Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng phát triển kinh tế số

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:18, 27/01/2021

Đó là điểm nhấn trong bài tham luận của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano... nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức.

Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, sáng ngày 27/1. (Ảnh: Baoquocte)

Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Úc - nơi các yếu tố của nền kinh tế tri thức ở mức khá cao, trong đó các ngành công nghiệp dựa trên tri thức đã đóng góp trên 40% GDP.

Tại các quốc gia này, những quyết sách để phát triển kinh tế tri thức nhằm tạo ra những bước đột phá, được tập trung vào 5 yếu tố. Trong đó, yếu tố thứ 3 đang được quan tâm nhiều là chú trọng phát triển khoa học công nghệ; đô thị thông minh, kinh tế số; quan tâm chi đầu tư cho khoa học công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực.

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương rất chú trọng vào vấn đề này. Là địa phương đầu tiên ban hành Chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành Chương trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin thành phố.

Thành phố thông minh không chỉ tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn là một "sản phẩm" thúc đẩy sáng tạo, "số hóa" phát triển công nghệ cao và làm "đầu kéo" cho tăng trưởng nhiều ngành.

Để phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới. Một trong số đó là đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đây là tình huống xuất hiện các ngành, lĩnh vực mới liên quan đến chuyển đổi số nhưng lại vừa là cơ hội, vừa là áp lực để nước ta phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số.

PV