An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo cũ dịp năm mới

Truyền thông - Ngày đăng : 18:03, 07/02/2021

Cứ mỗi dịp Tết đến, đi cùng với niềm vui Xuân mới là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm “bẩn”. Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết dường như không mới, nhưng nỗi lo của người tiêu dùng chưa bao giờ là cũ!

Những con số biết nói

Trong 6 tháng đầu năm, sau nhiều đợt kiểm tra đột xuất, các chuyên ngành, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cụ thể, lực lượng chức năng tại 63 tỉnh, thành phố đã kiểm tra gần 282.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.100 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý gần 6.800 cơ sở.

Còn tại Hà Tĩnh, trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý 336 vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Trong năm đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc thực phẩm bẩn lớn, như vụ trên 1.100kg chà bông; 1300 kg thịt chó, mèo không nhãn mác, không nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, không có tem kiểm tra vệ sinh thú y.

Tại TP.HCM, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã phát hiện gần 300 vụ vị phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong năm 2020. Gần đây nhất, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, theo Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và chặn đứng nhiều vụ vận chuyển thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo cũ dịp năm mới - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng liên tục chặn đứng nhiều vụ vận chuyển thực phẩm đông lạnh nhập lậu. (Ảnh: PV)

Trong đó phải kể đến vụ việc sáng ngày 5/1 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ được 2 xe hàng sa sâm với khối lượng gần 2 tạ nhập lậu trên đường quốc lộ 4B, thuộc địa phận xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Toàn bộ số hàng hóa đều không có đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát hiện một xe ô tô đang lưu thông theo hướng Lộc Bình - Lạng Sơn đang chở 15 thùng hàng có chữ Trung Quốc, bên trong là xúc xích đóng túi có tổng trọng lượng hàng gần 2 tạ, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ngày 07/01, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra, phát hiện lô hàng đóng trong 40 hộp cát tông đang tập kết tại khu vực đường Hợp Thành, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Kết quả khám bên trong các hộp cát tông có chứa rượu ống tre do nước ngoài sản xuất, số lượng 320 ống (08 ống/hộp). Toàn bộ hàng hóa không có giấy tờ kèm theo.

Ngày 08/01, lực lượng chức năng Phú Yên đã chặn đứng một xe ô tô tải mang biển kiểm soát 51C. 83060 di chuyển theo hướng Bắc - Nam chứa 410 can (8.200 lít) rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.

Đáng chú ý, ngày 9/1, lực lượng quản lý thị trường Bình Phước đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời kho hàng đông lạnh chứa trên 16 tấn thịt gia cầm đã bốc mùi chờ tiêu thụ. Đây là một trong những vụ việc lớn được lực lượng chức năng phát hiện trong vài năm trở lại đây.

Chính phủ vào cuộc…

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, giống nòi. Mới đây, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị đã chỉ rõ trách nhiệm và nhiệm vụ đối với mỗi cơ quan quản lý, các ngành, các cấp tại địa phương, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong đảm bảo an toàn thực phẩm đến với mọi người dân trong tình hình mới.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo cũ dịp năm mới - Ảnh 2.

Tăng cường quản lý kiểm tra nông sản thực phẩm. (Ảnh: PV)

Năm 2020, với quyết tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với chủ đề "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm". Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Giải pháp siết chặt kiểm soát tại các chợ đầu mối có bền vững?

Thời gian cuối năm, đặc biệt là dịp cận Tết, nhu cầu về thực phẩm tăng đột biến, nhất là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh như bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm...Do đó, bắt đầu bước vào quý III/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch cụ thể và tiến hành triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Trong đó, tập trung kiểm soát đặc biệt địa bàn biên giới và các tuyến giao thông quan trọng, các chợ đầu mối... 

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương triển khai đồng bộ các giải pháp và phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo ATVSTP...

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo cũ dịp năm mới - Ảnh 3.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: PV)

Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường triển khai Kế hoạch số 17/ KH-TCQLTT cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và trước, trong, sau Tết Tân Sửu 2021. Trong đó, siết chặt kiểm tra, kiểm soát nhóm mặt hàng nông - lâm - thủy sản tại các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố...nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng chú ý, việc mua bán hàng hóa vi phạm, trong đó có các loại thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng hiện đang diễn ra mạnh mẽ trên môi trường thương mại điện tử. Đây cũng sẽ là trọng điểm kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian tới.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn, đảm bảo bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, chống các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt vi phạm ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Cục Quản lý thị trường đã, đang và sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên toàn tỉnh như đảm bảo đủ số lượng cán bộ, công chức trên các địa bàn để nắm bắt thông tin thị trường, tình hình diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, người tiêu dùng khi mua hàng hóa thực phẩm cần quan tâm thương hiệu, thời hạn sử dụng và các thông tin liên quan ghi trên nhãn.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo cũ dịp năm mới - Ảnh 4.

Mỗi người dân hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh. (Ảnh: PV)

Tuy nhiên, giải pháp siết chặt kiểm soát tại các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa, biên giới sẽ khó bền vững nếu không có sự chung tay, góp sức của người dân. Bản thân mỗi người dân, theo khuyến cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh. Theo đó, người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác trong lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Để đảm bảo ATVSTP, tốt nhất, người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại những cửa hàng, cơ sở uy tín.

Thực chất việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết tốt nếu có những biện pháp được triển khai đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đến ý thức thực hiện sử dụng thực phẩm của mỗi người dân trong cộng đồng... Chính vì vậy, trước những diễn biến phức tạp của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần nỗ lực nhiều hơn, với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa để mọi người dân Việt Nam được sử dụng những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

HM