Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:08, 19/02/2021

Trước sự bùng nổ của Internet toàn cầu, mạng Internet đang chuyển đổi từ giao thức IPv4 (địa chỉ Internet thế hệ 4) sang IPv6 (địa chỉ Internet thế hệ 6) để vừa giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ của IPv4 vừa đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, 4G LTE/5G.

IPv6 là giao thức mặc định trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định sẽ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên thế hệ mạng IP thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud. Dự báo tới năm 2025, hoạt động Internet toàn cầu sẽ chuyển đổi sang công nghệ thuần IPv6.

Đón trước xu thế công nghệ, từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, chuyển đổi sử dụng IPv6 trên hoạt động mạng, dịch vụ và hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng triển khai công nghệ mới IPv6. 

Hoàn thành xuất sắc Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ 2011-2019), Việt Nam chuyển mình với Chương trình Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan nhà nước (CQNN) (IPv6 For Gov) và giữ nhịp các hoạt động hướng tới mục tiêu "Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)" theo Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

1. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí top đầu về ứng dụng IPv6 trong khu vực và toàn cầu

Tính đến hết tháng 11/2020, theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 46%, cao gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2.3 lần trung bình khối ASEAN với 34 triệu người sử dụng Internet truy cập qua IPv6.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 1.

Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam (Nguồn: APNIC, VNNIC)


Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 2.

Xếp hạng 15 quốc gia/vùng lãnh thổ về ứng dụng IPv6 toàn cầu (nguồn APNIC)

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 3.

Xếp hạng ứng dụng IPv6 khu vực ASEAN (nguồn APNIC)

Với kết quả đạt được, Việt Nam giữ vị trí top đầu trong khu vực và toàn cầu về ứng dụng IPv6, thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 châu Á và thứ 10 toàn cầu. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

Với kết quả chuyển đổi IPv6 thành công, năm 2020, VNNIC tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo về xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho Bộ Bưu chính Viễn thông Lào.

Đây là chương trình thứ ba để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ công tác chuyển đổi IPv6 cho Lào. Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục đồng hành với Trung tâm Internet Lào (LANIC) để xây dựng Kế hoạch quốc gia về IPv6 cho Lào trong năm 2021.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 4.

Chương trình đào tạo trực tuyến về IPv6, DNSSEC và IX cho cán bộ của Bộ BCVT Lào (17-18/11/2020)

Đại diện Việt Nam chủ trì nội dung phát triển IPv6 trong dự án ASEAN chung của ba nước (Philppines, Việt Nam, Brunei) về hạ tầng thành phố thông minh; Chủ trì nhóm các nước (Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Úc) đề xuất điều chỉnh Nghị quyết (số 64) của Liên minh Viễn thông (ITU) về thúc đẩy triển khai IPv6. Đây là các hoạt động nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam về kết quả chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ. Các hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam về chuyển đổi IPv6.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 5.

Bảng số liệu Top 05 mạng tiêu biểu về ứng dụng IPv6 (nguồn APNIC, doanh nghiệp)

 2.  Hạ tầng mạng Internet IPv6 quốc gia tiếp tục phát triển, hoạt động tốt

Với việc triển khai máy chủ tên miền Root tại Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia - VNIX, tốc độ truy vấn tên miền trên Hệ thống DNS quốc gia tăng hơn 10 lần (đối với IPv4 và IPv6). Số lượng mạng kết nối VNIX cũng phát triển mạnh, tăng 62%. Đây là cơ sở nền tảng để phát triển hạ tầng số IPv6 quốc gia.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 6.

Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào tổng lưu lượng IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC)

Mạng lưới, dịch vụ IPv6 của doanh nghiệp tăng trưởng tốt với 11 triệu thuê bao FTTH và hơn 34 triệu thuê bao di động hoạt động với IPv6.

Tập đoàn Viettel hiện là doanh nghiệp dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ, là doanh nghiệp (DN) hiện  có đóng góp lớn nhất, 51,53% cho tổng lưu lượng IPv6 của mạng Internet Việt Nam (nguồn APNIC).

