Tận dụng thời cơ chuyển đổi số để phát triển ngành xuất bản
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 14:45, 15/02/2021
Năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với mọi lĩnh vực, ngành nghề do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 và ngành xuất bản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Để vượt khó, nhiều nhà xuất bản hướng đến cách tiếp cận chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Nhiều mô hình hay đã được triển khai
Trước việc sụt giảm doanh thu 3 tháng đầu năm 2020 đến 40% so với năm 2019, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã định hình một cách tiếp cận chuyển đổi số theo cách riêng: tập trung phát triển một kênh phát hành sách in qua mạng Internet và mạng xã hội.
Nhà xuất bản đã phối hợp với công ty công nghệ để nâng cấp sàn thương mại điện tử book365.vn nhiều tính năng mới, tăng cường an toàn thông tin, tối ưu quy trình đăng ký, đặt hàng, quản trị đơn hàng, tạo giao diện mới... để trở thành kênh chủ lực đưa sách đến bạn đọc.
Nhờ đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số phục vụ quảng bá, phát hành, Nhà xuất bản đã tổ chức thành công sự kiện Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 và 2 triển lãm sách quan trọng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng hình thức trực tuyến thông qua sàn book365.vn.
Kết quả, các sự kiện đã thu hút được 107 lượt tham gia của các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành; giới thiệu khoảng trên 24.000 đầu sách; số lượng đơn đặt hàng đạt được trên 11.000 đơn vận với gần 15.000 cuốn sách đã được đưa đến tay bạn đọc cả nước; doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Đối với các nhà xuất bản và đơn vị phát hành, book365.vn đã tạo dấu ấn khi lần đầu tiên trở thành kênh giới thiệu sách trực tuyến, chính thống, sử dụng công nghệ hiện đại để giúp các đơn vị cung cấp sách trực tiếp với giá ưu đãi đến tay bạn đọc trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; góp phần lan tỏa ý nghĩa của Ngày sách Việt Nam.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, Hội sách có khoảng 51% số bạn đọc mua sách đến từ các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tỷ lệ sách lý luận chính trị, các công trình nghiên cứu văn hóa chuyên sâu, sách hướng nghiệp, giáo trình dạy nghề được tiêu thụ cao hơn so với các hội sách truyền thống. Đây được coi là thành công bước đầu trong chuyển đổi số của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, giúp tiếp cận với bạn đọc trên môi trường số, mở ra một hướng đi mới.
Một ví dụ khác trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động và phục vụ khách hàng phải kể đến mô hình nhà sách thông minh của Công ty cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh - Fahasa. Mô hình này đã được công ty triển khai tại một số nhà sách lớn trong năm 2020.
Nhà sách thông minh nghĩa là thông minh trong tra cứu thông tin, tìm kiếm hàng hóa; thông minh trong thanh toán; thông minh trong tiếp nhận ý kiến khách hàng. Toàn bộ hàng hóa tại nhà sách được định vị theo khu vực, có mã số từng kệ hàng. Sử dụng "App định vị hàng hóa" do Fahasa thiết kế tại quầy tra cứu thông tin, thao tác đơn giản trên thiết bị, bất cứ hàng hóa nào cũng được chỉ dẫn rõ ràng về thông tin cũng như hướng đi dẫn đến vị trí trưng bày trong nhà sách bằng một tờ bản đồ nhỏ có thể được in ra một cách dễ dàng.
Quầy thanh toán được thiết kế dành cho khách hàng sử dụng hình thức thanh toàn bằng thẻ ngân hàng, ví thanh toán. Sau khi tìm và chọn được sản phẩm, khách hàng có thể tự thanh toán sản phẩm hàng hóa của mình, chỉ cần vài "cú chạm nhẹ" vào màn hình mà không cần phải xếp hàng ở quầy thu ngân truyền thống.
Cũng tại quầy thu ngân, khách hàng có thể dễ dàng để lại những cảm nhận, đánh giá, yêu cầu của mình một cách chi tiết trên hệ thống phần mềm được thiết kế sẵn.
Giai đoạn 2 của nhà sách thông minh sẽ hướng đến việc ứng dụng công nghệ để khách hàng thoải mái hơn nữa trong mua sắm: sử dụng app đặt hàng online tại nhà và đến nhà sách nhận hàng, hoặc chọn mua hàng tại nhà sách nhưng sẽ được giao tận nhà.
Đặc biệt, nhà sách hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích thói quen-nhu cầu của khách hàng, từ đó có thể giới thiệu đến những người mua những hàng hóa mới phù hợp với từng cá nhân.
Đầy triển vọng nhưng vẫn còn trở lực
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng để bứt phá vượt lên, thay đổi thứ hạng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết do đặc thù lĩnh vực, quá trình số hóa trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam được triển khai từ khá sớm.
