Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Lắng nghe tâm sự của những người phụ nữ thành công trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật
Quốc tế - Ngày đăng : 15:15, 07/03/2021
Các nghiên cứu đã chỉ ra sự mất cân bằng giới đáng kể trong ngành nghiên cứu học thuật. Kể từ khi đại dịch COVID xuất hiện, sự bất bình đẳng đó lại càng trở nên nghiêm trọng.
Khoảng cách Nam-Nữ trong các bậc học (Nguồn: UNESCO 2008-2014)
Nhân ngày quốc tế phụ nữ, Khoa giáo dục từ Trường đại học (ĐH) Monash đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đầy ý nghĩa để ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu nữ hàng đầu, cũng như tìm hiểu những khó khăn và sự hy sinh của họ để đạt được hoài bão.
Thế giới đã thay đổi như thế nào đối với phụ nữ trong ngành nghiên cứu kể từ khi chị mới bắt đầu sự nghiệp của mình?
GS. Marilyn Fleer: Trước đây, thật khó khăn khi là một sinh viên nghiên cứu ở Úc. Tôi phải giao lưu, kết nối với các đồng nghiệp để tìm hiểu về những gì đang diễn ra trên thế giới và tìm đọc những cuốn sách và bài báo đã được xuất bản.
Tuy nhiên khi đó Internet vẫn còn xa lạ với mọi người, những phần mềm trực tuyến như Zoom chưa ra đời, các hội nghị từ xa không tồn tại và cũng không có các cộng tác viên quốc tế. Thật khó để thực hiện một đề tài nghiên cứu. Còn bây giờ tôi có thể xem những tin tức mới nhất và làm tất cả những điều trên trong bữa tối!
GS. Marilyn Fleer lớn lên trong một trang trại ở Narrikup, Tây Úc. Bà khởi nghiệp là một giáo viên mẫu giáo và hiện là một chuyên gia nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
GS. Ruth Jeans: Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Điều quan trọng mà tôi nhận thấy là hiện nay hệ thống giáo dục ĐH đã có sự thừa nhận rằng phụ nữ bị thiệt thòi và sự thăng tiến của họ bị hạn chế bởi các hệ thống và thể chế. Ví dụ, việc phụ nữ ít được thăng chức, đặc biệt ở các vị trí cấp cao, là điều hiển nhiên khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, thay vì có lí do hợp lý cho việc đó, phụ nữ bị đổ lỗi ngược lại rằng chính họ cũng không có tham vọng thăng tiến.
GS. Ruth Jeans lớn lên ở Vương quốc Anh, là một vận động viên khúc côn cầu và cricket trước khi trở thành huấn luyện viên thể thao. Hiện bà đang dẫn dắt các dự án nghiên cứu lớn về thể thao, đặc biệt là thể thao cộng đồng nâng cao sự hòa nhập xã hội.
Những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của bạn ở lĩnh vực học thuật là gì, và bạn đã vượt qua chúng như thế nào?
GS. Andrea Reupert: Tôi là kiểu người tự chủ, nhiều năng lượng và ít khi nói không, vì vậy, thách thức lớn nhất là tập trung vào những gì quan trọng đối với bản thân, sự nghiệp và tổ chức. Điều này có nghĩa là học cách nói không bằng cách xác định rõ ràng mục tiêu và nguyện vọng của bản thân. Cân bằng giữa gia đình và công việc là một phần quan trọng của điều đó. Phương pháp chính của tôi là nhờ sự giúp đỡ của một người bạn đời, người hiểu và cho tôi không gian để làm việc dưới áp lực lớn.
GS. Andrea Reupert có cha mẹ là những người nhập cư Úc, và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của bà. Bà là người đầu tiên trong gia đình vào ĐH và bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là nhà tâm lý học học đường.
Thách thức khác của tôi - và tôi nghĩ điều này có lẽ xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ - là "hội chứng kẻ mạo danh" với suy nghĩ mình chưa đủ tốt. Mỗi khi tôi mắc sai lầm, tôi có xu hướng tự trách mình vì điều đó và mất ngủ hàng đêm. Tôi vẫn đang cố gắng để cải thiện, tránh việc so sánh bản thân với người khác, và cố gắng coi sai lầm là cơ hội học hỏi.
GS. Ruth Jeans: Không nghi ngờ gì nữa, thử thách lớn nhất của tôi là khi tôi trở lại làm việc sau khi sinh đứa con thứ hai vì nó không ngủ quá hai tiếng một lần mỗi đêm. Tôi đã có 8 tháng ngủ 90 phút mỗi ngày và sau đó cố gắng trở lại làm việc toàn thời gian. Tôi chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như thế!
GS. Jane Wilkinson: Tôi tự tạo cho mình thói quen không kiểm tra email vào cuối tuần vì email cũng giống như việc nhà, luôn luôn còn ở đó. Cuối tuần là để dành cho gia đình và công việc cá nhân, chúng tôi thường cùng nhau tổ chức một chuyến đi chơi vui vẻ, hoặc đơn giản là dành thời gian nghỉ ngơi.
Ngoài ra, tôi đã phải vật lộn với cảm giác tội lỗi khi làm mẹ của một đứa con nhỏ. Tôi đã tự hỏi rất nhiều lần rằng liệu tôi có đang hy sinh con cái vì sự nghiệp của mình? Liệu con gái có ổn không khi tôi vắng nhà để đi tham dự hội nghị?
GS. Jane Wilkinson là một người thuộc tầng lớp lao động, người đầu tiên trong gia đình học qua lớp 12. Hiện Jane nghiên cứu trong lĩnh vực lãnh đạo giáo dục, đặc biệt tập trung vào bình đẳng xã hội, công bằng và gắn kết xã hội.
Bạn muốn đưa ra lời khuyên nào cho các nghiên cứu sinh nữ mới bắt đầu sự nghiệp?
GS. Marilyn Fleer: Điều quan trọng nhất để có một sự nghiệp thành công là nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Việc giải thích với người bạn đời của mình cuộc sống của một nhà nghiên cứu là như thế nào thật sự cần thiết.
GS. Jane Wilkinson: Tôi thực sự khuyên bạn nên lên lịch các kỳ nghỉ với gia đình hoặc bạn bè. Đừng làm việc bảy ngày một tuần vì nó sẽ khiến bạn kiệt sức. Ngoài ra, hãy tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân. Không ai trong chúng ta hoàn hảo, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm.
Bên cạnh đó, hãy kết bạn với các học giả khác và cùng nhau làm việc để hỗ trợ lẫn nhau. Môi trường nghiên cứu có thể là một nơi cô đơn và tách biệt nhưng chính những tình bạn này sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn khi bạn chỉ muốn bỏ cuộc.