Thay đổi cơ bản “khung” Quốc hội, giữ nguyên cơ cấu Chính phủ

Bản tin ICT - Ngày đăng : 16:31, 10/03/2021

Sau 1 ngày diễn ra Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, việc giới thiệu nhân sự cấp cao trong bộ máy Chính phủ đã được hoàn tất. Điểm đặc biệt là cơ cấu Chính phủ được giữ nguyên trong khi “bộ khung” Quốc hội lại được thay đổi một cách cơ bản nhất.

Sự đồng thuận cao trong bỏ phiếu các chức danh lãnh đạo chủ chốt

Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII vừa diễn ra, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta với số phiếu tập trung cao, đồng thời Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nước.

Nhân sự cấp cao tại Hội nghị Trung ương 2: Thay đổi cơ bản “khung” Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 2. (Ảnh: dangconsan.vn)

Đề cập đến nội dung này, trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội XII của Đảng thông qua; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đã đạt được sự nhất trí rất cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh có thể nói, đây là một bước quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ này và cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiến hành các bước tiếp theo.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nhất trí cho thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhân sự cấp cao tại Hội nghị Trung ương 2: Thay đổi cơ bản “khung” Quốc hội - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng phương án, giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quan mà ở đó các lãnh đạo không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII hoặc tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác. Ông cũng nhắc lại, tại kỳ họp thứ 11 khóa XIV có kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. "Như vậy, chỉ bàn tính đến chỗ nào khuyết, chỗ nào thay đổi. Trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Chính phủ là giới thiệu, còn quyết định là thẩm quyền của Bộ Chính trị", ông Dũng nêu rõ.

Thay mới cơ bản "bộ khung" Quốc hội

Theo kế hoạch, kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa này sẽ diễn ra từ ngày 24/3 đến ngày 7/4. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 6,5 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng; cụ thể là kiện toàn một số chức danh bộ máy Nhà nước tại phiên họp này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết công tác nhân sự thực hiện theo chủ trương Bộ Chính trị sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo, còn các lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ này không vào Trung ương thì phải kiện toàn. "Tuy nhiên, có 2 vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt thì 2 đồng chí Trung ương dự kiến thay thế lại chưa phải là đại biểu Quốc hội khóa XIV, nên 2 đồng chí này tiếp tục duy trì cho đến khi bầu Quốc hội khóa mới. Còn các vị trí khác thực hiện theo chủ trương của Đảng", ông Lưu nói.  

Nhân sự cấp cao tại Hội nghị Trung ương 2: Thay đổi cơ bản “khung” Quốc hội - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 2 Khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Như vậy, bộ máy Quốc hội cũng sẽ được kiện toàn tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng này. Có điểm khác với Chính phủ, tất cả vị trí lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội (bên cạnh tiêu chí nguyên tắc là Ủy viên Trung ương). Do đó, một số nhân sự được giới thiệu chưa phải đại biểu Quốc hội sẽ "chậm lại một nhịp" sau kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, chờ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới dự kiến vào tháng 7 năm nay.

Tuy nhiên, 'bộ khung" Quốc hội nhiệm kỳ này sẽ có sự thay đổi đáng kể. Cả Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm đều không tái cử và chỉ có 5 trong số 18 Ủy viên Thường vụ Quốc hội ở lại, gồm các ông, bà: Nguyễn Đức Hải (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách), Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế), Hoàng Thanh Tùng (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật), Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), Nguyễn Thúy Anh (Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội). Như vậy, có thể nói "bộ khung" Quốc hội sẽ được thay mới cơ bản.

Cơ cấu Chính phủ được giữ nguyên với Thủ tướng và 5 Phó Thủ tướng

Cũng theo kế hoạch, bộ máy Chính phủ và Quốc hội khóa mới sớm được định hình và sẽ được bầu, phê chuẩn lại vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV dự kiến tháng 7 tới.

Theo thông tin từ Hội nghị Trung ương 2, cơ cấu Chính phủ giữ nguyên với Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ với 28 thành viên. Về nguyên tắc, các vị trí này đều là những người tái cử, trúng cử tại Đại hội Đảng XIII.

Cụ thể, 17 thành viên Chính phủ đương nhiệm đã trúng cử tại Đại hội XIII, gồm có: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Trong số này có 4 người nhận trọng trách mới do là trường hợp đặc biệt tái cử Ủy viên Bộ Chính trị (ông Nguyễn Xuân Phúc) hoặc được bầu vào Bộ Chính trị (các ông Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương) và vào Ban Bí thư (ông Đỗ Văn Chiến).

PV