Ra mắt sách "Đặng Đình Hưng - Một bến lạ"
Truyền thông - Ngày đăng : 21:38, 21/01/2021
Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý và Nguyễn Thụy Kha.
Buổi lễ ra mắt sách diễn ra với phần ngâm một số trích đoạn thơ, biểu diễn piano với cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng, do các nghệ sỹ Giang Trang, Đặng Hữu Phúc và nghệ sỹ nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn (con trai của nhà thơ Đặng Đình Hưng) trình bày.
Nhà thơ Đặng Đình Hưng sinh ra tại Chương Mỹ, Hà Nội. Từ một cậu học sinh trường Bưởi, rồi trở thành sinh viên trường Luật Đông Dương, cán bộ tuyên huấn, đến Đoàn trường kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, ông là một nghệ sỹ tài danh, vô cùng thân thiết với Văn Cao, Hoàng Cầm...
Trong ký ức của NSND Đặng Thái Sơn, ông là một người cha tận tụy, gây ảnh hưởng nhiều đến lối sống, tư duy của con cái.
Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn tâm sự: "Tôi là con út trong một gia đình. Các anh chị tôi đều được học đàn trong căn nhà nhỏ hẹp trên phố Tống Duy Tân. Đến lượt tôi thì suýt không được học đàn nữa vì nhà ầm ĩ quá rồi".
"Bố tôi hợp với các nhạc sỹ có lẽ vì cái tôi nghệ sỹ của họ không động chạm đến nhau. Ấy vậy mà thỉnh thoảng mấy tuần không thấy nhạc sỹ Văn Cao, Hoàng Cầm tới chơi là y như rằng họ đang giận nhau vì văn thơ".
Từ nhỏ, nhà thơ đã dạy cậu bé Đặng Thái Sơn cả cách đi, cách đứng. Ông nói: "Con trai đi đứng phải đàng hoàng. Không được gù lưng. Con phải sống một cuộc đời chân thật và kiêu hãnh".
"Tôi luôn ghi nhớ lời dạy đó. Chính sự kiêu hãnh thừa hưởng từ bố giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin. Khi tôi chưa sinh ra bố đã đặt tên tôi là Đặng Thái Sơn. Thái là họ của má tôi nên tôi là đứa con được mang họ cả hai. Hai chữ Thái Sơn cũng khiến tôi luôn nghĩ đến công cha", nghệ sỹ Đặng Thái Sơn chia sẻ.
Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét, Đặng Đình Hưng là một trường hợp rất đặc biệt của thơ ca Việt Nam. Tự ông đã hình thành một giọng thơ, một hệ thống từ vựng và chính tả riêng của mình.
"Đọc ông, người ta có thể thốt lên "đây mà là thơ à", nhưng thật ra chính những con chữ rời rạc đã tự vang lên tiếng thơ. Ông để ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian, thời gian, hòa tấu cả trí tuệ, tình cảm trực giác, tiềm thức, bản năng. Thực ra, Đặng Đình Hưng rất có ý thức phối hợp sự buột miệng tình cờ với lao động kỹ lưỡng trên từng con chữ, từng cách ngắt câu xuống dòng để tạo hiệu quả tổng thể cho bài thơ," nhà thơ Hoàng Hưng bình luận.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì cho rằng Đặng Đình Hưng vốn là một nhạc sỹ sáng tác nhạc không lời. Do những bức bách nội tâm mà chỉ có thơ mới nói lên được nên ông đã xuất chữ thành thi. Bởi vậy, thơ ông rất hồn nhiên. Thơ của một người chưa hề biết đến các quy tắc thơ và do đó, thoát khỏi mọi sự trói buộc thông thường.
"Thơ của ông có nhịp điệu tự nhiên, kết cấu bị chi phối bởi âm nhạc, nghiêng về trí tuệ nhưng là thứ trí tuệ xuất phát từ cảm giác và không bao giờ xa rời cảm giác," nhà phê bình cho biết.
Cùng với buổi ra mắt sách là triển lãm tranh của nghệ sỹ Đặng Đình Hưng. Triển lãm kéo dài đến 28/2 tại Viện Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.