Ngay từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, phần lớn các nhà xuất bản đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động biên tập, dàn trang, chế bản. Một số nhà xuất bản như Chính trị Quốc gia Sự thật, Quân đội nhân dân, Trẻ... đã từng bước số hóa kho dữ liệu của mình.
Cho đến nay, mặc dù số lượng đơn vị tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa nhiều; số lượng xuất bản phẩm điện tử còn ít song đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong xuất bản điện tử, như: WAk, JoiKid...
Về phía các nhà xuất bản, ngoài những đơn vị xuất bản đã tham gia thời gian dài với việc xác định rõ định hướng phát triển xuất bản phẩm điện tử như Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông..., một số nhà xuất bản mạnh khác đã trở lại sân chơi sách điện tử với những bước đi đầy triển vọng như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời xuất hiện thêm một số nhà xuất bản mới giàu tham vọng qua việc đầu tư chiều sâu, từng bước tạo dựng hệ sinh thái số cho mình, như Nhà xuất bản Xây dựng.
Những bước phát triển ban đầu đang là tín hiệu về một sự chuyển đổi số tất yếu thời gian không xa trong hoạt động xuất bản.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở lực đối với việc này. Xuất bản phẩm điện tử (ebook) hiện chủ yếu là các hình thức sách được số hóa từ sách đã được xuất bản lần đầu dưới dạng sách in và phát hành trên mạng Internet hoặc thông qua các ứng dụng cài đặt vào các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone, máy tính bảng...
Đa số các đơn vị xuất bản sản xuất ebook theo định dạng PDF, một phần do thiếu vốn để đầu tư công nghệ, một phần là do tính quen thuộc của PDF. Chưa có đơn vị xuất bản nào xuất bản sách điện tử cầm tay chuyên biệt, độc lập như kiểu Kindle của Amazon.
Hằng năm, số lượng sách điện tử chỉ chiếm khoảng 5 đến 7% trong tổng số đầu sách. Đặc biệt, doanh thu từ xuất bản điện tử còn rất thấp, thậm chí nhiều đơn vị chưa ghi nhận được doanh thu từ mảng sách này sau nhiều năm triển khai.
Câu chuyện khai thác đa dạng các nguồn thu trên cơ sở triển khai các dịch vụ nội dung, ngoài nguồn thu từ bán sách chưa được nhiều nhà xuất bản quan tâm, có chiến lược thực hiện.
Rõ ràng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là một quá trình lâu dài và nhiều khó khăn, thách thức với nhiều hạn chế và trở lực đòi hỏi phải nỗ lực vượt qua - ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.
Hướng đến bảo vệ giá trị cốt lõi của xuất bản
Hoạt động xuất bản là lĩnh vực tư tưởng-văn hóa đồng thời là hoạt động kinh tế-công nghệ. Do vậy, mục tiêu của chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hướng đến bảo vệ giá trị cốt lõi của xuất bản-chất lượng sách, bảo đảm xuất bản đúng định hướng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa; đồng thời cần đẩy mạnh hiện đại hóa, tận dụng thời cơ chuyển đổi số để tạo thêm giá trị mới, đưa hoạt động xuất bản phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Một số mục tiêu cụ thể đang được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác định là đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản điện tử lên 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ) tương đương mức trung bình cao của thế giới; tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử; từng bước hình thành chuỗi kết nối giá trị đưa xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản, doanh nghiệp công nghệ; xây dựng hạ tầng kết nối chung để phát triển xuất bản điện tử, thực hiện chuyển đổi số...
Để đạt được các mục tiêu trên, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số hoạt động xuất bản, ông Nguyễn Nguyên khẳng định thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý lành mạnh thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển trong điều kiện mới, thu hút các nguồn lực và tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ICT tham gia vào hoạt động xuất bản trong đó chủ đạo là xuất bản điện tử trên môi trường số; hoàn thiện hệ thống dữ liệu quản lý xuất bản, in và phát hành phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục sẽ triển khai các giải pháp tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản, in và phát hành, thực hiện chuyển đổi số theo hướng: nâng cao chất lượng xuất bản phẩm thông qua thực hiện Đề án Chương trình sách Quốc gia; phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản xây dựng nhà xuất bản trọng điểm để tăng cường năng lực xuất bản điện tử; hỗ trợ nhà xuất bản phối hợp với các doanh nghiệp ICT phát triển phần mềm hỗ trợ công tác biên tập và quản lý quy trình xuất bản, nâng cấp trang Web thành sàn thương mại điện tử tiến tới sớm thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số theo chuẩn quốc tế; kết nối giữa doanh nghiệp ICT và các đơn vị xuất bản; nghiên cứu, thử nghiệm hình thành một hạ tầng chung cho phát triển xuất bản điện tử, làm tiền đề đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Đồng thời, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ được đẩy mạnh, hướng đến việc hỗ trợ đơn vị xây dựng chiến lược nhân lực; xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhân lực đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt trong vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng./.