Chuyển đổi số tốn bao nhiêu tiền?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:11, 16/02/2021
CĐS mang lại hiệu quả cho tổ chức, DN
Chia sẻ câu chuyện CĐS thực tế cho chính FPT và các doanh nghiệp (DN) bên ngoài tại ngày Internet Việt Nam 2020 được tổ chức cuối năm 2020, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho biết trong hai năm CĐS vừa qua, FPT thực hiện CĐS cho chính DN này trước, rồi làm cho bên ngoài. FPT triển khai 60 dự án CĐS, tiết kiệm gần 300 tỷ đồng cho FPT. CĐS đầu tiên phải đầu tư hiệu quả.
Với bên ngoài, FPT đã làm CĐS cho Nippon (Nhật Bản), là DN có doanh thu 86 tỷ USD vào năm 2018. DN này làm CĐS mất 6 năm. Sau 6 năm, Nippon tăng doanh thu 4 lần. Như vậy, hiệu quả từ CĐS là rất lớn. Điển hình thứ hai về hiệu quả từ CĐS là tập đoàn Airbus. DN này đã CĐS, dùng nền tảng phổ biến để xây dựng máy bay Airbus 350 và tiết kiệm 35% thời gian xây dựng.
Đối với FPT, CĐS mang lại 3 giá trị cho DN: Vận hành xuất sắc như trường hợp Airbus là rút ngắn thời gian phát triển máy bay mới; mang lại trải nghiệm thú vị cho khách hàng và tạo ra mô hình kinh doanh kiểu mới như Nippon.
Một ví dụ khác về hiệu quả của CĐS, theo Cẩm nang CĐS của Bộ TT&TT, trong nửa đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp của Covid-19, Viettel đẩy mạnh tương tác khách hàng trên các kênh số thay cho kênh truyền thống. Các dịch vụ mới có tỷ lệ tương tác với khách hàng trên 90% trên kênh số.
Nhờ đã CĐS hoạt động chăm sóc khách hàng, tỷ lệ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông đã tăng 87,92% (năm 2019 lên 90,02 năm 2020). Viettel đã chủ động chuyển tương tác khách hàng lên hệ thống chatbot My Viettel tới gần 25.000 lượt/ngày (đạt tỷ lệ 95%).
Bên cạnh đó, Viettel tập trung phát triển đối tác trực tuyến phục vụ khách hàng mua sắm tại nhà. Kết quả doanh thu 6 tháng đầu năm của viettel, đạt 120.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Một ví dụ từ CĐS của công ty nước ngoài là công ty điện lực Pháp Engie, thực hiện CĐS cho công tác bảo trì. Engie chuyển từ bảo trì theo cách truyền thống sang bảo trì tiên đoán. Theo cách truyền thống, bảo trì thực hiện định kỳ hoặc khi có hỏng hóc. Bảo trì tiên đoán là dự báo trước hỏng hóc, từ đó, tối ưu hóa kế hoạch bảo trì.
Engie có 1,2 triệu km đường dây, gồm nhiều loại tài sản như trạm điện, đường dây, máy biến áp, công tơ, cảm biến,… dữ liệu thu thập về theo thời gian thực hàng petabyte (1 triệu GB) mỗi ngày, kết hợp với cả các dữ liệu liên quan khác như thời tiết. Nền tảng phân tích dữ liệu lớn sử dụng AI với hơn 1000 mô hình máy học, cho phép cung cấp 140.000 lượt đoán mỗi ngày, chu kỳ 10 phút/1 lần giúp tiết kiệm chi phí hơn 100 triệu EUR/năm.
Đặc biệt, AI cho phép Engie tận dụng và mô hình hóa được tri thức tích lũy hơn 30 năm của một số chuyên gia lành nghề. Hiệu quả có thể giảm đến 30% chi phí bảo trì và 75% thời gian gián đoạn dịch vụ.
Không mất nhiều tiền vẫn có thể CĐS
Đây là khẳng định của ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc VNPT-IT cũng tại ngày Internet Việt Nam 2020. Theo ông Hà Thái Bảo, để thúc đẩy CĐS, VNPT trong thời gian qua đã đầu tư, phát triển các giải pháp, xây dựng cộng đồng, thị trường và sau đó thực hiện cung cấp dịch vụ dưới dạng phần mềm dịch vụ (software as a service). Nhờ đó, khách hàng chỉ trả cho cái gì họ muốn sử dụng thôi, không phải trả cho cái gì không mang lại giá trị cho họ.
Ông Hà Thái Bảo lấy ví dụ là khi khách hàng, tổ chức làm các thủ tục để mở tài khoản, thẻ ngân hàng bắt buộc phải đến quầy giao dịch. Giờ đây khách hàng không phải đến ngân hàng làm thủ tục mà có thể thực hiện từ xa. Để định danh khách hàng, trong thời gian vừa qua, VNPT triển khai hệ thống eKYC, tức là thông qua hệ thống eKYC, khách hàng có thể thực hiện mở được tài khoản, mở được thẻ tín dụng. Nếu ngân hàng mua tổng thể giải pháp sẽ rất tốn kém.
VNPT không bán giải pháp cho ngân hàng mà cung cấp SDK (Software Development Kit) để ngân hàng thực hiện việc quét (scan) chứng minh thư, hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân, bóc tách thông tin, sau đó nhận diện khuôn mặt để kiểm tra danh tính khách hàng và nhân viên ngân hàng có thể gọi video cho khách hàng xác thực thông tin khách hàng để đảm bảo quy trình đăng ký.