3. Thúc đẩy, triển khai chuyển đổi IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của CQNN

Văn bản số 1541/BTTTT-VNNIC ngày 17/5/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT gửi UBND các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ về việc tăng cường ứng dụng IPv6 trong CQNN là yếu tố tác động quan trọng tạo ra bước đột phá về nhận thức của khối Bộ, ngành, địa phương về công tác chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ CQNN. Năm 2020, với nhiều hoạt động của Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN (IPv6 For Gov), Việt Nam đã có sự chuyển biến đột phá về kết quả chuyển đổi IPv6 trong CQNN.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 7.

Kết quả ứng dụng IPv6 trong các tỉnh, thành phố (tháng 12/2020) - Kết quả ứng dụng IPv6 trong khối Bộ, ngành (tháng 12/2020)

3.1. Kết quả Chương trình IPv6 For Gov năm 2020

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 8.

Hiện nay, Việt Nam đã có 33 tỉnh, thành phố và 04 Bộ, ngành đã có kế hoạch triển khai IPv6; 10 Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, tỉnh thành hoạt động tốt với IPv6 (gồm: Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn); 20 tỉnh/thành phố và 11 Bộ, ngành đã đăng ký sử dụng địa chỉ IP độc lập (IPv4, IPv6), sẵn sàng tài nguyên số phục vụ quy hoạch, hiện đại hóa mạng lưới, dịch vụ, phát triển hạ tầng số.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, Trung tâm Internet Việt Nam đã triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 song song với quy hoạch, cấu trúc lại hệ thống mạng của CQNN theo chương trình IPv6 For Gov. Hiện nay, Việt Nam đã có 17 Cổng thông tin của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố và Sở TT&TT đã chuyển đổi IPv6 thành công.

3.2. Hoạt động đào tạo, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ khối CQNN

Trong năm 2020, Trung tâm Internet Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi IPv6 cho CQNN từ Trung ương, đến địa phương. Nhiều hoạt động đã được tổ chức đa dạng về nội dung và phương thức. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như đào tạo trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, do tình hình COVID-19, VNNIC đã cải tiến và bổ sung hoạt động tư vấn trực tuyến và phát triển Chương trình đào tạo IPv6 trực tuyến cho CQNN trên hệ thống VNNIC Academy (academy.vnnic. vn).

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 9.

Năm 2020, nội dung chương trình được phát triển sâu hơn (công nghệ chuyển đổi IPv6 và hệ thống DNS) với 02 chương trình lớn (cho 18 cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành và cho 20 Sở TT&TT khu vực phía Nam).

Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo riêng cho địa phương: Hà Nội, Kon Tum, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bắc Giang.

Để hỗ trợ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, Chương trình đào tạo IPv6, DNS trực tuyến, cung cấp trên nền tảng chia sẻ tri thức số hóa (VNNIC Academy) được VNNIC phát triển dành riêng cho khối CQNN. Nội dung đào tạo đa dạng về IPv6, DNS với mô phỏng Trung tâm dữ liệu của CQNN, phù hợp với mô hình tham chiếu kết nối mạng Bộ, Ngành, địa phương.

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (yêu cầu tính sẵn sàng IPv6 trong lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án); Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT (Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6); Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong CQNN (Tiêu chuẩn kết nối liên mạng LAN/WAN qua IPv6 là bắt buộc đối với các thiết bị có kết nối Internet); Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT (Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh sẵn sàng hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6); Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" quy định: Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang IPv6.

Tính đến nay, VNNIC đã tổ chức gần 60 khóa đào tạo về IPv6 cho tổng số hơn 2.160 học viên (của DN và khối CQNN). Trong đó, số cán bộ, kỹ sư của khối CQNN là 1.325 người từ 20 Bộ/Ngành, 56 tỉnh/thành phố. 

