Chuyển đổi số quốc gia để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Diễn đàn - Ngày đăng : 14:54, 16/02/2021

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội, trong đó khẳng định rõ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII , Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số quốc gia để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối tháng 12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 cũng nêu rõ, yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình CĐS.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Chương trình CĐS quốc gia, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược CĐS quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Chiến lược đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30% dân số…

Để triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) cam kết đổi mới, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo phát triển. Đồng thời, cho phép thử nghiệp sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.

Chuyển đổi số quốc gia để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Ảnh: dangcongsan.vn

3 bước CĐS, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chính phủ số trong thời gian tới

Cũng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để CĐS, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước sau:

Bước một, đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh CĐS chính phủ, CĐS DN, CĐS trong xã hội, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới.

Bước hai, sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu.

Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đồng thời, mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần của dân tộc. Cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, CĐS là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng đây là sự phát triển mang tính đột phá. Sự phát triển đột phá thể hiện ở chỗ CĐS đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoàn toàn mới, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống của chúng ta. Đột phá cũng thể hiện ở việc mỗi người dân, mỗi hộ dân, mỗi DN nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thúc đẩy mọi người phát triển kinh doanh và làm giàu…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về triển khai Chính phủ số trong thời gian tới:

Thứ nhất, CĐS là một điểm mới, vì vậy, phải có Nghị quyết của cấp ủy Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia là chương trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, là chương trình CĐS đồng thời các ngành và các địa phương.

Thứ hai, để đẩy nhanh CĐS thì hạ tầng số phải đi trước, đó là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang tốc độ cao, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện cho các DN bưu chính viễn thông thực hiện.

Thứ ba, CĐS cần đầu tư nhưng không nhiều khoảng từ 1-1,5% ngân sách hằng năm, 10% số này dành cho an toàn an ninh mạng.

Thứ tư, về triển khai, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đây là sự khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận CNTT và CĐS, và cách để làm nhanh là sử dụng các nền tảng số, một nền tảng số có thể dùng chung cho cả trăm triệu người.

Thứ năm, nhân lực CĐS chủ yếu do làm mà ra chứ không phải do đào tạo mà ra. Vì vậy, các tỉnh ưu tiên đổi mới chuyên môn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, giao cho Sở TT&TT làm hạt nhân để thực hiện CĐS tại tỉnh. Đồng thời, giao cho Sở TT&TT nhiều việc, nhất là việc khó, để từ đó có giải pháp đột phá tạo nên sự phát triển và tìm người tài cho tỉnh.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ về kinh tế số, xã hội số

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), góp phần tạo nền tảng để phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Thời gian qua, VPCP đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn CNTT, chuyên gia tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và có kết quả cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, cụ thể như sau:

Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019, đến ngày hết tháng 12/2020 đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và địa phương; hơn 3,6 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục, giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Với Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm.

Sau một năm vận hành chính thức, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã có hơn 2.650 dịch vụ công (DVC) được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính (TTHC) tại 4 cấp chính quyền. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với 14 bộ, cơ quan, 37 địa phương và 106/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm.

"Kết quả này minh chứng cho sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ về kinh tế số, xã hội số".

Chuyển đổi số quốc gia để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Đồng thời, nhờ có nền kinh tế số mà các ngành nghề kinh doanh sôi động hẳn lên, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)... Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD.

Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng CNTT, Internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Trường Thanh