Ba Vì - mô hình điểm về cung ứng thực phẩm an toàn

Truyền thông - Ngày đăng : 15:58, 24/02/2021

Là một trong những huyện đi đầu của TP. Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, huyện Ba Vì luôn tích cực triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc thù là một huyện có vị trí địa lý phân bố ở cả đồng bằng, trung du và miền núi nên hoạt động sản xuất đa dạng ở nhiều mặt hàng từ nông sản thực phẩm đến cả thủy hải sản như: Sữa, chè, miến dong, gà đồi, rau, cá, tôm... 

Các mô hình sản xuất, kinh doanh phần lớn là các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán ở các thôn xóm, các khu dân cư tại 30 xã và 1 thị trấn. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 2.207 cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… trong đó có 340 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương; 916 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 951 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế; tổng số cơ sở kinh doanh trong chợ là 411 cơ sở. 

Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, cơ sở dịch vụ đều thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, được Cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đã ký cam kết bảo đảm thực hiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Ba Vì - mô hình điểm về cung ứng thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Thực phẩm an toàn của huyện Ba Vì đã có mặt tại nhiều kệ hàng trong các chợ, siêu thị...

Đối với các mô hình điểm an toàn thực phẩm theo chủ trương của thành phố, huyện Ba Vì đã triển khai được 2 mô hình, cụ thể: mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung, giám sát tại 824/824 bữa cỗ (đạt 100%); mô hình nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học ở hai trường Tiểu học Tây Đằng B và trường Tiểu học Vật Lại đều đạt chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, huyện Ba Vì cũng đã triển khai được một mô hình điểm về nuôi thủy sản theo hướng VietGap 03 ha, với 3 hộ dân tham gia tại xã Cổ Đô, Vạn Thắng đều đạt hiệu quả cao.

Ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Ba Vì cho biết, thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" của Chính phủ và "Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay huyện đã có 05 sản phẩm nông sản, thực phẩm được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gồm: Nhãn hiệu Chứng nhận sữa Ba Vì; chè Ba Vì; nhãn hiệu khoai lang Đồng Thái; nhãn hiệu tập thể miến dong Minh Hồng thuộc xã Minh Quang; nhãn hiệu tập thể gà đồi Ba Vì.

Giai đoạn 2020 – 2021, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phê duyệt kế hoạch xây dựng thêm các nhãn hiệu đặc trưng của vùng đất Ba Vì gồm có: Thuốc nam; Mật ong Tản Viên; Rau an toàn; Thanh long ruột đỏ… Ngoài ra, huyện cũng đang hoàn thiện xây dựng thương hiệu làng nghề chè Ba Trại nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, trong đó có xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng các thực phẩm an toàn để cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn cho người dân, cung ứng ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân – ông Đỗ Quang Trung cho biết thêm. 

PV