Bên cạnh hoạt động đào tạo, duy trì kênh hướng dẫn, trao đổi hỗ trợ trực tuyến, VNNIC đã triển khai các chương trình tư vấn trực tiếp về chuyển đổi IPv6 cho 05 Bộ, Ngành; 36 tỉnh/thành phố. Riêng năm 2020, VNNIC đã thực hiện tư vấn trực tiếp cho: Ngân hàng Nhà nước, Bắc Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang về công tác xây dựng kế hoạch, đề án và chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước.

4.  Xây dựng Chương trình IPv6 For Gov cho giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo đồng bộ khả năng hoạt động với IPv6 của mạng lưới, dịch vụ CQNN

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác triển khai IPv6, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới. Để phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, CĐS quốc gia và tiếp tục củng cố vị thế Việt Nam trong xu thế công nghệ, công tác triển khai IPv6 cần tiếp tục được thúc đẩy thực hiện với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang thế hệ mới thuần IPv6; ứng dụng IPv6 trong 5G, IoT, sẵn sàng cho nền công nghiệp IP thế hệ tiếp theo.

Để định hướng đồng bộ cách làm, tiến độ hoàn thành mục tiêu "Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)" xác định tại Chương trình CĐS quốc gia, VNNIC đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình được xây dựng để thực hiện các văn bản quy định1 trong nước, phù hợp với mức độ ứng dụng IPv6 của Bộ, ngành, địa phương và xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 trên toàn cầu.

Một số điểm chính về Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn  2021-2025:

- Tên chương trình: Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021- 2025 (gọi tắt là Chương trình IPv6 For Gov). 

-  Đơn vị chủ trì Chương trình: Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).   

- Đơn vị phối hợp thực hiện: Cục Bưu điện Trung ương; Cục Tin học hóa; Cục Viễn thông; Sở Sở TT&TT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị phụ trách CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ IPv6 và phát triển chương trình IPv6 For Gov - Ảnh 11.

Biểu đồ số lượng cán bộ được VNNIC đào tạo IPv6

Mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy, hỗ trợ CQNN chuyển đổi IPv6, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của CQNN một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin; phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, DN về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ CQNN qua IPv6. Tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương với tỷ lệ ứng dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới. 

 Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

+ 100% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ, Ngành) ban hành và thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi IPv6.

+ 100% Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của CQNN hoạt động tốt với IPv6, sẵn sàng khả năng hoạt động thuần IPv6.

+ Chuyển đổi toàn bộ hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ kết nối Internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của khối CQNN sang hoạt động với IPv6; sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025.

+ Tỷ lệ sử dụng IPv6 trong CQNN tương đương tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam (đạt mức 70% - 80%, sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025).

Việc chuyển đổi IPv6 là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm tài nguyên số, hạ tầng số cho công cuộc CĐS quốc gia. Thực hiện các nội dung quy định, chính sách trong nước, bảo đảm phù hợp với xu thế toàn cầu, VNNIC đã phát triển Chương trình IPv6 For Gov và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khối CQNN để chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ CQNN theo mục tiêu Chương trình IPv6 For Gov. 

Cùng với đó, xu thế chuyển đổi IPv6 cho các dịch vụ mới như Cloud, Big Data, AI, IoT, 5G, thành phố thông minh và phát triển các nền tảng hỗ trợ IPv6 như nền tảng của kinh tế số định danh số, thanh toán điện tử…, đảm bảo tiến tới "chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng IPv6" vào năm 2025 để đảm bảo hạ tầng số cho chính phủ số, kinh tế số, tiến tới xã hội số.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụngdịch vụ Internet và thông tin trên mạng. 

2.  Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 Quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN. 

3.  Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 Phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020. 

4.  Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"; 

5.  Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

6. Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của CQNN.

7. Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong CQNN.

8. https://mic.gov.vn

9. https://vnnic.vn.

10.https://apnic.net

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021)

Nguyễn Thị Oanh