Nhiều cơ sở y tế đã triển khai hạ tầng Internet vạn vật
Chính phủ số - Ngày đăng : 16:07, 26/02/2021
Trên tinh thần nghiêm túc thực hiện báo cáo nhiệm vụ, cũng như với mong muốn đưa ra đánh giá, ghi nhận tích cực từ những "ưu điểm", "sức mạnh" quan trọng của việc ứng dụng các CNTT trong công tác điều hành, quản lý của đơn vị, ngành Y tế vừa có báo cáo cụ thể về kết quả của hoạt động này trong giai đoạn 5 năm (2016-2020).
Nhiều cơ sở y tế đã triển khai hạ tầng Internet vạn vật
Theo báo cáo, việc thực hiện ứng dụng, phát triển CNTT ngành Y tế thời gian qua luôn được đầu tư, tăng cường, đạt được những kết quả cao với tỷ lệ: 100% (cán bộ công chức, viên chức có máy tính làm việc, kết nối Internet tốc độ cao; các bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; TTHC được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4); 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; có 54/63 tỉnh, thành phố đạt: mức 1 (40,4%), mức 2 (32,2%); mức 3 (21,4%), mức 4 (4,8%), mức 5 (1,1%), mức 6 (0,1 % bệnh viện thông minh) áp theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT...
Bên cạnh đó, đã có 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; 11 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thế thay bệnh án giấy; nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hạ tầng Internet vạn vật y tế (IoT).
Đồng thời, đơn vị đã chú trọng xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; trang bị robot trong phẫu thuật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú; khai thác, vận hành Ngân hàng dữ liệu ngành Dược…
Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế đã ứng dụng, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Đây là bước tiến vượt bậc dựa trên các giải pháp công nghệ số, điều này không chỉ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo… góp phần tạo "nền móng" vững chắc, là tiền lệ, hướng đi mới để đưa Y tế Việt Nam tự tin vươn cao, vươn xa, thúc đẩy CĐS ngành y tế.
Cũng trong giai đoạn 05 năm này, ngành Y tế đã chú trọng, đầu tư tích cực cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT, phần lớn các đơn vị thuộc bộ đều có cán bộ phụ trách về ứng dụng CNTT (chủ yếu là kiêm nhiệm).
Các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đã hình thành hệ thống tổ chức chuyên trách CNTT. Có 95% các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt đã thành lập phòng CNTT, các đơn vị khác đã có bộ phận, cán bộ chuyên trách CNTT.
Đặc biệt, đối với công tác an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, Bộ Y tế luôn tích cực tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, buổi diễn tập… cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động chuyên trách CNTT tại các đơn vị thuộc bộ được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng luôn đẩy mạnh việc phối hợp, tăng cường sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT, Bộ Công an trong các chiến dịch bóc gỡ mã độc, mạng máy tính nhiễm mã độc trên diện rộng… để đảm bảo vận hành hệ thống CNTT của ngành Y tế thông suốt, an toàn, bảo vệ an ninh thông tin dữ liệu số y tế.
Nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT còn thiếu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nêu trên, báo cáo cũng nêu ra những tồn tại, khó khăn của ngành khi thực hiện nhiệm vụ này như: Nguồn kinh phí hàng năm dành cho công tác ứng dụng CNTT ở cơ quan bộ và các đơn vị trực thuộc còn hạn chế. Cũng chính vì thiếu kinh phí nên việc triển khai DVC trực tuyến ở bộ chưa đạt hiệu quả theo mong muốn, do đó, dẫn đến khó bảo đảm thực hiện theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.
Đồng thời, đơn vị chưa ban hành được quy định kinh phí CNTT được tính vào giá thành dịch vụ khám chữa bệnh và được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; chưa có khung chuẩn về cơ chế thuê dịch vụ và các văn bản hướng dẫn của bộ chuyên ngành… nên việc thẩm định phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ cho các đơn vị thuộc bộ còn gặp nhiều khó khăn (khó xác định giá thuê, làm dự án đầu tư để xác định giá; khó khăn trong đấu thầu thuê dịch vụ CNTT, đơn vị đã làm khi tham dự thầu, lợi thế).
Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia y tế vẫn còn tình trạng cát cứ dữ liệu, thiếu chia sẻ dữ liệu, số liệu không đồng nhất, chính xác… vì nhiều đơn vị y tế chưa chủ động, tích cực trong rà soát, quy trình, biểu mẫu.
Các phần mềm quản lý y tế điện tử ở các cấp cơ sở (cấp xã) hiện nay vẫn chưa được đồng bộ, còn riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ các nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên.
Cũng theo Bộ Y tế, mặc dù trước đó bộ đã ban hành quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế, tuy nhiên để làm tốt nội dung này cần thêm thời gian để xây dựng hệ thống xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế cung cấp, xác thực cho các cơ sở y tế.
Kiến nghị chính sách ưu tiên phát triển y tế điện tử
Để giải quyết, khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, đồng thời nhằm phát huy hơn nữa những kết quả tích cực, Bộ Y tế đưa ra các đề xuất, kiến nghị: Bộ TT&TT và Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Y tế đề nghị có các chính sách ưu tiên cho phát triển y tế điện tử để Bộ Y tế tập trung triển khai chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, bệnh viện thông minh, quản trị y tế thông minh.
Gần đây, tại Hội nghị Y tế toàn quốc đầu năm 2021, khẳng định về tầm quan trọng của các ứng dụng CNTT cũng như vai trò quan trọng của việc CĐS hướng đến bệnh viện số thông minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo, yêu các đơn vị trong ngành cần tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ AI trong cấp phép dược phẩm, thực phẩm (thực hiện trong tháng 3/2021) và tháng 7/2021 sẽ đưa vào khám chữa bệnh không dùng giấy.
Đặc biệt, để sớm đạt được mục tiêu bệnh viện thông minh, các đơn vị ngành cần đẩy mạnh các hệ thống ứng dụng số vào quy trình nghiệp vụ: Hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thống kê y tế điện tử, CSDL y tế quốc gia...
"Y tế sẽ sử dụng bệnh án dùng chung tất cả các tuyến, chung kết quả xét nghiệm, liên thông cơ sở dữ liệu… Đơn vị sẽ thuê toàn bộ dịch vụ CNTT, hạ tầng nhằm tiết kiệm nhân lực, dành thời gian cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Như vậy, qua báo cáo, một lần khẳng định thêm sự cần thiết của CNTT không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính cho ngành Y tế, hướng đến số hóa vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn mà với việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế để khắc phục, cùng các đề xuất kiến nghị cho thấy Y tế đang quyết tâm cao nhằm đưa ra các chủ trương quản lý phù hợp trong tình hình mới, đáp ứng thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.