Ngân hàng, Fintech "hái quả ngọt" nhờ chuyển đổi số
Chính phủ số - Ngày đăng : 08:01, 19/02/2021
Năm 2020, lượng giao dịch qua di động và Internet tăng vọt
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021 ngày 26/12/2020, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ) và Internet phát triển mạnh.
Theo đó, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua ĐTDĐ đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Đặc biệt, ngay trong thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã có sự dịch chuyển rất mạnh cơ cấu giao dịch. Theo số liệu của Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS) tại sự kiện Hội nghị Ngân hàng thành viên vào tháng 11/2020, giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng số giao dịch) năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Trong khi đó, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch vào năm nay. Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng với tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm từ 84,4% năm 2015 xuống chỉ còn 5,4% năm 2020; lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6,3% năm 2015 lến 93,5% năm 2020.
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp (DN) đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện (doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%).
Ngân hàng, fintech bùng nổ nhờ chuyển đổi số (CĐS)
Kết quả này là minh chứng cho một năm 2020 CĐS mạnh mẽ, khi không chỉ các công ty fintech mà các ngân hàng truyền thống cũng liên tục ứng dụng công nghệ, đưa các công nghệ số vào mọi hoạt động.
Như với Vietcombank, tháng 7/2020, ngân hàng này đã giới thiệu ứng dụng ngân hàng số VCB Digital, trên cơ sở hợp nhất 2 ứng dụng Internet b@nking và Mobile b@nking từ trước đó. Còn VietinBank cũng đã liên tục nâng cấp và hoàn thiện, gia tăng tiện ích và tăng cường các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử; cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ứng dụng VietinBank iPay tăng trưởng 50% số lượng khách hàng, lên tới 3 triệu người dùng, số lượng giao dịch tăng 100% so với 2019.
Bên cạnh đó, VietinBank đã thí điểm triển khai thành công Hệ thống "Smart Digital Branch - Chi nhánh số hoá thông minh" ứng dụng sinh trắc học (biometrics), giúp nhận diện, phân luồng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ, góp phần tăng năng suất lao động.
Hay một loạt các ngân hàng đã triển khai dịch vụ mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) - công nghệ vẫn được coi là "cửa ngõ" để phát triển ngân hàng số, sau khi được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép vào tháng 7/2020.
Theo đại diện Ngân hàng VPBank, Ngân hàng này đã bắt đầu chạy thử nghiệm dịch vụ eKYC vào tháng 4/2020 – khi đồng thời vừa xin phép NHNN, vừa tiến hành thử nghiệm trên tệp khách hàng nhỏ. Đầu tháng 7/2020, khi NHNN có một số thông tin "mở rào" (tức là cho phép thí điểm áp dụng) thì ngân hàng này bắt đầu áp dụng chính thức với toàn bộ khách hàng.
Để triển khai eKYC, VPBank đã triển khai 4 công nghệ cho việc mở tài khoản trực tuyến bao gồm: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) bóc tách và so sánh những thông tin trên chứng minh nhân dân ra bên ngoài; công nghệ biometrics để so sánh xem ảnh đang chụp với chứng minh nhân dân có đúng là 1 người hay không; và chữ ký điện tử (eSignature).
"Trong 3 tháng thử nghiệm chúng tôi tiến hành ngay với các khách hàng đã từ chối sử dụng dịch vụ trước đó, kết quả bất ngờ là có khoảng 50% trong số đó mở tài khoản, và trong đó gần 50% thực hiện giao dịch", đại diện VPBank chia sẻ thêm.
Không chỉ VPBank, các ngân hàng sau khi triển khai eKYC cũng thu được những kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của HDBank, trong tháng đầu tiên áp dụng eKYC số lượng khách hàng đăng ký tài khoản thông qua hình thức xác thực điện tử đã tăng trên 35,4 nghìn tài khoản mới. Tổng doanh số giao dịch của HDBank đã tăng 25% trong tháng đầu tiên ứng dụng xác thực khách hàng từ xa.
Còn với các ví điện tử, tháng 12/2020, Ví điện tử TrueMoney đã bắt tay với Ngân hàng VIB ra mắt thẻ tín dụng TrueCad với quy trình mở thẻ hoàn toàn online và khách hàng không cần chứng minh thu nhập. Hay Ví MoMo cũng đã chạm mốc 23 triệu người dùng vào cuối tháng 12/2020, tăng trưởng 13 triệu người dùng so với thời điểm đầu năm 2020 và nhận đầu tư Series D ngày 13/1/2021. Tổng số tiền giao dịch của MoMo cũng đạt 14 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
CĐS từ sớm để đón đầu xu thế và thói quen người dùng
Chia sẻ trên truyền thông, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, trước đây, ngân hàng và DN cũng đã thực hiện đầu tư nhiều cho công nghệ, trong đó việc thay đổi thói quen người dùng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ công nghệ là rất quan trọng. COVID-19 đã tạo cú huých giúp cho quá trình thay đổi thói quen này diễn ra nhanh hơn.
Cũng theo đại diện Vietinbank, từ chuỗi ý tưởng hình thành trong phòng Lab năm 2019 đến triển khai hiện thực trong năm 2020, để rồi ứng dụng công nghệ tài chính vào đời sống đã có tăng trưởng rõ rệt.
Theo ông Lân, VietinBank cũng như nhiều ngân hàng khác đã thực hiện CĐS vài năm nay, và không phải vì COVID mà chuyển đổi. Những năm trước, Vietinbank đã chuẩn bị nền tảng rất tốt. COVID-19 chỉ cộng hưởng vào đó, làm thay đổi nhận thức thói quen rất lớn cho người dân. Nếu ngân hàng không sẵn sàng, chuẩn bị trước thì dù khách hàng thay đổi cũng sẽ không thể đạt được tăng trưởng đột biến. "Chúng tôi đã triển khai ngân hàng số từ năm 2018 - 2019 và đến 2020 nhận thấy sự tiếp nhận rộng mở hơn từ khách hàng", ông Lân nói.
Việc CĐS của Vietinbank dựa theo nguyên tắc, những việc mà khách hàng đến tại quầy đều có thể thực hiện trên ứng dụng di động, từ mở tài khoản, chuyển tiền, vay tiền,… cho đến cả dịch vụ phi tài chính như mua sắm. Khách hàng có thể sử dụng mã QR trong ứng dụng để rút tiền tại ATM mà không cần thẻ. Đồng thời, khách hàng hoàn toàn có thể chỉ dùng chiếc ĐTDĐ là có thể thực hiện được tất cả nhu cầu, trừ khi cần sự tư vấn chi tiết, ví dụ như khách hàng doanh nghiệp cần tư vấn một khoản vay thì yêu cầu sẽ được chuyển tới chuyên viên để được tư vấn cụ thể hơn.
"Tôi rất kỳ vọng vào năm 2021 để thấy sự bùng nổ, cạnh tranh trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, vì năm 2020, NHNN đã làm được nhiều việc rất tích cực như ra đời Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho mở tài khoản eKYC. Đây là cơ hội bùng nổ phổ cập dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người dân. eKYC giúp người dân mở tài khoản chưa bao giờ tiện lợi hơn thế", ông Lân nhấn mạnh.
Lý giải cho sự tăng trưởng người dùng và lượng giao dịch trong năm 2020, theo Phó Tổng Giám đốc VIB Trần Nhất Minh, khi COVID-19 xảy ra, hành vi của khách hàng thay đổi, họ thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc và giải trí bằng cách xem phim qua Netflix, giao tiếp qua Facebook, Zalo, mua sắm qua thương mại điện tử, đồng thời tránh thanh toán bằng tiền mặt, sử dụng ngân hàng di động, quẹt thẻ.
Từ thay đổi này, các ngân hàng trong dịch COVID-19 cũng đã đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiếp xúc, cũng như tốc độ chuyển dịch ngân hàng số để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, không phải chỉ khi COVID-19 đến VIB mới CĐS mà đã sớm áp dụng công nghệ vào các hoạt động vận hành và kinh doanh từ cách đây nhiều năm. Các hoạt động nghiệp vụ đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm mà không phải qua văn bản, giấy tờ. Ví dụ như: hệ thống quản lý ngân sách và chi phí, hệ thống soạn thảo và phê duyệt văn bản, quản lý nhân sự, quản lý phát triển mạng lưới, phê duyệt khoản vay…
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết, COVID-19 đã thúc đẩy mọi dịch vụ online bùng nổ từ thanh toán điện tử, ngân hàng số cho đến thương mại điện tử… và để mọi người nhận ra, nếu không chuyển đổi số thì sẽ không thể phát triển được. Mặc dù vậy, COVID-19 chỉ là một trong số lý do cho sự CĐS mạnh mẽ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Những nguyên nhân khác bao gồm xu hướng chuyển dịch online, tiết kiệm chi phí thông qua chuyển đổi số vì ngay cả trên thế giới cũng đang dần giảm bớt các cửa hàng vật lý, tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt. "Chưa kể đến, hiện nay cũng là thời điểm chín muồi của công nghệ, để các ngân hàng, fintech có thể ứng dụng mạnh mẽ", ông Diệp nói.
MoMo luôn xác định mình là đối tác, là cánh tay nối dài của các ngân hàng. Vì thế, khi các ngân hàng ứng dụng công nghệ và phát triển mạnh mẽ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho MoMo. Bởi vì khách hàng sẽ hiểu việc sử dụng dịch vụ như thế nào cũng như đem các tiện ích có được nhờ chuyển đổi số của ngân hàng cho tập người dùng của MoMo.
Thách thức từ việc chưa đủ hành lang pháp lý cho fintech
Tại Hội thảo "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số" được tổ chức tháng 12/2020, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đã chỉ ra một số khó khăn mà thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn phải đối mặt, bao gồm hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức, cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.
Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. "Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không. Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như mã QR…", ông Dũng cho hay.
Nếu như Thông tư 16/2020/TT-NHNN của NHNN đã mở cửa cho việc bùng nổ của các ngân hàng số, thì việc chậm ban hành các quy định liên quan đến dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) đã khiến dịch vụ này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do bị tín dụng đen núp bóng, gây lũng đoạn thị trường.
Theo CEO Tima Trần Thế Vĩnh, dân số Việt Nam với hơn một nửa là dân số trẻ trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tài chính cao, nhưng lại gặp nhiều rào cản khi tiếp cận tài chính chính thống, đặc biệt là nhóm người ở vùng nông thôn. Đây là tiềm năng rất lớn cho lĩnh vực P2P Lending (cho vay ngang hàng) phát triển.
Tuy nhiên, trên thị trường đang tồn tại các ứng dụng (app) cho vay online đội mác P2P lending để thực hiện hoạt động cho vay trái pháp luật theo hình thức "tín dụng đen". Những app này thường bẫy người dùng bằng hình thức cho vay online dễ dàng, chỉ cần một số giấy tờ cơ bản như giấy chứng minh nhân dân. Nhưng khi người dùng đăng ký vay thì mới biết mình phải chịu mức lãi suất rất cao, dẫn đến không có khả năng thanh toán. Sau đó họ sẽ phải đối mặt với hình thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen, đe dọa, "khủng bố" tinh thần khách vay và những người thân, gây cản trở và mất an toàn cuộc sống.
CEO Timachorằng,nhữnghoạtđộngtrênkhiếnngườidâncósuynghĩsailệchvềmôhìnhP2Pđúngnghĩa.Hệlụynógâyralàlàmsuygiảmuy tín, cản trở hoạt động của những công ty hoạt động nghiêm túc, chuẩn chỉnh, minh bạch trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Bên cạnh đó, nhiều công ty làm biến tướng mô hình vay ngang hàng dưới một số hình thức như sử dụng trực tiếp vốn để cho vay, không kết nối nhà đầu tư với người có nhu cầu; hoặc lợi dụng để huy động vốn, chiếm dụng vốn và sử dụng sai mục đích. Đến lúc mất kiểm soát nguồn vốn, dẫn đến sụp đổ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như ngành dịch vụ cho vay ngang hàng. Điều này khiến cho lĩnh vực P2P Lending mất dần cơ hội để phát triển, thậm chí có nguy cơ bị ngăn chặn.
Từ đó, ông Trần Thế Vĩnh nhấn mạnh, về phía nhà nước cần sớm có quy định về sandbox cho các dịch vụ tài chính mới, cũng như khung pháp lý quy định cụ thể về hoạt động cho vay ngang hàng để thanh lọc thị trường. Từ đó, có thể loại bỏ các công ty trá hình, không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này.
Đến thời điểm hiện tại, do những khó khăn về nguồn vốn đầu tư vì ảnh hưởng COVID-19, cộng thêm việc chưa có quy định về mô hình này, nhiều ứng dụng cho vay ngang hàng đã phải chuyển đổi mô hình hoạt động, thu hẹp lại quy mô cũng như chứng kiến sự ra đi của nhiều nhân sự chủ chốt. Một lãnh đạo cũ của một ứng dụng P2P Lending đã cho rằng, nếu NHNN không ban hành quy định về sandbox trong cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 thì thị trường cho vay ngang hàng sẽ sụp đổ.
Tàiliệuthamkhảo
[1]. https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV426291
[2]. https://thitruongtaichinhtiente.vn/COVID-19-co-hoi-cho-cac-dich-vu-thanh-toan-khong- dung-tien-mat-dot-pha-32591.html
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021)