Ngân hàng Nhà nước bảo đảm an toàn cho cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán
Quản trị - Ngày đăng : 21:58, 02/03/2021
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 diễn ra chiều 2/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về hiện nay có ý kiến cho rằng khó kiểm soát được hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán trong các giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế... các cá nhân chuyển tiền cho nhau thì làm sao để phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch bất hợp pháp?
Ngoài ra, phóng viên cũng đặt câu hỏi gần đây hàng nghìn người cũng đang tham gia vào mô hình Emas Fintech, đây là hệ thống mua bán tiền điện tử (trade coin). Cơ quan chức năng có cảnh báo gì?
Thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng
Về vấn đề kiểm soát hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán trong các giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế..., Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Đối với việc quản lý giao dịch hợp pháp, khó khăn của trung gian thanh toán như ví điện tử… khó phát hiện ra được những giao dịch nào là hợp pháp và không hợp pháp. Tất nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay đang rất nhanh, đem lại lợi ích lớn trong cuộc sống, nhất là những dịch vụ trung gian thanh toán như hiện nay.
Rất nhiều sản phẩm, rất nhiều đơn vị cung ứng những dịch vụ này và điều đầu tiên mà NHNN, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, luôn coi trọng bảo đảm an toàn cho việc cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán, và làm sao có những đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro của chính những đơn vị đó và cho những người tham gia thanh toán, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Chính vì thế, theo Phó Thống đốc, đã có rất nhiều văn bản như Thông tư 19, Thông tư 35, thậm chí không phải ban hành gần đây mà ban hành rất lâu rồi, có văn bản từ năm 2014 đã cảnh báo vấn đề này.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Hằng năm, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như các trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng và tất cả những giao dịch thông qua các ngân hàng được phép, các tổ chức trung gian thanh toán được phép một cách công khai, chính xác thì câu chuyện phát hiện ra hợp pháp hay bất hợp pháp không có gì là khó.
Tuy nhiên, những giao dịch chỉ có thông qua hệ thống công nghệ không hợp pháp ở Việt Nam được NHNN xem xét để có phương pháp xử lý thích hợp. Điều mà chúng tôi muốn lưu ý người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán này là cần bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của mình, tuân thủ những quy định để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia.
NHNN thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại có trách nhiệm đối với khách hàng là nhắn tin, hướng dẫn những vấn đề kẻ gian có thể lợi dụng để làm cho cơ chế thanh toán không an toàn. Rất mong người dân quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tiến dụng.
Tiền ảo hoàn toàn không phải là tiền điện tử
Về vấn đề đầu tư và tiền ảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Đúng là gần đây vấn đề đầu tư vào tiền ảo rộ lên. Từ năm 2012-2013 đã đặt ra câu chuyện này và năm 2014 đã có tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng, xác định tiền ảo là tiền nào.
Phó Thống đốc lấy ví dụ như tiền bitcoin hoặc một số loại tiền khác có phải là tiền pháp lệnh của chúng ta không. "Chúng tôi khẳng định không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật".
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan chức năng như NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Tiền ảo này hoàn toàn không phải là tiền điện tử, chính vì thế chúng ta bị nhầm lẫn.