Ngành Du lịch vượt khó: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Diễn đàn - Ngày đăng : 14:41, 10/03/2021

Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai 5 nội dung về chuyển đổi số nhằm tăng khả năng hồi phục và tạo đà bứt phá trong thời gian tới.

Xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực trên toàn cầu. Thế giới chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Các công cụ trực tuyến ngay lập tức phát triển mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong giao tiếp xã hội, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao dịch thương mại… và dần trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.

Đặc biệt trong ngành Du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ. Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Ngành Du lịch vượt khó: Chuyên đổi số là xu thế tất yếu - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Theo thống kê, dịch COVID-19 làm thiệt hại cho du lịch toàn cầu năm 2020 khoảng 1.000 tỷ USD, và du lịch Việt Nam thiệt hại hơn 61% doanh thu so với năm 2019. Một ngành chịu nhiều tổn thương do COVID-19 như du lịch thì đòi hỏi sự năng động và sự đổi mới trong kinh doanh là việc cần thiết nhất trong lúc này. Theo đó, chuyển đổi số trong ngành Du lịch là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành Du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường. Trong nỗ lực tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch, công nghệ số có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử.

Ngành Du lịch vượt khó: Chuyên đổi số là xu thế tất yếu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. (Ảnh: PV)

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trên thế giới, ngành Du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành Kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Theo dự đoán, chuyển đổi số sẽ tạo ra 305 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2025 và tạo ra lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng làm thay đổi khái niệm du lịch truyền thống, từ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cho tới hệ sinh thái giá trị toàn cầu, làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Ngành Du lịch vượt khó: Chuyên đổi số là xu thế tất yếu - Ảnh 3.

Trải nghiệm ki-ốt thông tin du lịch tại Diễn đàn Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. (Ảnh: Phúc Bá)

Chuyển đổi số nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Trên thực tế, một vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi số ngành Du lịch đã được nhắc đến, một số địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận, tuy nhiên còn rải rác, thiếu tập trung và chưa triệt để. Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch càng thấy rõ hơn tầm quan trọng và cấp bách của việc chuyển đổi số. Công nghệ số không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành gọn nhẹ, nhanh chóng mà các công cụ trực tuyến còn giúp tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán một cách hiệu quả.

Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ số tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng, cá nhân hóa các gói dịch vụ và ưu đãi dựa trên sở thích của khách hàng tốt hơn; đồng thời tiết giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, giúp tương tác, chăm sóc khách hàng trực tiếp và từ xa, quy trình làm việc khoa học, nhanh gọn, hiệu suất cao...

Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong nước, tạo ra những thay đổi tích cực hơn cho cả khách hàng và doanh nghiệp du lịch. Khách hàng, giờ đây, thay vì phải đến công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tour, dịch vụ du lịch, thì chỉ bằng chiếc điện thoại di động thông minh sử dụng các ứng dụng số, họ có thể thực hiện một loạt các hoạt động từ việc lên kế hoạch cho chuyến đi, lựa chọn phương tiện di chuyển, đơn vị lữ hành đến đặt phòng khách sạn và nhận ưu đãi sau chuyến đi...

Tuy nhiên, quy trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành Du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.

Theo đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai 5 nội dung về chuyển đổi số: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; Quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; Phát triển hệ thống thông tin số ngành Du lịch và các ứng dụng; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2021, ngành Du lịch Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa khai thác, kinh doanh hiệu quả.

Theo đó, ngành Du lịch sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tập trung vào công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chú ý phát triển các điểm đến mới; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch...

Đối với công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác tư tưởng, tăng cường tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác Đảng; tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức.

Với phương châm "Liên kết, hành động và phát triển", Đảng bộ Tổng cục Du lịch quyết tâm cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để phục hồi và phát triển, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

PV