Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số có vai trò sống còn

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:09, 29/01/2021

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, điều kiện để quyết định thành công của công nghệ số chính là mỗi người, mỗi tổ chức phải chấp nhận thay đổi cách sống, làm việc trong thời đại số. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đối số (CĐS) có vai trò sống còn trong CĐS.

Sáng 29/1, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Đây là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài cũng như phát huy hiệu quả năng lực, khả năng giữa hai đơn vị.

Bắt tay để đào tạo, bồi dưỡng về CĐS

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, CMCN 4.0 mà nội dung chính là CĐS, với những đột phá nhờ các công nghệ số, dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội, sẽ tạo ra những bước ngoặt trong sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng, CĐS là cơ hội vô giá để đất nước phát triển đột phá, là một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 để đất nước nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số có vai trò sống còn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Tâm: Công tác đào tạo, bồi dưỡng về CĐS có vai trò sống còn trong CĐS toàn diện của quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, CĐS không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số mà còn gắn liền với việc thay đổi tổng thể, toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và làm việc trong thời đại số. "Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa CĐS với ứng dụng CNTT, khi mà ứng dụng CNTT về cơ bản là số hóa thông tin, tự động hóa quy trình xử lý", Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, điều kiện rất quan trọng, mang tính quyết định cho thành công của ứng dụng công nghệ số, để công nghệ số phát huy hết tiềm năng chính là mỗi người, mỗi tổ chức phải chấp nhận thay đổi cách sống và cách làm việc trong thời đại số. Chính vì thế, công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo, bồi dưỡng về CĐS nói riêng có vai trò sống còn trong công cuộc CĐS quốc gia.

Thứ trưởng Phan Tâm tin tưởng rằng việc ký kết hợp tác này sẽ gắn kết hai đơn vị, phát huy khả năng của cả hai trường, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình CĐS quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực đi ra toàn cầu.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số có vai trò sống còn - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phan Tâm chứng kiến ký kết hợp tác giữa hai đơn vị

Khai thác tiềm năng nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia

Theo hợp tác được ký kết, hai bên thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với mong muốn phát huy tối đa năng lực, khả năng của cả hai trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tư vấn giải pháp số, CĐS nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình CĐS quốc gia. Đồng thời nhằm khai thác tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, kinh nghiệm của hai bên; xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối toàn cầu; đồng hành trong nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, huấn luyện và kết nối các đơn vị trong ngành dầu khí và năng lượng, các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác lâu dài giữa hai đơn vị, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và kỷ nguyên CĐS Việt Nam.

Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT là đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức tham gia quản lý, hoạt động trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, trong đó có lĩnh vực CĐS.

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) là đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức nghiêm cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, trong đó tập trung lĩnh vực dầu khí và năng lượng, lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp số và CĐS; tổ chức các khóa học nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện kỹ năng công tác và năng suất lao động.

NK