT vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, là điểm nghẽn của quá trình phát triển, thì thời gian vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách làm hiệu quả để tháo gỡ điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển CPĐT. Tiêu biểu:
Thành phố Đà Nẵng đã triển khai trước, thiết kế tổng thể, đồng bộ từ hạ tầng mạng, đến trung tâm dữ liệu, dựa trên công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, dùng chung cho tất cả các cơ quan Đảng, HĐND và UBND các cấp để triển khai tập trung các ứng dụng có quy mô toàn Thành phố. Mô hình một hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa phương đã thể hiện rõ tính ưu việt. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm ATTT, đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, tránh chồng chéo, lãng phí.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì tự đầu tư, tự vận hành Trung tâm dữ liệu của Tỉnh, đã triển khai hình thức thuê dịch vụ điện toán đám mây của Công viên Phần mềm Quang Trung. Với cách làm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay là các trung tâm dữ liệu được đầu tư với chi phí lớn nhưng không hoàn toàn sử dụng hết năng lực đã đầu tư và hoạt động thiếu ổn định, tin cậy, an toàn, hiệu quả do thiếu nhân sự kỹ thuật vận hành.
Thứ hai, về kết nối, chia sẻ dữ liệu
Trong nhiều năm, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là điểm nghẽn của quá trình phát triển CPĐT. Nhưng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong các năm 2019 và 2020, chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc giải quyết vấn đề nhức nhối này. Giải pháp là việc triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (LGSP). Trong nội bộ mỗi bộ, ngành, địa phương có "một nền tảng nội bộ" và giữa các bộ, ngành, địa phương có "một nền tảng quốc gia" để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và các phần mềm khác nhau.
Năm 2018 chỉ có 3%, năm 2019 chỉ có 27% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Năm 2020, con số này là 100%.
Năm 2018 chưa có hệ thống thông tin nào kết nối, chia sẻ dữ liệu, năm 2019 đã có 51 hệ thống và năm 2020 đã có hơn 200 hệ thống kết nối thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Năm 2019 có khoảng hơn 2 triệu giao dịch. Năm 2020 có gần 9 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Trung bình, cứ 1 phút có 18 giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương qua Nền tảng quốc gia.
Trong thời gian qua, một số CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT đã được xây dựng, bước đầu phát huy hiệu quả, tiêu biểu như CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai. CSDL quốc gia này đã tạo ra những cải cách lớn về đăng ký kinh doanh như:
(1) Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên toàn quốc;
(2) Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(3) Tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ về đăng ký doanh nghiệp.
CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin gốc có giá trị pháp lý còn được chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp phục vụ xác minh thông tin doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp không phải chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mỗi khi thực hiện thủ tục hành chính; không phải điền lại thông tin về đăng ký kinh doanh vào biểu mẫu điện tử mỗi khi sử dụng dịch vụ công; công chức xử lý hồ sơ thuận tiện, không phải nhập dữ liệu trên các phần mềm khác nhau.
Ví dụ điển hình có thể kể ra là Bộ Giao thông - Vận tải đã kết nối, khai thác CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Việc kết nối, khai thác CSDLQG về Đăng ký doanh nghiệp phục vụ cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Hoạt động này đã tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội, từ việc chứng thực, di chuyển, thời gian di chuyển, thời gian chờ xử lý, chưa kể chi phí lưu trữ bản giấy, rủi ro khi tham gia giao thông.
Hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hàng triệu lần thực hiện thủ tục hành chính hàng năm. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm cho xã hội một giá trị hữu hình và vô hình rất lớn. Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2020 chỉ ra rằng, việc thực hiện 100% giao dịch như vậy trên môi trường mạng giúp tạo ra một giá trị đương đương 1% GDP của quốc gia.
Thứ ba, về sử dụng và phát triển nền tảng
Trước đây, việc triển khai ứng dụng CNTT theo từng bước, từng phần, từng dự án, từng hệ thống thông tin. Vì vậy, chi phí lớn, thời gian triển khai lâu, muốn triển khai trên phạm vi toàn quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đây cũng là một điểm nghẽn trong quá trình phát triển CPĐT.
Một số bộ, ngành, địa phương đã nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ để sớm quyết định và lựa chọn sử dụng nền tảng. Một ví dụ điển hình là Bộ Y tế. Trước đây, các hệ thống chuyên ngành y tế như y tế dự phòng, khám chữa bệnh thực hiện kết nối trực tiếp xuống xã, khoảng 12.000 trạm y tế xã, làm phát sinh nhiều phần mềm, một xã có thể lên đến hàng chục phần mềm, nhưng lại không kết nối, liên thông và không tạo được dữ liệu y tế cơ sở để sử dụng chung cho địa phương.
Để khắc phục tồn tại nhiều năm trên, trong năm 2020, Bộ Y tế đã sử dụng Nền tảng V20 để kết nối tất cả các xã, thu thập, quản lý thông tin y tế cơ sở tập trung trên toàn quốc. Từ đó, tổng hợp, phân tích, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở đầy đủ, chi tiết, kịp thời, chính xác phục vụ cho hoạt động y tế của tất cả các tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Đây là bài học điển hình trong triển khai ứng dụng chuyên ngành trên quy mô quốc gia dựa trên một nền tảng.
