Hỗ trợ 285.000 DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số dễ tiếp cận vay vốn

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:39, 13/02/2021

Misa cam kết sẽ miễn phí sử dụng 1 năm phần mềm MISA AMIS kế toán online cho các doanh nghiệp (DN) thuê kế toán dịch vụ thông qua nền tảng MISA ASP, để từ đó hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực kế toán cho 285.000 DN vừa và nhỏ, có thể dễ dàng tiếp cận vay vốn phát triển vượt qua đại dịch Covid-19,

Rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số của DN là chi phí

Tại sự kiện Ngày CĐS Việt Nam (Vietnam DX Day) 2020 được tổ chức tháng 12/2020, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc MISA đã chia sẻ về những vấn đề mà DN vừa và nhỏ gặp phải khi muốn thực hiện CĐS. Theo nghiên cứu của MISA, việc CĐS cho các DN cần thực hiện theo từng giai đoạn phát triển, theo từng lĩnh vực chứ không có một công thức nào áp dụng được cho tất cả.

Hỗ trợ 285.000 DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số để dễ tiếp cận vay vốn - Ảnh 1.

Phó Tổng Giám đốc MISA: Một trong những rào cản lớn khiến các DN chần chừ trong việc CĐS chính là chi phí.

Với câu hỏi: "Khi nào DN cần thực hiện CĐS?", ông Quang đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế của MISA trong quá trình triển khai cho hàng trăm ngàn DN trong suốt 26 năm qua. Theo MISA, để CĐS thành công, DN cần phải "Nghĩ lớn - Làm nhỏ - Thực hiện nhanh và luôn".

Trong đó, nghĩ lớn là xác định tư duy CĐS là bắt buộc, là chiến lược vì hành vi của khách hàng thay đổi, mô hình kinh doanh cũng sẽ thay đổi theo. Làm nhỏ là quy mô DN tới đâu thì làm tới đó. Và quan trọng nhất, khi đã xác định được CĐS là nhu cầu bắt buộc thì phải thực hiện nhanh và luôn. Càng chần chừ thì càng khiến khoảng cách giữa DN mình với các đối thủ cạnh tranh có thực hiện CĐS càng lớn.

Từ đó, ông Quang cho rằng, một trong những rào cản lớn khiến các DN chần chừ trong việc CĐS chính là chi phí. Thực tế, các giải pháp ERP đồ sộ, đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ chưa chắc đã phù hợp với các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Hỗ trợ 285.000 DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số để dễ tiếp cận vay vốn - Ảnh 2.

Giúp các DN vừa và nhỏ CĐS trong lĩnh vực kế toán

Mới đây, cuối tháng 1/2021, Misa và một số DN khác đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) trong chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ SMEdx 2021. Theo đại diện Misa, đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, hỗ trợ CĐS các nghiệp vụ kế toán, bán hàng là nhu cầu thiết yếu nhất mà các DN này cần.

Theo khảo sát của MISA, 40% tương đương 285.000 DN đang sử dụng dịch vụ kế toán chưa có kế toán và dữ liệu tài chính liền mạch và minh bạch nên khó tiếp cận vay vốn. Trong khi đó, hiện cả nước có khoảng 600 công ty kế toán dịch vụ chính thức cung cấp dịch vụ cho khoảng 60.000 DN.

Từ đó, Misa đặt mục tiêu giúp 285.000 DN nhỏ và siêu nhỏ có được dữ liệu tài chính minh bạch để dễ tiếp cận vay vốn bằng việc sử dụng dụng nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP để hỗ trợ công tác kế toán của các DN thông qua các công ty kế toán dịch vụ.

Trong đó, giai đoạn đầu tiên, Misa sẽ giúp 600 DN kế toán dịch vụ có phần mềm để làm kế toán cho 60.000 DN nhỏ và siêu nhỏ. Còn giai đoạn tiếp theo, Misa sẽ giúp 600 DN kế toán dịch vụ có thể tăng thêm số lượng khách hàng gấp 2-3 lần bằng cách thu hút các DN chưa có kế toán sử dụng dịch vụ.

Để hoàn thành mục tiêu này, Misa cam kết sẽ miễn phí sử dụng 1 năm phần mềm MISA AMIS kế toán online cho các DN thuê kế toán dịch vụ thông qua nền tảng MISA ASP. Đồng thời hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi miễn phí cho tất cả các DN kế toán dịch vụ chuyển đổi sang sử dụng nền tảng MISA ASP.

"MISA tin tưởng chương trình này sẽ giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ CĐS trong lĩnh vực kế toán để dễ tiếp cận vay vốn tín dụng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua đại dịch Covid-19", đại diện Misa nhấn mạnh.

Theo Sách trắng DN Việt Nam 2020 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 31/12/2019, cả nước có 758.000 DN, trong đó DN siêu nhỏ (có nhân sự dưới 10 hoặc nguồn vốn dưới 3 tỉ đồng) là 474.500 chiếm 62,6% và DN nhỏ (có dưới 50 nhân sự hoặc có nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng) là 236.500 chiếm 31,2%.

Như vậy, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 94% tổng số DN toàn quốc. Đây là nhóm DN dễ bị tổn thương về doanh thu, về dòng tiền nhất trong đại dịch COVID-19 nhưng cũng là nhóm dễ phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhất khi được hỗ trợ kịp thời.

NK