Mobile Money có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế quốc gia 0,5%
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:38, 10/03/2021
Đây là một nội dung quan trọng được thể hiệntrong Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3/2021).
Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.
Đặc biệt, Quyết định quy định rõ việc triển khai thí điểm dịch vụ trên phạm vi toàn quốc, các DN phải ưu tiên triển khai dịch vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam; chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Ngoài ra, việc thí điểm còn bao gồm cho phép thực hiện các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của DN thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do DN thực hiện thí điểm cung cấp.
Để tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ này, Quyết định nêu rõ các DN chỉ được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng khi có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được DN thí điểm định danh, xác thực theo quy định.
Đồng thời, các số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
"Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi DN thực hiện", Quyết định nêu rõ.
Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng
Bên cạnh những nội dung nêu trên, nhằm tăng cường, nâng cao tính pháp lý bảo vệ người sử dụng dịch vụ, Quyết định quy định những điều khoản chi tiết về các hành vi cấm như: Các DN thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile Money.
Đồng thời, DN cũng bị cấm thực hiện thí điểm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn) hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận.
Việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản Mobile Money và thông tin tài khoản Mobile Money cũng là hành vi bị cấm. Và DN không được phép thực hiện thí điểm sử dụng nguồn tiền từ tài khoản Mobile Money của khách hàng cho các mục đích khác của DN thực hiện thí điểm.
Cũng vì lý do đang trong thời gian thí điểm và chỉ sử dụng với các giao dịch có giá trị thanh toán nhỏ nên hạn mức giao dịch cũng được quy định không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Mobile Money thúc đẩy thanh toán số, phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Có thể nói Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng một tương lai "phổ cập" tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, đồng thời là "cú hích" thúc đẩy các giao dịch thanh toán số, không dùng tiền mặt. Điều này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, nguy hiểm từ cơn sóng đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng đều được thực hiện bằng tiền mặt. Tại Việt Nam, tài khoản viễn thông có vùng phủ rất rộng mọi khu vực dân cư, nên hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước. Mobile Money sẽ giúp mọi người dân tiếp cận với các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội. Đặc biệt, việc sử dụng tài khoản viễn thông hướng đến các thanh toán các giá trị giao dịch rất nhỏ, từ vé gửi xe, cốc cà phê…với việc cho phép triển khai thí điểm Mobile Money, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường này sẽ bùng nổ nhanh chóng bởi những tiện lợi nó mang lại.
Cũng chính nhờ có việc thí điểm Mobile Money, giờ đây người dân không cần phải thông qua hệ thống ngân hàng để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản của nhà phát hành Mobile Money, thay vào đó, khách hàng chỉ cần nộp tiền mặt trực tiếp cho DN, nhà mạng viễn thông là có thể sử dụng được dịch vụ. Đây chính là một lợi thế, ưu điểm trong việc thanh toán các giao dịch nhỏ nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả khi sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Hơn nữa, Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Khi việc thanh toán không có sự xuất hiện của tiền mặt, tất cả các giao dịch trong nền kinh tế đều được thanh toán bằng tiền điện tử, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều tiết và kiểm soát lượng tiền đi vào lưu thông, từ đó có các chính sách phù hợp với tình hình và diễn biến thực tế của nền kinh tế.
Đồng thời, với việc quản lý tiền điện tử trong tài khoản, các giao dịch cũng sẽ minh bạch, an toàn và nhanh chóng hơn, giúp giảm bớt chi phí kiểm đếm, in ấn tiền cũng như tránh được các rủi ro phát sinh về tiền giả, nguy cơ trộm, cắp, rửa tiền, tham nhũng cũng được giảm tối thiểu.
Là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, Bộ TT&TT luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các đơn vị có liên quan xây dựng đề án, các giải pháp công nghệ trình Chính phủ triển khai dịch vụ Mobile Money.
Việc Chính phủ đồng ý thí điểm dịch vụ Mobile Money không chỉ là sự ghi nhận những kết quả nỗ lực, tích cực của Bộ TT&TT và các đơn vị cấp dưới mà qua đây còn là sự thể hiện quyết tâm, đồng lòng của các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, hoàn thiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Còn nhớ, cách đây gần hai năm (tháng 5/2019), tại Hội thảo: "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Phát triển Mobile Money sẽ tạo ra nhiều DN trong lĩnh vực số và đây sẽ là động lực cho các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của điện toán, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ CNTT, của IoT.
"Có thể Mobile Money gặp những vướng mắc về pháp lý hoặc những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng lợi ích của Mobile Money là lớn hơn rất nhiều, có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5% cho các quốc gia tận dụng, triển khai", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Hiện nay, 03 DN nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đã chuẩn bị kỹ lưỡng đề án và cơ sở vật chất để đáp ứng, triển khai dịch Mobile Money. Trong đó, trong 3 đơn vị trên, chỉ có Viettel và VNPT đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do NHNN cấp (điều kiện tiên quyết để các DN thông tin di động được phép tham gia thí điểm cung ứng dịch này), riêng MobiFone vẫn chưa được cấp giấy phép này.
Mới đây, trong kiến nghị gửi lên Bộ TT&TT, MobiFone bày tỏ mong muốn NHNN sớm cấp phép, chấp thuận cho nhà mạng này được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán Mobile Money. Trên quan điểm luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN viễn thông, Bộ TT&TT khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN viễn thông, trong đó có MobiFone trong việc phối hợp làm việc với NHNN để đẩy nhanh việc cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán.
Như vậy, vấn đề của MobiFone chỉ là bổ sung các giấy tờ và cần thời gian giải quyết. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này, khi Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money trong 02 năm, các DN viễn thông cần phải tuân thủ các quy định của Quyết định. Chỉ khi làm tốt và tạo ra hiệu quả cao trong việc khai thác, sử dụng dịch vụ thì mới đảm bảo người dân được hưởng lợi từ chính dịch vụ đó.
Và điều quan trọng, khi các DN viễn thông làm tốt – đây chính là sự thể hiện trách nhiệm, niềm tin, sự mong đợi của xã hội, cộng đồng, Chính phủ, Bộ TT&TT, NHNN… Việc này có ý nghĩa quan trọng góp phần đóng góp, tạo ra sự phát triển kinh tế minh bạch, cân bằng, toàn diện.
Như vậy, qua đây, chúng ta thêm một lần nữa khẳng định việc Chính phủ cho phép sử dụng thí điểm sử dụng Mobile Money, chính là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.