Như vậy, ông Hà Thái Bảo cho rằng VNPT không bán giải pháp mà đồng hành cùng với ngân hàng thực hiện CĐS. Ngân hàng khi cần một giao dịch để xác thực khách hàng thì ngân hàng trả khoảng 500 đồng/giao dịch. Chi phí như vậy là rất rẻ và ngân hàng cũng không phải đầu tư hệ thống, phần mềm. Đây là trường hợp điển hình cho việc phối hợp hỗ trợ DN đẩy nhanh việc CĐS và không cần nhiều tiền mà vẫn CĐS được.
Chia sẻ với ông Bảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết trong cách mạng công nghiệp 4.0, các DN số đầu tư phát triển các giải pháp ứng dụng các công nghệ lõi như AI, blockchain, dịch vụ đám mây… để kinh doanh, theo đó, các DN chỉ cần thuê ứng dụng. Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, vừa bị ảnh hưởng bởi Covid thì không phải đầu tư quá lớn để CĐS.
Ông Đường cũng lấy ví dụ, trước đây DN thường mua 1 giải pháp ERP (hoạch định tài nguyên DN) rất tốn kém từ hệ thống phần mềm, máy chủ, cài đặt mà khi mua về rồi có khi chỉ dùng một vài phần của giải pháp. Hiện nay có những nền tảng số tựa như ERP được bán từng phần một. DN có nhu cầu phần nào chỉ cần thuê phần đó, có DN chỉ cần thuê quản trị tài chính, hay có DN chỉ cần thuê quản lý phần bán hàng…
Nhưng ông Đường lưu ý quan trọng là phải tách dữ liệu ra khỏi phần mềm. DN công nghệ cần phải có giải pháp tách dữ liệu ra khỏi phần mềm để bất cứ DN nào thay phần mềm thì vẫn bảo toàn dữ liệu. DN công nghệ, hay DN ứng dụng đều phải lưu ý.
200 triệu đồng đểthực hiện CĐStại xã Yên Hòa giai đoạn 1
Đây là thông tin được Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT về thí điểm CĐS ở xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà cho biết tỉnh đã nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện CĐS. Sau quá trình nghiên cứu, đặc biệt từ ngày 12/7/2020 khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ TT&TT về làm việc tại tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình được chọn làm thí điểm với quyết tâm làm và được Bộ TT&TT hướng dẫn.
Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà đã thông tin các kết quả thí điểm CĐS tại Yên Hòa như 100% văn bản chỉ đạo điều hành của xã được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), đem lại sự nhanh chóng, kịp thời trong chỉ đạo điều hành; Thiết lập kênh giao tiếp giữa lãnh đạo xã và nhân dân thông qua hệ thống tin nhắn, ứng dụng "Công dân số" cho người dân trong xã để phổ biến giáo dục pháp luật; cảnh báo dịch bệnh, bão lụt, lịch sản xuất; cung cấp các dịch vụ hành chính công, phản ánh kiến nghị, tố giác tội phạm.
CĐS Yên Hòa cũng thúc đẩy triển khai sổ liên lạc điện tử; quản lý thư viện; tuyển sinh; thanh toán không tiền mặt trong các trường học để phụ huynh học sinh dễ dàng nắm bắt tỉnh hình học tập của con, em mình; Triển khai hệ thống thanh toán điện tử; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số để phát triển TMĐT.
Hợp tác xã Yên Hòa đã đưa một số sản phẩm như chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo… lên sàn giao dịch. Đời sống của người dân được cải thiện, sản lượng bán hàng tăng gấp 4 - 5 lần; thu nhập mỗi thành viên hợp tác xã tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng.
Xã cũng đã cài đặt 1.300 tài khoản Bluezone phòng chống dịch Covid-19; 1.171 tài khoản Medici; 1.509 thành viên tham gia nhóm "Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời", đã có 1.700 câu hỏi được bác sỹ tư vấn, giúp người dân được hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
43 mắt camera an ninh đã được lắp đặt tại 38 điểm trọng yếu trên địa bàn xã giúp phát hiện một số vi phạm qua chiết suất camera; 46 điểm loa truyền thanh của xã được áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác tuyên truyền.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà, công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là quyết định, mấu chốt là phải tìm ra bài toán hỗ trợ, các dịch vụ, tiện ích ảnh hưởng trực tiếp, nâng cao chất lượng cho người dân. Nói cách khác, lấy nhân dân làm trung tâm thì sẽ được đón nhận và lan toả. Hiện nay ở giai đoạn 1 thì kinh phí thực hiện tại xã Yên Hòa là khoảng 200 triệu đồng.
Căn cứ chiến lược, nhu cầu để đầu tư hiệu quả
Theo cẩm nang CĐS, mỗi cơ quan tổ chức căn cứ vào chiến lược CĐS của mình để có mức chi phù hợp. Đối với cơ quan nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho CĐS nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Mức trung bình của thế giới vào khoảng 2 - 3%. Ở một số nước như Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4 - 5%.
Tại một số buổi làm việc của Bộ TT&TT với một số tỉnh, thành về CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh CĐS là chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số.
Bộ trưởng cũng cho biết mức chi phù hợp cho CNTT là 1% để CĐS, CNTT tạo ra giá trị. Theo đó, cần cân nhắc chi cho CNTT mức 1%, trong đó 0,1% cho an ninh mạng. Hàn Quốc có mức chi cho CNTT là 2% nên CNTT của Hàn Quốc phát triển nhất thế giới.