Xây dựng hạ tầng số để TP HCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT, ĐTTM

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:24, 03/03/2021

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã, đang được các địa phương trên cả nước chú trọng để chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN), phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 5 năm tới, thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã kịp thời ban hành các văn bản quan trọng gồm: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN), phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình triển khai Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) đến năm 2025.

TP HCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT

Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong CQNN, phát triển chính quyền số và bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các CQNN một cách tập trung, thông suốt, tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo ATTT và an ninh mạng.

TP. HCM ứng dụng CNTT để thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT - Ảnh 1.

TP. HCM đạt mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI) (Ảnh: Internet)

Kế hoạch đặt ra một số mục tiêu cao đáp ứng phục vụ người dân, DN gồm: 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử TP. HCM được xác thực điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính (TTHC) đáp ứng yêu cầu triển khai khai DVC trực tuyến mức độ 3, 4.

Tiếp theo là 40% số lượng người dân và DN tham gia hệ thống chính quyền điện tử (CQĐT) TP được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ Hệ thống Trung ương.

Kế hoạch cũng đặt ra 60% các hệ thống thông tin của các sở, ban ngành, thành phố, Thủ Đức và các quận huyện có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Nền tảng tích hợp chia sẽ dữ liệu; Thông tin của người dân, DN được số hoá và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố không phải cung cấp lại….

Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu của TP được kết nối với các CSDL quốc gia (gồm CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, tài chính, bảo hiểm) để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch nêu rõ TP. HCM đạt mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Trở thành ĐTTM phát triển, bền vững cao vào năm 2025

Theo chương trình triển khai đề án Xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM đến năm 2025, TP HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. 

TP. HCM ứng dụng CNTT để thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về CPĐT - Ảnh 2.

Các đại biểu tìm hiểu về các mô hình ứng dụng công nghệ tại hội thảo Quốc gia về CPĐT lần thứ 15 được tổ chức tại TP. HCM. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

TP sẽ triển khai đầu tư hoàn thiện 4 Trung tâm của Đề án ĐTTM gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; Trung tâm điều hành ĐTTM của TP; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm ATTT TP và triển khai xây dựng CQĐT, chuyển đổi dần CQĐT sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý ĐTTM.

ĐTTM là một đề án quan trọng mà TP dành nhiều nguồn lực thực hiện hơn 2 năm qua. Theo đó, đề án đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và DN tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như DN vận tải, đào đường, công trình,…

ĐTTM cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như: Y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Hạ tầng số đóng vai trò then chốt

Để thực hiện được Kế hoạch ứng dụng CNTT trong CQNN, phát triển chính quyền số và bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2021 - 2025, các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển các hệ thống nền tảng; Phát triển dữ liệu; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; Bảo đảm ATTT…

Trong đó, TP sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu có ý nghĩa then chốt. Kế hoạch nêu rõ hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu TP có ít nhất 02 trung tâm dữ liệu và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của TP.

TP sẽ chuyển đổi toàn bộ sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) đối với toàn bộ hệ thống ứng dụng của TP HCM; Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng TP một cách thống nhất, đồng bộ và tin cậy phục vụ cho CĐS và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).

Đến năm 2025, TP xây dựng hạ tầng IoT bao gồm cảm biến IoT theo các lĩnh vực khác nhau phục vụ nhu cầu về quản lý và phát triển đô thị như quản lý đô thị, môi trường, giao thông, an ninh trật tự, nguồn nước…

TP phát triển các ứng dụng, dịch vụ, gồm: Phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phuc vụ hoạt động nội bộ các CQNN; Phát triển ứng dụng, dich vụ CNTT phục vụ người dân, DN.

Để TP HCM trở thành ĐTTM vào năm 2021, TP sẽ thực hiện các giải pháp gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP; Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; Thành lập Trung tâm ATTT TP; Khung CNTT và truyền thông (ICT) cho ĐTTM của TP;…

Như vậy, có thể nói để dẫn đầu về triển khai CPĐT, ĐTTM, TP. HCM đã xác định phát triển hạ tầng số là quan trọng.

Trong những năm qua, theo Sở TTT&TT TP HCM, TP đã triển khai hệ thống mạng đô thị băng rộng thành phố (MetroNet), thực hiện kết nối từ UBND TP đến sở, ban ngành, quận, huyện, phường xã, thị trấn, các tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thông qua hệ thống mạng băng rộng TP. Hiện nay, có tổng cộng 807 điểm đã kết nối vào hệ thống mạng phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp là nền tảng kết nối liên thông của chính quyền TP.

Ngoài ra, TP còn triển khai Cổng dữ liệu của TP tại địa chỉ data.hochiminhcity.gov.vn là nơi khai thác tập trung kho dữ liệu dùng chung của TP, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của các CQNN.

Mới đây, cho biết về phát triển hạ tầng số, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho hay: hạ tầng viễn thông trên địa bàn TP HCM phát triển nhanh chóng trong những năm qua gắn liền với sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi mọi thứ trong xã hội được kết nối với nhau sẽ đòi hỏi việc truyền và xử lý dữ liệu cần phải thực hiện một cách nhanh chóng. Để có thể làm được điều đó đòi hỏi TP phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Song song với quá trình xây dựng ĐTTM, TP HCM đã và đang đẩy mạnh quá trình thực hiện CĐS. Chương trình CĐS của TP HCM với mục tiêu làm rõ hơn định hướng và tiếp cận để triển khai một phần của Đề án xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM, tập trung phát triển các giải pháp CNTT-TT và số hoá các quy trình nghiệp vụ và dịch vụ của các cơ quan chính quyền thuộc TP.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình CĐS là đẩy mạnh phát triển và xây dựng hạ tầng số, trong đó, hướng đến việc hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu TP dựa trên công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ, phát triển rộng khắp mạng di động 4G trên toàn địa bàn và khuyến khích DN viễn thông thí điểm mở rộng việc xây dựng và phát triển mạng 5G, phát triển mạng viễn thông băng rộng chuyên dùng phục vụ ĐTTM và CĐS, phát triển hạ tầng IoT, và tiến hành chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới IPv6.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Quốc Cường, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Sở TT&TT đã xây dựng Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Với những nỗ lực thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng hạ tầng số, những kết quả đạt được của lĩnh vực này sẽ đóng góp cho TP HCM sớm trở thành địa phương đứng trong top đầu về triển khai CPĐT, ĐTTM.

Hoàng Linh