Bộ sách ứng dụng mã QR hướng dẫn giới trẻ tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền Nam Bộ

Truyền thông - Ngày đăng : 11:13, 19/01/2021

Bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" (NXB Văn hóa - Văn nghệ) cũng là tên của một nhóm bạn trẻ, đã tái hiện nguồn tư liệu về các loại hình diễn xướng của Nam Bộ. Bộ sách cũng là một trong những hoạt động của Thư viện Lục tỉnh cầm ca, hướng đến tạo sự tương tác cho khán giả trẻ với các loại hình nghệ thuật cổ truyền Nam Bộ.

Bộ Sách "Lục tỉnh cầm ca" gồm 4 quyển: Đường vào Hát Bội, Đường vào Diễn Xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào Đờn Ca Tài Tử, Đường vào Cải Lương hướng dẫn các bạn trẻ những kiến thức phổ thông cơ bản, được tập hợp qua nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn Xướng Nam Bộ của Đối thoại văn hóa cộng đồng (CCD), để bước đầu học cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam.

Bộ sách hướng dẫn giới trẻ tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền Nam bộ  - Ảnh 1.

Bìa bộ sách "Lục tỉnh cầm ca"

Sau rất nhiều nỗ lực, bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" đã được giới thiệu trọn bộ đến độc giả vào một ngày cuối năm 2020 tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh. Ngoài Đường vào hát bội (xuất bản vào cuối năm 2019) thì 3 cuốn còn lại, gồm: Đường vào Diễn Xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào Đờn Ca Tài TửĐường vào Cải Lương mới được ra mắt. Để hoàn thành bộ sách này, nhóm tác giả mất 3 năm vì công đoạn xử lý nguồn tư liệu, ghi âm khá nhiều và phức tạp. 

Bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" có hướng tiếp cận gần gũi, cách trình bày hiện đại, phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Đặc biệt, nội dung sách đưa ra những khái niệm, chỉ dẫn cơ bản về lịch sử hình thành, đặc điểm nghệ thuật của từng loại hình.

Anh Phan Khắc Huy, Trưởng nhóm Lục tỉnh cầm ca chia sẻ: "Chúng tôi chỉ sợ không đủ kiến thức để làm, vì những loại hình nghệ thuật này có tuổi đời lớn, đã bị xói mòn hoặc bị sai lệch ít nhiều. Mặc dù vẫn có những công trình nghiên cứu, nhưng không phải đọc là hiểu hết được; chưa kể mỗi nhà nghiên cứu lại có cách tiếp cận, nghiên cứu riêng biệt. Điều mà chúng tôi sợ nhất là làm không đúng, khiến người ta hiểu sai, càng nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, chúng tôi chọn góc tiếp cận trung dung, để khán giả dễ tiếp nhận nhất".

Nhóm Lục tỉnh cầm ca được tách ra từ dự án CCD, ra đời từ năm 2017, là nơi đối thoại giữa công chúng và các nhà nghiên cứu. Khi thực hiện chuỗi chương trình Diễn xướng Nam Bộ thì có thêm một đối tượng nữa là các nghệ nhân, từ đó hình thành nên 3 đối tượng: nhà nghiên cứu - nghệ nhân và công chúng. 

Sau một thời gian hoạt động, vì có quá nhiều nội dung nên phải tách ra thành Lục tỉnh cầm ca. Trên thực tế, CCD và Lục tỉnh cầm ca đều là dự án con của Cội Việt được ra đời hơn 10 năm trước, là nơi cung cấp cho các bạn trẻ phương pháp tiếp cận lịch sử, văn hóa và các tài liệu có liên quan.

Điều khiến các thành viên trong nhóm trăn trở nhất chính là trong hơn chục loại hình diễn xướng Nam bộ, nhóm chỉ thực hiện được với một số lượng hạn chế do không tìm được nghệ nhân. 

"Việc của chúng tôi là cố gắng và nỗ lực kể lại những gì mà mình biết, rồi tùy theo sức sống của chính loại hình nghệ thuật đó. Bởi vì, bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, muốn sống được còn phải tùy thuộc vào không gian mà nó sinh ra. Khi không gian đó mất đi thì khả năng tồn tại rất khó", anh Phan Khắc Huy nói.

Qua mỗi quyển sách, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu nhanh những thuật ngữ, lịch sử hình thành, cấu trúc của loại hình nghệ thuật, hình thức trình diễn, ý nghĩa…, có cả hình thức quét QR code để người xem có thể thưởng thức được hình ảnh, âm thanh, video tức thì của loại hình nghệ thuật đó.

TH