Hà Nội: Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ “đầu vào”

Truyền thông - Ngày đăng : 15:17, 03/03/2021

Một trong những định hướng quan trọng của phát triển chăn nuôi tại Hà Nội năm 2021 chính là phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội: Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ “đầu vào” - Ảnh 1.

Giết mổ tập trung thịt lợn tại một cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Bình Minh)

Giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khó kiểm soát

Thực tế thời gian qua tại một số địa bàn các huyện thuộc Hà Nội vẫn còn xảy ra tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh. Cá biệt, tại huyện Chương Mỹ đã xảy ra tình trạng giết mổ lợn chết đem đi tiêu thụ tại một số chợ dân sinh.

Sau khi có thông tin phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra nhưng việc xử phạt chỉ mới diễn ra đối với một vài trường hợp và hình thức còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác... cũng đã kiểm tra nhưng việc giải quyết triệt để là rất khó vì trên thực tế, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công chỉ giết mổ 1-2 con/ngày, không có địa điểm cố định mà nằm rải rác trong các khu dân cư nên khó nắm bắt, kiểm tra. Thêm nữa, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng chức năng như thú y, quản lý thị trường khó có thể có đủ lực lượng để kiểm soát hết.

Định hướng chăn nuôi bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm

Để hạn chế dần hoạt động giết mổ nhỏ, lẻ nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh các giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm thì phát triển chăn nuôi tập trung gắn với mô hình giết mổ tập trung theo hướng công nghiệp là giải pháp hữu hiệu để cung cấp nguồn cung thịt gia súc, gia cầm tới tay người tiêu dùng.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội, đến nay Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm. Tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố là 5.351 trại chăn nuôi lớn, vừa, nhỏ (trong đó, số trại nuôi sinh sản 1.879 trại; số trang trại của công ty liên doanh 569 trại).

Định hướng phát triển chăn nuôi năm 2021 là phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi  trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình; thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực nội thị, các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các giải pháp tập trung về an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ

Muốn đạt được định hướng và mục tiêu trên, ngành Thú y Hà Nội xác định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tập trung tập huấn, tuyên truyền cho người dân và nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở; chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng; điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch.

Cùng với đó, thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn (dự kiến 05 đợt/năm). Đồng thời, thực hiện tốt việc vệ sinh tiêu độc tại các ổ dịch phát sinh; phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ kinh phí triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường giải pháp quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm phấn đấu đưa các cơ sở giết mổ đã được Thành phố phê duyệt vào hoạt động, giảm các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến.

Tiếp đó, tăng cường quản lý công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y và tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thú y. Trong đó, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với mục tiêu và giải pháp cụ thể đã được xác định, Hà Nội quyết tâm thực hiện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ngày từ "đầu vào" khâu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm... cho tới đảm bảo an toàn dịch bệnh, nỗ lực đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn trước khi tới tay người tiêu dùng.

Bình Minh