Công đoàn TT&TT: Phải là mô hình điểm trong chuyển đổi số

Bản tin ICT - Ngày đăng : 09:11, 13/01/2021

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng, khó khăn từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ TT&TT, sự tích cực của Công đoàn ngành, 81.911 đoàn viên, người lao động trong Ngành luôn được đảm bảo ổn định việc làm và các chế độ, chính sách.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TT&TT Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2023 do Công đoàn TT&TT Việt Nam tổ chức chiều 12/1 tại Hà Nội.

Hoạt động công đoàn đẩy mạnh trên nền tảng CNTT

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Chu Văn Bình nhấn mạnh, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN), Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, qua nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, kịp thời như: các hoạt động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong toàn ngành.

"Công đoàn TT&TT Việt Nam đã triển khai, nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động giai đoạn 2018-2023", Chủ tịch Bình nhấn mạnh.

Công đoàn TT&TT: Phải là mô hình điểm trong chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Chu Văn Bình phát biểu tại Hội nghị.

Chia sẻ với những khó khăn chung, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời ghi nhận những cố gắng, đóng góp của Công đoàn TT&TT Việt Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật đánh giá, năm 2020, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã chủ động sáng tạo, lựa chọn các vấn đề trọng tâm cho hoạt động công đoàn các cấp trong ngành.

"Công đoàn TT&TT Việt Nam đã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế, có chỉ tiêu, nội dung, biện pháp và xác định thời gian thực hiện. Chú trọng đề cao chất lượng trong thực hiện chế độ báo cáo, thông tin của công đoàn các cấp theo hướng đẩy mạnh trên nền tảng CNTT", Phó Chủ tịch Thuật đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để Công đoàn TT&TT Việt Nam phát huy hiệu quả hoạt động trong thời gian tới cần tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa chủ đề công tác công đoàn năm 2021; thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong Ngành; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho công nhân, viên chức, lao động nâng cao nhận thức về Đảng, Công đoàn, giai cấp công nhân; tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động Công đoàn; tranh thủ hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, chuyên môn đồng cấp.

Đặc biệt, năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, các cấp Công đoàn của ngành phải thấy hết được thuận lợi, khó khăn của Công đoàn, phải tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ưu tiên chọn lựa đoàn viên, người lao động khó khăn để hỗ trợ kịp thời.

Công đoàn TT&TT Việt Nam cần đưa các ứng dụng công nghệ số vào đời sống, lan tỏa toàn xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đánh giá cao ý kiến, đề xuất, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, giờ đây các cấp Công đoàn nói chung, trong đó có Công đoàn TT&TT Việt Nam nói riêng, nếu không chuyển đổi số (CĐS) thì khó mà phát triển, quản lý, có khi thua ngay trên chính sân nhà.

"Cần phát triển lực lượng công đoàn viên đảm bảo ngoài việc có năng lực, chuyên môn, cần phải thường xuyên đào tạo, trang bị những kiến thức về công nghệ cho các công đoàn viên", Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Nói về những thách thức đối với cấp lãnh đạo Công đoàn thời kỳ mới hiện nay, Thứ trưởng nhấn mạnh, người đứng đầu các tổ chức Công đoàn, ngoài việc nắm bắt có chuyên môn tốt cần có năng khiếu tốt và một tấm lòng yêu thương thương. Năng khiếu là để thuyết phục người lao động, tấm lòng để biết yêu thương, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động.

Theo Thứ trưởng, muốn Công đoàn Ngành ngày một phát triển, Công đoàn phải đứng về phía người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Làm tốt được điều này, người lao động sẽ luôn thấy được các lợi ích, quyền lợi của mình trong đó.

Do đó, Công đoàn TT&TT Việt Nam cần tham gia xây dựng các thiết chế Công đoàn mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chuẩn bị triển khai thời gian tới. Đồng thời, cần phát huy tinh thần hỗ trợ tối đa người lao động, tuyên truyền vận động, khuyến khích các công đoàn viên trong Ngành thực hiện tốt khẩu hiệu hành động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và ưu tiên dùng các sản phẩm "công nghệ số Việt Nam". Không có tổ chức nào làm tốt hơn Công đoàn, vì Công đoàn luôn có lợi thế, thế mạnh thu hút đông đảo các công đoàn viên tích cực tham gia.

Công đoàn TT&TT: Phải là mô hình điểm trong chuyển đổi số  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: Công đoàn TT&TT Việt Nam cần cụ thể hóa toàn bộ kế hoạch CĐS và phải tập trung CĐS trong toàn Ngành

Bộ TT&TT không chỉ với vai trò quản lý, dẫn dẵn CĐS quốc gia, còn là đơn vị đầu mối, hướng dẫn các địa phương, cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội… thực hiện công cuộc CĐS. Bộ TT&TT luôn tin tưởng Công đoàn TT&TT Việt Nam với lực lượng đông đảo 81.911 công đoàn viên, người lao động hãy tích cực, tiên phong hơn trong việc sử dụng, đưa các ứng dụng công nghệ mới vào đời sống, lan tỏa toàn xã hội.

"Để làm tốt việc này, Công đoàn TT&TT Việt Nam cần cụ thể hóa toàn bộ kế hoạch CĐS và phải tập trung CĐS trong toàn nội bộ ngành, tiến tới trở thành mô hình điểm CĐS cho các cấp Công đoàn. Bộ TT&TT luôn cam kết hỗ trợ, đồng hành và chỉ đạo, hướng dẫn sát sao việc này", Thứ Trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Những kết quả đạt được và nhiệm vụ triển khai các năm tiếp theo

Cũng tại hội nghị, Công đoàn TT&TT cho biết năm 2020, đã có 221/253 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị người lao động đạt tỉ lệ 87%, 194 đơn vị triển khai thực hiện tốt việc thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể, hoạt động của Hội đồng hòa giải.

Đời sống của hơn 81.911 đoàn viên, công đoàn viên, người lao động trong Ngành ổn định, việc làm được đảm bảo, các chế độ, chính sách đối với người lao động như bảo hiểm: xã hội, y tế, thất nghiệp… được các đơn vị thực hiện đầy đủ, góp phần ổn định tâm lý để CNVCLĐ trong ngành yên tâm công tác, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu ra các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021 cần tập trung thực hiện như: Xây dựng kế hoạch CĐS của Công đoàn TT&TT Việt Nam; phát động các phong trào thi đua toàn diện, chuyên đề năm 2021; tổ chức tôn vinh người lao động tiêu biểu ngành TT&TT năm 2021; triển khai hoàn thiện việc rà soát, cập nhật dữ liệu đoàn viên lên phần mềm quản lý đoàn viên…

Công đoàn TT&TT: Phải là mô hình điểm trong chuyển đổi số  - Ảnh 3.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn năm 2020

Đồng thời cũng tại hội nghị này, Công đoàn TT&TT Việt Nam cũng báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Công đoàn TT&TT Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2023.

Theo đó kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TT&TT Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018-2020 đạt được như: Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động; chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động; nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh…

Ngoài kết quả đạt được trên, báo cáo đưa ra các chỉ tiêu cụ thể thuộc 8 nhóm chỉ tiêu do Đại hội XV đề ra và vượt cao hơn so với chỉ tiêu đại hội đề ra cả một nhiệm kỳ như: phấn đấu 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 85% trở lên Công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước; 91% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể…

Trọng Thành