Chuyên gia Séc nhận định về chiến lược quốc gia công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Xã hội số - Ngày đăng : 14:03, 17/02/2021

Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 3 về số lượng người sử dụng Internet, thứ 3 về tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và thứ 2 về Internet di động tốc độ trung bình.

Chuyên gia Séc nhận định về chiến lược quốc gia công nghiệp 4.0 của Việt Nam - Ảnh 1.

Xu hướng chuyển đổi cơ cấu nhân lực trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chính phủ Việt Nam đã thông qua một chiến lược mới thích ứng nền kinh tế với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), nhằm chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa trên việc sử dụng lao động giá rẻ. Chiến lược dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng GDP lên 30% vào năm 2030.

Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ mang lại một số cơ hội mới cho các công ty của Séc, đã bắt đầu thành lập trong lĩnh vực này ở Việt Nam, như trong lĩnh vực an ninh mạng hoặc ngân hàng kỹ thuật số.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trên đây là nhận định của tác giả David Jarkulisch, nhà ngoại giao công tác tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở Hà Nội, trong bài viết đăng trên trang mạng của Bộ ngoại giao Cộng hòa Séc (mzv.cz) mới đây. Tác giả bài viết nhận định chiến lược mới của Việt Nam về Công nghiệp 4.0 có những mục tiêu tương đối tham vọng.

Theo đó, bên cạnh sự ra đời nhanh chóng của các công nghệ mới và số hóa nền kinh tế, chiến lược này cũng kỳ vọng năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế sẽ tăng trưởng và vị thế của Việt Nam trong so sánh quốc tế sẽ được cải thiện đáng kể. Như vậy, Việt Nam cần 10 năm nữa sẽ lọt vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số đổi mới toàn cầu, 30 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng (GCI) và 50 quốc gia dẫn đầu về tin học hóa hành chính nhà nước (chỉ số chính phủ điện tử - EGDI).

Chiến lược mới bao gồm một loạt các biện pháp hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu ứng dụng và tiêu chuẩn hóa, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, hậu cần và những thay đổi cần thiết về luật pháp. Để đạt được các mục tiêu của chiến lược, Việt Nam có kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết (mạng 5G, mạng quang, cơ sở dữ liệu), đảm bảo chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao và mở rộng năng lực đổi mới tổng thể của quốc gia.

Là một phần của chiến lược, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định 99 công nghệ ưu tiên sẽ tập trung hỗ trợ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, Internet đa dụng, công nghệ lượng tử, tin sinh học, công nghệ hàng không và không gian, công nghệ viễn thám, nghiên cứu và phát triển màn hình độ phân giải cao, và công nghệ in 3D hiện đại.

Tuy nhiên, ông Jarkulisch cho rằng, việc phát triển nền kinh tế số đối với Việt Nam không phải là sự khởi đầu. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị một vị trí xuất phát tương đối tốt và tạo ra những tiền đề cơ bản để phát triển nhanh hơn nữa. Tốc độ phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng tăng tốc đáng kể với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 với tổng giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam đã tăng trưởng 16%, lên 14 tỷ USD.

Tác giả dẫn một nghiên cứu công bố gần đây của Google cho thấy, các động lực tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đạt giá trị lên đến USD 52 tỷ vào năm 2025.

Tác giả nhận định, về các lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh gần nhất trong khu vực. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 3 về số lượng người sử dụng Internet, thứ 3 về tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và thứ 2 về Internet di động tốc độ trung bình.

Việt Nam cũng có thể tự hào là một trong những quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới. Với 60 triệu người đăng ký, Việt Nam có cộng đồng Facebook lớn thứ 8 thế giới./.

Hồng Kỳ/TTXVN