Huế khuyến khích cán bộ, cơ quan nhà nước thanh toán không dùng tiền mặt qua Hue-S
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:35, 07/01/2021
Nền tảng Hue-S là hệ thống ứng dụng trên nền tảng di động phục vụ cho người dân và du khách các vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội, bao gồm hệ thống phản ánh hiện trường, thông tin cảnh báo, giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ hành chính công...
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu triển khai nền tảng Hue-S trên cơ sở tích hợp liên thông với các hệ thống ứng dụng ngân hàng, tổ chức tài chính tạo sự thống nhất, thuận lợi cho việc hình thành thói quen của người dân trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa trong giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu thực hiện CĐS, kinh tế số hướng đến xã hội số của tỉnh.
Đẩy nhanh CĐS, kinh tế số hướng đến xã hội số
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể, gồm: 100% cán bộ, công chức, viên chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S trong các dịch vụ phổ biến như: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông, đóng nộp các quỹ của đơn vị.
Cũng theo kế hoạch, 100% cơ sở giáo dục triển khai thu nộp học phí, các khoản thu, nộp hợp pháp khác trên nền tảng Hue-S; 100% đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích các đơn vị còn lại; 100% Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công không dùng tiền mặt.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu tối thiểu 50% giao dịch thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công (DVC) thực hiện thông qua Hue-S hoặc dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã.
100% các điểm tham quan, di tích tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hệ thống vé điện tử; 100% dịch vụ taxi, xe bus triển khai hệ thống thanh toán vé, phí qua hình thức QR hoặc quẹt thẻ điện tử; Hỗ trợ 100% cơ sở kinh doanh và phấn đấu 45% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong việc cung cấp dịch vụ hàng hóa; 100% các cơ sở lưu trú triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt…
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 5 hợp tác xã quảng bá sản phẩm thương hiệu, liên kết thông tin truy xuất hàng hóa, tham gia sàn thương mại điện tử và triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Hỗ trợ công cụ cho các cơ sở kinh doanh bán lẻ, tiểu thương tại các chợ tiếp cận nền tảng thanh toán QR và chủ động trong việc ứng dụng; Phổ cập tài khoản ngân hàng.
Việc tổ chức thực hiện được giao cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh, gồm Sở TT&TT, Trung tâm Phục vụ hành chính công - Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Khoa học và Công nghệ, Công thương, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Tài chính, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Y tế, ĐH Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ giao thông vận tải.
Trong đó, Sở TT&TT chủ trì kết nối các ngành thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện; Đảm bảo hệ thống thông tin hỗ trợ cho DN, tổ chức, các cơ sở kinh doanh, tiểu thương làm chủ trong giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở TT&TT làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính, các đơn vị thanh toán trung gian tích hợp, liên kết các dịch vụ trên nền tảng Hue-S tạo điều kiện thống nhất, thuận lợi cho người dân; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh cơ chế trích thu phí các dịch vụ theo phương thức xã hội hóa…
Sở TT&TT cũng xây dựng tiêu chí thanh toán không dùng tiền mặt trong bộ tiêu chí đánh giá CĐS trong các cơ quan nhà nước (CQNN), trong đó tập trung đánh giá tỷ lệ phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của cán bộ, công chức, viên chức trong CQNN. Tổ chức các điểm đối với giải pháp không dùng tiền mặt trong việc đóng nộp các khoản thu, đóng góp hợp pháp của các đơn vị.
Các sở, ban, ngành, địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo 100% công chức, viên chức triển khai cài đặt Hue-S; Xây dựng chỉ tiêu cụ thể về giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của công chức, viên chức…
Cách làm riêng để tạo đột phá CĐS
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 vào đầu tháng 6/2020, Thừa Thiên Huế hiện nằm trong nhóm không nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch CĐS của tỉnh mình.
Chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ tầm nhìn: "Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng".
Để đảm bảo phù hợp với chương trình CĐS của tỉnh cũng như Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam phiên bản 2.0, ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Kiến trúc CQĐT của tỉnh phiên bản 2.0.
Tại sự kiện khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trung tuần tháng 8/2020, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng CNTT, tạo đột phá trong CĐS. Phương châm Thừa Thiên - Huế hướng tới là "4 không 1 có", bao gồm: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, DVC không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa.
Thừa Thiên Huế cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có IOC - được xem là trái tim của đô thị thông minh (ĐTTM). Đây là đầu mối kết nối giữa công dân, DN và chính quyền.
IOC triển khai đồng thời 10 dịch vụ, bao gồm phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương… Trong số đó, phản ánh hiện trường là dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Thông qua ứng dụng Hue-S, người dân có thể phản ánh hiện trường, thực hiện dịch vụ công, khai báo y tế và phương tiện vào ra Huế, các thông tin về dịch Covid-19 và thông tin cảnh báo của địa phương.
Bên cạnh gửi phản ánh hiện trường về IOC, ứng dụng Hue-S cũng gửi những cảnh báo nhanh cho người dân về địa điểm tắc đường, hoả hoạn, tai nạn, kế hoạch mất điện hay tình hình tội phạm trên địa bàn. Ngoài ra, ứng dụng cũng cung cấp chức năng xây dựng mạng lưới, huy động, hỗ trợ cho người dân gửi các cảnh báo đến Trung tâm xác minh, từ đó cảnh báo nhanh trên diện rộng. Công dân chỉ tạo 1 tài khoản, và tài khoản đó sử dụng cho tất cả các dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng Hue-S cũng đã triển khai dịch vụ ký số trên SIM cung cấp công cụ, sẵn sàng cho công dân, tổ chức khi có nhu cầu sử dụng.
Theo báo cáo mới đây của Sở TT&TT Huế về tình hình triển khai điểm mô hình điển hình CQĐT cấp tỉnh cho thấy số lượng người dân và DN tham gia hệ thống thông tin CPĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã đạt 100%, trong khi chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP của Thủ tướng là 20%. Theo đó, mọi người dân hiện nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế tham gia dịch vụ của tỉnh và Cổng DVC quốc gia đều được xác thực, định danh.
Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu khác Thừa Thiên Huế như tỷ lệ DVC trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử, tỷ lệ thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; Tỷ lệ DVC trực tuyến sử dụng dữ liệu từ CSDL quốc gia về đăng ký DN; Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); Tỷ lệ hồ sơ công việc cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng; Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện trên môi trường mạng, Tỷ lệ báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia… đều đã đạt tỷ lệ 100% trong quý III năm 2020, vượt 20 - 90% chỉ tiêu theo Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế, Thừa Thiên Huế được xem là một ví dụ có thể giúp cho các địa phương khác tham khảo trong quá trình số hoá chính quyền.
Với những nỗ lực của tỉnh, trong 4 năm vừa qua, Thừa Thiên Huế luôn là tỉnh được xếp hạng đầu và thứ 2 về ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT.