Khát vọng Việt Nam 2045

Bản tin ICT - Ngày đăng : 11:25, 03/03/2021

Khát vọng vươn lên của toàn dân tộc đã được phản ánh trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong đó đặc biệt đề cập đến mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để có thể biến ước mơ đó thành hiện thực, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chỉ đạo định hướng, sự tham mưu hiệu quả của các cấp, các ngành và sự chung tay, đoàn kết của toàn dân.

Hiện thực hóa mục tiêu

Đất nước ta đang đứng trước thời cơ mới chưa từng có và lịch sử cũng đã cho thấy, khi nào cả dân tộc ta đoàn kết, cùng chung một khát vọng, một niềm tin, thì nhất định sẽ lập nên những kỳ tích. Đây là thời điểm để chúng ta dồn toàn lực vào "cuộc đua nước rút" tới các cột mốc năm 2030 và năm 2045, hiện thực hóa mục tiêu "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra từ những ngày lập quốc. Cụ thể trong Nghị quyết Đại hội XIII, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng Việt Nam 2045 - Ảnh 1.

Năm 2021, thực tiễn đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời; có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới, sáng tạo và phát triển ở nước ta.

Vấn đề là để hiện thực hóa những mục tiêu kể trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn tới là cụ thể hoá 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030. Các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó có nhiều vấn đề mới, nổi bật. Theo đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trọng tâm.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh đến những cụm từ như "đổi mới sáng tạo", "chuyển đổi số", "kinh tế số", "xã hội số"… Thực tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện và tác động ngày một nhiều hơn, rõ rệt hơn tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một trong những minh chứng khá rõ ràng là trường hợp hai cá nhân đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất ở Hà Nội năm 2020. Cả hai đều thuộc thế hệ 9X với thu nhập khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm, nộp thuế hàng chục tỷ đồng và đáng chú ý nhất, họ đều là những người viết phần mềm ứng dụng.

Chủ động tận dụng cơ hội 4.0

Trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là rất lớn. Vì vậy, nếu như tại các Văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thì trong Văn kiện trình Đại hội XIII, đổi mới sáng tạo đi cùng với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đây được coi là chìa khóa để tận dụng được các cơ hội trong những năm tới.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP và hỗ trợ năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm, tới năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Khát vọng Việt Nam 2045 - Ảnh 2.

Công nghiệp tương lại. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, mà còn chuyển đổi số trên diện rộng, đặc biệt với các doanh nghiệp. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới. Nếu như chúng ta không chuyển đổi số kịp thời thì đây sẽ là yếu tố dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân các doanh nghiệp cũng bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trên thế giới.

Hiện tại, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các FTA thế hệ mới và làn sóng FDI mới khi Việt Nam đang cho thấy "sức hấp dẫn" đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA.

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Trong một thế giới đang biến động và bất định, một lần nữa chúng ta thấy được giá trị của sự ổn định, sự an toàn và đây là một lợi thế của Việt Nam.

COVID-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, nhất là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025.

Những gì mà COVID-19 đã và đang gây ra cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phần nào tác động đến suy nghĩ phát triển mô hình kinh tế hiện nay. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII cũng khuyến khích thay đổi và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây có thể coi là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Trong bài tham luận chủ đề "Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

Khát vọng Việt Nam 2045 - Ảnh 3.

Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tập trung tận dụng cơ hội hợp tác trong tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước, trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam."

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.

HM