Kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021

Truyền thông - Ngày đăng : 15:19, 02/03/2021

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố và đã đạt được những kết quả ghi nhận.

Tại Quảng Trị:

Công tác truyền thông được triển khai một cách đồng bộ với nhiều hình thức phong phú: Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng 02 phóng sự "Lựa chọn sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết", " Lựa chọn Thực phẩm an toàn Tết Tân Sửu" và 01 chuyên mục Phát thanh trực tiếp về hướng dẫn lựa chọn thực phẩm trong dịp tết, đồng thời tuyên truyền thông điệp an toàn thực phẩm tết Nguyến đán trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, loa phát thanh các xã phường thôn bản, các chợ, in ấn và cấp phát hơn 10.000 tờ rơi, tranh áp – phích truyền thông, treo 251 khẩu hiệu ở các trục đường chính, các chợ và siêu thị; Tổ chức 63 buổi nói chuyện, 14 bài viết đăng trên Website của Sở Y tế, Sở Nông Nghiệp, Website Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, v.v..

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ ngày từ 15/01/2021 đến 01/02/2021, trong đó: Ngành Y tế thành lập 132 đoàn thanh tra, kiểm tra (tuyến tỉnh: 03 đoàn, tuyến huyện: 15 đoàn, tuyến xã: 114 đoàn), tiến hành kiểm tra 2161 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền phạt là 13.559.000 đồng và 01 cơ sở đang chờ xử lý. Nội dung vi phạm chủ yếu là thực phẩm không bảo đảm an toàn, hàng hết hạn sử dụng, nhãn mác không đúng theo quy định. Đã tiêu hủy 12 loại sản phẩm hết hạn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng gồm 40 gói mứt dừa xiêm, 32 chai nước mắm các loại, 27 chai nước tương các loại, 15 chai/ hộp sữa các loại, nước uống giải khát, 25 gói kẹo…

Kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021  - Ảnh 1.

Đoàn liên ngành ATVSTP tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh bánh kẹo. (Ảnh: PV)

Ngành Nông nghiệp thành lập 03 đoàn thanh tra, kiểm tra (01 đoàn liên ngành và 02 đoàn chuyên ngành), đã tiến hành kiểm tra 279 cơ sở, xử phạt 11 cơ sở với tổng số tiền phạt là 16.850.000 đồng và cảnh cáo 01 trường hợp. Nội dung vi phạm chủ yếu buôn bán sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, sản xuất chả vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (không thực hiện thu gom rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất, sử dụng người sản xuất thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm), kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa. Đã tiêu hủy sản phẩm vi phạm với giá trị hàng hóa vi phạm 1.200.000 đồng (hàng hết hạn sử dụng).

Cục Quản lý Thị trường kiểm tra 54 vụ, xử lý 30 vụ với tổng trị giá hàng hoá tạm giữ, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 492.375.000 đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính: 117.150.000 đồng (vi phạm chủ yếu về hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm lĩnh vực giá và nhãn hàng hóa) và tịch thu hàng hóa trị giá: 375.225.000 đồng (gồm: rượu, đường kính, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng). Đặc biệt, đã bắt giữ 16 vụ đường kính nhập lậu, tịch thu 16.450 kg đường kính trị giá 168.875.000 đồng.

 Phòng PC05 – Công an tỉnh qua công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối đã phát hiện 6 vụ vi phạm, xử phạt 26.300.000 đồng.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn đã lấy 212 mẫu thực phẩm các loại để tiến hành test nhanh và gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng cụ thể: kiểm tra chất tạo nạc trên thịt, hàn the trên các loại chả, bánh đúc, Sunfite trên mứt, măng, nước ngâm dưa, mít, chất Vàng ô trên mứt, phát hiện 05 mẫu vi phạm trong đó có 01 mẫu mứt dừa có nhóm Sunfite tính theo SO2 vượt mức sử dụng tối đa cho phép và 04 mẫu chả dương tính với hàn the.

Ngoài các đoàn thanh tra kiểm tra, các ngành còn triển khai các đoàn giám sát an toàn thực phẩm, như: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã lấy 214 mẫu để kiểm tra các chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất trong tôm nguyên liệu, chất bảo quản ure, hàn the, formol trong thủy sản khai thác, kết quả tất cả các mẫu đều đạt. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã triển khai giám sát tại các chợ đầu mối, các chợ vùng xa và các hộ sản xuất làng nghề mứt gừng, rượu trên địa bàn tỉnh. Trong 246 mẫu thực phẩm để làm test nhanh trong đó có 04 mẫu chả dương tính với hàn the. Đoàn đã kiến nghị xử lý và yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất nem chả trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhìn chung, các ngành thành viên BCĐ liên ngành ATTP tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết nguyên Đán năm 2021. Tuy nhiên trong dịp Tết nguyên đán xuất hiện nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ tết được sản xuất với số lượng lớn, đa dạng nhưng mang tính thời vụ với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý về an toàn thực phẩm.

Tại Hưng Yên:

Đoàn Kiểm tra đã tổ chức kiểm tra tại các huyện, thị xã, thành phố từ ngày 18/01/2021 đến ngày 18/02/2021. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, sản phẩm từ thịt, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…., Đoàn tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về VSATTP, kiểm soát, đánh giá nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiểm chất lượng thực phẩm. Đồng thời phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân.

Tổng số cơ sở được kiểm tra là 19 cơ sở đang hoạt động, trong đó: 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống  (chiếm 68,4%), 02 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học (chiếm 10,5%), 04 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (chiếm 21,1%). Đa số các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm có đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, Giấy khám sức khỏe và Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Thông qua hoạt động kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 03 cơ sở vi phạm (chiếm 15,8 %), số tiền xử phạt là 12.000.000 đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Tại Đắk Lắk:

Thực hiện Kế hoạch số 11850/KH–UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021. Công tác thanh tra, kiểm tra trên toàn tỉnh được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường.

Tính đến ngày 02/02/2021, tổng số cơ sở thực phẩm được thanh tra, kiểm tra là 1.290, số cơ sở đạt yêu cầu là 1.113, chiếm tỷ lệ 86,3%. Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 21, chiếm 11,9% so với tổng số cơ sở vi phạm, số tiền xử phạt là 57.600.000 đồng. Số cơ sở vi phạm không bị xử lý (chỉ nhắc nhở tại chỗ) là 156 cơ sở, chiếm 88,1%.

Kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021  - Ảnh 2.

Tiến hành test nhanh sản phẩm mứt dừa. (Ảnh: PV)

Các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện lấy và gửi xét nghiệm 12 mẫu, trong đó có 04 không đạt chất lượng, chủ yếu là sản phẩm cà phê bột. Thực hiện 117 test kiểm tra nhanh thực phẩm, trong đó 111 test cho kết quả âm tính (-), chiếm tỷ lệ 94,9%.

Thông qua việc thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đặc biệt bảo đảm phải tuân thủ tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

PV