Đã có chế tài mạnh xử lý chất cấm trong chăn nuôi

Truyền thông - Ngày đăng : 21:25, 09/03/2021

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/4/2021 quy định nhiều mức xử lý mạnh đối với vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là việc sử dụng chất cấm gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đã có chế tài mạnh xử lý chất cấm trong chăn nuôi - Ảnh 1.

Từ quy mô nông hộ đến quy mô trang trại, trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh bởi Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính chăn nuôi. Ảnh: Bình Minh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính (VPHC) về chăn nuôi và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Phạt 25 triệu đồng nếu mua bán thức ăn chăn nuôi có kháng sinh không được phép lưu hành

Theo đó, Điều 22 của Nghị định mới quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng kháng sinh khác với hàm lượng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo từ 10% đến dưới 30%.

Nặng hơn, sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thứ nhất, sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo; thứ hai, sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng kháng sinh khác với hàm lượng theo quy định hoặc trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo từ 30% trở lên; thứ ba, sản xuất, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh không có đơn hoặc không theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

Đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Đồng thời, các hành vi vi phạm còn phải khắc phục hậu quả gây ra.

Chăn nuôi tại khu vực không được phép, nông hộ có thể bị phạt 3 triệu đồng

Tại Điều 24 về vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi nông hộ, Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gian đối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

Biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Tương tự, đối với vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ sẽ bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đến 15.000.000. Còn vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn có thể phạt tiền từ 3.000.000 đến 25.000.000 đồng tùy theo mức độ cùng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt 80 triệu đồng

Đáng chú ý, tại Điểm 4, Điều 28 nêu rõ: "Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Tiếp đó, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Biện pháp khắc phục hậu quả sẽ buộc chuyển đổi mục đích sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; trường hợp không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy; Buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa và từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Trong khi đó, vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Mức phạt tương tự cũng được áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phạt tới 100 triệu đồng

Thẩm quyền xử phạt sẽ trao cho Chủ tịch UBND các cấp, cơ quan Thanh tra, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tới 100.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm nặng nhất trong lĩnh vực chăn nuôi. Tương tự Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thì Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng có quyền phạt tiền tới 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực chăn nuôi. Đi kèm với đó là thẩm quyền: Đình chỉ hoạt động, tịch thu tang vật vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Như vậy, Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý VPHC trong lĩnh vực chăn nuôi mới được ban hành sẽ đi kèm với nhiều chế tài mạnh để xử lý các hành vi vi phạm từ chăn nuôi nông hộ đến trang trại quy mô lớn. Qua đó, sẽ tác động tích cực vào ý thức và hành động của lực lượng trực tiếp chăn nuôi đảm bảo các quy trình để đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại cho đến việc sử dụng các chất hỗ trợ trong chăn nuôi, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình Minh