Sớm đưa GTVT- TN&MT trở thành ngành kinh tế số
Chính phủ số - Ngày đăng : 14:43, 28/01/2021
Có thể khẳng định, ứng dụng CNTT, triển khai các nền tảng số mạnh mẽ chắc chắn thành quả tạo ra sẽ thay đổi căn bản, tác động tích cực đến mọi phương thức điều hành, quản lý, giúp đạt hiệu quả các mục tiêu phát triển.
Đề cập đến nhiệm vụ này, giống như các đơn vị, bộ ngành, địa phương khác, thời gian qua, nhất trong năm 2020, hai bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn tích cực, nỗ lực thực hiện triển khai các ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ GTVT và Bộ TN&MT đã đạt được những kết quả cao đáng ghi nhận.
Sớm hình thành hệ sinh thái giao thông số thông minh
Là ngành có vai trò quan trọng, cầu nối không gian, hoạt động kinh tế - xã hội giữa các vùng (khu vực) và đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước, năm 2020, bộ GTVT là một trong 13 bộ, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4.
Đến nay, Cổng DVC Bộ GTVT đang duy trì hoạt động ổn định hệ thống DVC trực tuyến đối với 262 thủ tục tối thiểu mức độ 3 (trong đó có 125 dịch vụ mức độ 3, 137 dịch vụ mức độ 4).
Hiện nay, đối với DVC trực tuyến mức độ 4 ở nội dung cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVC quốc gia, Bộ đang triển khai tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) về kết quả khám sức khỏe của Bộ Y tế và cơ sở dữ liệu (CSDL) về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an.
Ngoài ra, Cổng DVC của Bộ đang đảm bảo: 100% DVC được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp (DN); 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ đã được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản điện tử trao đổi giữa bộ với các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); cung cấp 4/6 dịch vụ trên Cổng DVC quốc gia theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như phát triển ngành phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ GTVT đã ban hành chương trình CĐS, trong đó mục tiêu đến 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động GTVT.
Để làm được điều này, trong thời gian tới, ngành GTVT hướng đến tập trung xây dựng, hình thành chuẩn hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó cung cấp CSDL mở, nền tảng số dùng chung sẽ được kết nối, tích hợp với dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng và được công khai theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ngành xây dựng, hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông thông minh, đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương; tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, các chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp (DN) của Việt Nam; sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt (nhiệm vụ phát triển kinh tế số)…
Như thêm sự khẳng định vươn lên phát triển ngành nhờ tận dụng các lợi thế, sức mạnh công nghệ, Bộ GTVT cũng vừa ban hành Quyết định thực hiện ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng (ATTT) của Bộ giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu chính là hướng tới đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành Bộ GTVT phù hợp với xu thế CĐS của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 -2025, Bộ sẽ tập trung: Hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu; đảm bảo 100% chế độ báo cáo được chuẩn hóa có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết, theo dõi, xử lý trên Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số và bảo đảm ATTT mạng tại Bộ.
Bộ sớm hình thành nên hệ sinh thái giao thông số thông minh, đồng thời phát triển dữ liệu số, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích dữ liệu, đưa ra các số liệu dự báo hỗ trợ công tác quy hoạch phát triển và chỉ đạo điều hành công việc của cơ quan.
Xây dựng tài nguyên trên nền tảng dữ liệu số
Là ngành đặc biệt quan trọng của đất nước, quản lý tài sản tự nhiên của quốc gia, năm 2020 vừa qua, bộ TN&MT đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, CĐS, đặc biệt việc triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg và cung cấp số liệu phục vụ đánh giá Chỉ số CĐS cấp bộ.
Cụ thể, trong năm qua, Bộ đã hoàn thành, thực hiện, triển khai 108 DVC trên Cổng DVC trực tuyến của Bộ (53 DVC mức độ 3; 55 DVC mức độ 4; 1 DVC kết nối liên thông đến địa phương; 5 DVC kết nối liên thông với Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia).
Đồng thời, Bộ kết nối, tích hợp Cổng DVC trực tuyến của Bộ với Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử VNPay, cho phép tổ chức, DN, người dân thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến khi thực hiện TTHC.
Đơn vị đạt 98% hoàn thành xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật) qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hoàn thành một số nội dung triển khai kết nối thử nghiệm với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Hiện nay, toàn ngành đang xây dựng nguồn tài nguyên dựa trên nền tảng dữ liệu số về đất đai, thông tin địa lý, viễn thám, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản... Đặc biệt, Ngành đẩy mạnh các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực viễn thám để đánh giá, dự báo, vận hành điều tiết nước, giám sát tài nguyên nước, kiểm soát các hoạt động ô nhiễm, suy thoái nguồn nước… tất cả vì mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế số quan trọng của đất nước.
Riêng đối với việc triển khai xây dựng CSDL đất đai, ngành phấn đấu tháng 7/2021 sẽ tích hợp đưa CSDL đất đai vào hệ thống phần mềm quốc gia phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đơn vị đang tích cực, xây dựng, hoàn thiện CSDL về nguồn thải; CSDL liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu và các CSDL quốc gia, chuyên ngành khác.
Ngoài ra, đơn vị cũng là một điển hình khi thực hiện danh mục mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Nhờ có mã định danh điện tử, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nội bộ, liên ngành được thuận lợi, tạo ra hiệu quả, năng suất công việc cao.
Để việc thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS phát triển ngành những năm tiếp theo, nhất là vươn đến đạt các chỉ tiêu năm 2025, ngành TN&MT tiếp tục vận hành trên nền tảng số, đẩy mạnh phương thức làm việc dựa trên công cụ phân tích, xử lý dữ liệu lớn thông minh, dữ liệu tổng hợp, đa ngành.
Cùng với đó, ngành hoàn thiện hạ tầng công nghệ số hiện đại, kết nối với hạ tầng số quốc gia; xây dựng hạ tầng dữ liệu số theo các đề án, dự án đã được phê duyệt, theo hướng CĐS, chia sẻ, cung cấp sử dụng rộng rãi, làm nền tảng thông tin phục vụ phát triển của ngành và kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phục vụ người dân và DN.