Thực hiện tinh thần Make in Viet Nam, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam xây dựng các nền tảng phục vụ phát triển CPĐT và chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, đã có gần 40 nền tảng đã được giới thiệu, ra mắt. Trong đó, có những "tên tuổi cũ" như Viettel, VNPT, FPT, CMC, BKAV, MISA và "tên tuổi mới" như 1Office, Base, ezCloud.
Thứ tư, về phát triển ứng dụng, dịch vụ
Một trong những chỉ tiêu cơ bản nhất của Chính phủ điện tử là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đây cũng một trong những là chỉ tiêu quan trọng nhất mà Nghị quyết số 17 đã đặt ra.
DVCTT mức 4 năm 2016 chỉ có dưới 2%, năm 2017 chỉ có dưới 3%, năm 2018 chỉ có dưới 5% và năm 2019 mới chỉ khoảng 10%. Tỷ lệ 30% DVCTT mức 4 vào năm 2020 mà Nghị quyết số 17 đặt ra tưởng như sẽ rất khó khả thi.
Tuy nhiên, đến hết năm 2020, cả nước đã có gần 31% DVCTT mức 4, vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 17 đặt ra.
Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngay trong năm 2020 đã đạt được con số 100% dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4.
Bến Tre, Tây Ninh là các tỉnh điển hình đã về đích với 100% dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 chỉ trong năm 2020 khi xuất phát đầu năm với tỉ lệ rất thấp.
Kinh nghiệm, cách làm hiệu quả là sự quyết tâm vào cuộc của Lãnh đạo cấp cao nhất, sự đồng hành của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và sử dụng giải pháp đột phá là triển khai trên các nền tảng. Khi đó, triển khai 100% DVCTT mức 4 sẽ nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn nhiều so với triển khai theo cách truyền thống.
Thứ năm, về triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Việc bảo đảm ATTT là điều kiện tiên quyết để triển khai CPĐT. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, các cơ quan nhà nước ưu tiên ứng dụng trước mà chưa quan tâm đến an toàn, an ninh mạng. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn, có thể làm mất lòng tin, làm chậm tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Điểm nghẽn trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các CQNN chủ yếu là trình độ nhân lực về ATTT còn hạn chế, chưa có nhiều chuyên gia giỏi đáp ứng nhu cầu, thiếu bộ phận chuyên trách, thống nhất để bảo đảm ATTT.
Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ TTTT đã ban hành hướng dẫn triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp, bao gồm: (1) Tổ chức lực lượng ATTT tại chỗ; (2) Tổ chức hoặc thuê doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; (3) Thuê doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ ATTT; (4) Kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống giám sát quốc gia.
Nếu như năm 2019 chưa có bộ, ngành, địa phương nào triển khai bảo vệ 4 lớp thì đến hết năm 2020, 100% các bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ 4 lớp ở mức cơ bản, giúp các cơ quan nâng cao mức độ sẵn sàng hơn trong việc ứng phó với rủi ro mất an toàn, an ninh mạng.
Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với nhau tốt hơn, cảnh báo nhiều lỗ hổng, điểm yếu, giúp các cơ quan, tổ chức nhà nước khắc phục nhiều sự cố nghiêm trọng.
Đề xuất duy trì cơ chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về CPĐT
Đến thời điểm này, có thể thấy, hầu hết chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 17 và Ủy ban quốc gia về CPĐT đặt ra đến năm 2020 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra.
Một số chỉ tiêu chưa hoàn thành chủ yếu bao gồm nhóm các chỉ tiêu về mức độ sử dụng DVCTT của người dân và chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử.
Đối với mức độ sử dụng DVCTT chưa đạt chỉ tiêu, một trong những nguyên nhân là chúng ta đã điều chỉnh cách làm, là trước tiên tìm cách đưa 100% DVCTT lên mức độ 3, 4 trước, từ đó, sẽ thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng. Đồng thời, từ đó cũng sẽ phát hiện ra những dịch vụ nào không có nhu cầu sử dụng để điều chỉnh, đơn giản hoá.
Đối với chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử, Bộ TT&TT sẽ sớm trình lại Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử sau khi tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và có kế hoạch thúc đẩy phổ cập danh tính số trên phạm vi toàn quốc.
Một số chỉ tiêu còn lại đặt mục tiêu 100% trong Nghị quyết 17 đều đã tiệm cận mức độ trên 98% vào cuối năm 2020 và sẽ hoàn thành trong quý I/2021.
Trong 5 năm vừa qua, và đặc biệt là 2 năm 2019 và 2020 gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về CPĐT, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, mà một trong những ví dụ điển hình là Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Hướng tới chính phủ số, nghĩa là chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm và còn phải làm nhiều việc hơn. Đặc biệt, khi chúng ta quyết tâm thì bạn bè các nước xung quanh chúng ta và những nước ở nhóm dẫn đầu thế giới cũng đều quyết tâm và có những hành động mạnh mẽ. Để vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề xuất kiên trì duy trì cơ chế hoạt động hiệu quả này của Ủy ban quốc gia trong 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa.