Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Vừa chống dịch, vừa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
Bản tin ICT - Ngày đăng : 17:27, 18/02/2021
Cả nước đón Tết an bình, vui tươi, đầm ấm và an toàn
Tại phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu mọi cấp, mọi ngành không được để tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả và không để tháng Giêng là tháng ăn chơi; cùng với phòng chống dịch COVID-19, ngay từ bây giờ phải bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 5 cân đối lớn được bảo đảm.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và các Chỉ thị và Công điện của Thủ tướng, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhìn chung nhân dân cả nước đón Tết trong không khí an bình, vui tươi, đầm ấm và an toàn. Các địa phương đã chăm lo đời sống cho những đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng và đã kịp thời chuyển quà của Chủ tịch nước cho 1.700 người có công với cách mạng.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, tặng quà gần 5.300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 25 địa phương. Nhà nước cũng đã hỗ trợ khẩn cấp trên 19.000 tấn gạo, hơn 3.600 tấn hạt giống và 1.250 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác đã được hỗ trợ kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, vui tươi đón Tết. Hơn 9.000 tấn gạo đã được cấp cho hơn 600.000 người khó khăn ở 14 tỉnh đón Tết.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Số lượng các vụ tai nạn và đánh nhau đều tương đương và giảm so với năm 2020. Đặc biệt, trong cả nước không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Đến trưa 17/2, 90% công nhân và người lao động trong cả nước đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên số người đi lại bằng máy bay, ô tô khách và tàu hỏa giảm đến 70% so với năm 2020, số lượng khách du lịch cũng giảm tương đương và một số tỉnh có đông công nhân cách ly y tế sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế Quý I.
Với tinh thần, thần tốc chống dịch COVID-19, trong ngày 28 và mùng 4 Tết, Thủ tướng đã họp với các địa phương để quyết định các giải pháp mạnh nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đến nay, dịch COVID-19 ở 12 trong 13 tỉnh, thành đã ổn định và tạm yên tâm. Một tuần qua, trong 243 người được ghi nhận mắc COVID-19 ở 7, tỉnh, thành, chủ yếu đều ở Hải Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng lớn lao trong năm Canh Tý vừa qua, vì thế, dù đất nước phải đối mặt với cả dịch bệnh và thiên tai nhưng đời sống của nhân dân được nâng cao, người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều được Nhà nước hỗ trợ để đón Tết, an ninh, an toàn cho người dân được bảo đảm. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán nhiều bộ, ngành làm việc ngày đêm, lăn xả vào công việc để có kết quả như hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau cuộc họp này, tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương phải quay trở lại làm việc bình thường. Tất cả các cán bộ, công chức phải gương mẫu không đi lễ hội, không tập trung đông người, không tổ chức liên hoan, chúc Tết để tập trung xử lý công việc. Các địa phương có ổ dịch COVID-19, nhất là Hải Dương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải bám sát tình hình dịch bệnh để có ứng phó hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, đi cùng với thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh.
Quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào Chính phủ đều phải có đầy đủ quyết tâm, tinh thần hành động để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nhất là ngay từ bây giờ phải quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành công mà đất nước đạt được trong 5 năm qua đã chứng minh thuyết phục về sức mạnh giữa ý Đảng và lòng dân. Vì vậy, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII, Chính phủ cần bảo đảm được 5 cân đối lớn. Đó là cân đối giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nói cách khác là phải giữ được cân đối giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; giữa tiến bộ xã hội với bảo vệ môi trường; giữa độc lập với hội nhập.
Cân đối thứ 2 là giữa phát triển kinh tế nhanh với việc đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó có vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ bản sắc, văn hóa của dân tộc ví dụ như trong phòng dịch, phải gắn với đời sống của nhân dân, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Trong phát triển phải cân bằng, hài hòa, bao trùm, không để ai bỏ lại phía sau, không để địa phương nào bị tụt lại hay đánh mất cơ hội phát triển, nhất là những địa phương có điều kiện phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ quan điểm, trong phát triển đất nước thời gian tới phải bảo đảm được cân đối giữa nội lực và ngoại lực; giữa kinh tế trong nước và kinh tế nước ngoài; giữa nội thương với ngoại thương; giữa xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ với mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực cũng như toàn cầu. Ví dụ như vừa phải mua vaccine phòng COVID-19 của nước ngoài, vừa đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất trong nước, vừa xây dựng nền kinh tế tự cường, hội nhập sâu rộng, vừa thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ với phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ phải bảo đảm được cân đối giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong 5 và 10 năm tới, do đó, không được chủ quan, tránh chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kiểu "nóng đâu, phủi đó", thiếu tính bền vững, bỏ mục tiêu dài hạn xuyên suốt.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ và cơ quan giữ vững sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng cũng như vào các nguyên tắc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa. Ví dụ như trong phát triển giao thông phải tập trung phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi lâu dài hơn hay vấn đề an ninh, quốc phòng toàn diện, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với những cái khó khăn, đặc biệt ở Biển Đông.
Cân đối thứ 5 mà Chính phủ cần phải bảo đảm, đó là cân đối giữa nguồn lực tài chính quốc gia và cán cân ngân sách, nợ công, cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô khác. Hiện, Chính phủ đang duy trì được một hệ thống chỉ tiêu vĩ mô tốt nhưng hệ thống này ngày càng phải được đảm bảo vững chắc hơn, năm sau tốt hơn năm trước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc bảo đảm được 5 cân đối này tựu chung là một cân đối lớn đó là cân đối giữa ý Đảng và lòng dân. Có như vậy mới huy động được tiềm năng và sức mạnh của gần 100 triệu người Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân, để làm nên thành công trong thực hiện Nghị quyết của Đảng.