Những thủ đoạn lôi kéo kinh doanh đa cấp bất hợp pháp
Truyền thông - Ngày đăng : 17:11, 28/12/2020
PV: Xin ông cho biết dấu hiệu nào có thể nhận biết các mô hình kinh doanh đa cấp "trá hình" để cảnh báo rủi ro đối với người dân tham gia?
Ông Trịnh Anh Tuấn: Theo các vụ việc thu thập được, hoạt động của các DN này thường có chiêu chung: đăng quảng cáo trên các website việc làm, Zalo, Facebook… để tuyển nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng, nhưng lại rất hấp dẫn về thu nhập.
Chẳng hạn, tuyển nhân viên kinh doanh lương 10 triệu đồng/tháng, không cần kinh nghiệm và bằng đại học, thời gian làm việc linh động; hoặc tuyển cộng tác viên online, làm ca 4 tiếng/ngày, thu nhập 6 triệu đồng/tháng, chưa kể hoa hồng… Đối tượng mà những lời rao quảng cáo này hướng đến thường là những người đang tìm việc làm hoặc các sinh viên muốn đi làm thêm.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương
Khi nộp hồ sơ xin việc, ứng viên được hẹn phỏng vấn, nhưng thực chất là để nhân viên của DN tiếp cận, hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân. Sau đó, họ vẽ vời một tương lai tươi sáng, thu nhập hàng trăm triệu đồng 1 tháng, rồi những chuyến đi du lịch, đào tạo ở nước ngoài. Khi con mồi sắp cắn câu, nhân viên tuyển dụng bắt đầu sử dụng nhiều mánh khóe hơn, dụ dỗ, ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với lý do như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh; hoặc họ yêu cầu ứng viên phải mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư, gia nhập DN.
Nộp tiền xong, người tham gia và người được tuyển sẽ có một khoản hoa hồng để khuyến khích họ tuyển thêm người khác, hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền để có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn.
Thực chất, công việc của họ chỉ là đi tuyển thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý, hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa để lên cấp bậc, không làm thì không có thêm tiền. Muốn khiếu nại các khoản phí đã nộp, nạn nhân cũng không có các chứng từ giao dịch, biên lai, phiếu thu nộp tiền không có dấu của DN.
Đồng thời các đối tượng kinh doanh đa cấp trái phép thường sử dụng chiêu trò nói quá, quảng cáo gian dối thu phục người mới, khiến họ mờ mắt trước những thông tin không có thật.
Nói quá về cơ hội làm giàu: Người bị dụ dỗ tham gia vào các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường được nghe những lời quảng cáo về khả năng có thể giàu lên nhanh chóng sau một thời gian tham gia vào mạng lưới. Thành viên của doanh nghiệp đa cấp bất chính sẽ vẽ ra những cảnh tượng giàu sang, nêu những tấm gương giàu có đã thành công ở doanh nghiệp, hoặc bản thân họ cũng tỏ ra hiểu biết giàu có với cách ăn mặc hào nhoáng. Người nhẹ dạ có thể sẽ tin tưởng và đầu tư nhiều tiền để nhanh chóng có được thành công như vậy.
Nói quá về công dụng sản phẩm: Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo các sản phẩm của họ như những sản phẩm thần thánh, có thể chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Họ đưa ra các ví dụ thực tế qua các hình ảnh, thậm chí các video clip có người bệnh trình bày. Tuy nhiên các hình ảnh vào clip này đều là dàn dựng, không có thật
Nói quá về quy mô, sức mạnh của doanh nghiệp: nhiều doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ là doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, lấy tên giống một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng để lấy niềm tin của người khác, họ thường quảng cáo họ là doanh nghiệp đa quốc gia, hoạt động trên nhiều quốc gia trên thế giới, có nhà máy, trụ sở, văn phòng ở nhiều quốc gia khác nhau.
PV: Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình tổ chức hoạt động có hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ông hãy chia sẻ thông tin về cách thức nhận biết những loại doanh nghiệp này?
Ông Trịnh Anh Tuấn: Có một số đặc điểm hoạt động mà các doanh nghiệp loại này thường sử dụng mà những dấu hiệu dưới đây giúp người dân dễ dàng nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính:
Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống: Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau: Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục; Yêu cầu nộp tiền đặt cọc; Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định); Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên; Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo.
Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính:
- Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này.
- Khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.
Lãnh đạo Công ty BBI Việt Nam cuỗm hết tiền, bỏ trốn rồi tuyên bố phá sản công ty
Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp: Như đã nêu trên, mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia.
Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, bạn cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.
PV: Xin ông cho biết Bộ Công thương đã có những hành động cụ thể nào để bảo vệ người dân khỏi những kẻ lừa đảo núp bóng đa cấp này?
Ông Trịnh Anh Tuấn: Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và bán hàng đa cấp, Cục CT&BVNTD đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh công tác cảnh báo, tuyên truyền về những biểu hiện biến tướng của những hành vi bán hàng đa cấp trái phép hiện nay để người dân nhận thức được những rủi ro cả pháp lý và tài chính khi tham gia, hạn chế được những thiệt hại không đáng có. Các thông tin cảnh báo được đăng công khai trên website của Cục sau đó được hàng loạt các trang thông tin, báo điện tử đưa tin lại nên đã tạo ra được hiệu ứng rất tích cực.
Mặt khác, đối với các trường hợp có đầy đủ thông tin chứng cứ cần thiết, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển tới các cơ quan công an để theo dõi, điều tra và xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, trong năm 2020, trong kế hoạch công tác, Bộ Công Thương đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an, trong đó có việc phối hợp trao đổi thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ở địa phương, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Sở Công Thương xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan liên quan ở địa phương như Thuế, Hải quản, Quản lý thị trường, Công an…trình UBND phê duyệt. Hiên hầu hết các địa phương đã ban hàng quy chế này. Nếu có phát hiện về những hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng sẽ xử lý rất nhanh.
Trong thời gian qua, Cục đã chủ động cung cấp thông tin, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an và cơ quan công an tại địa phương (trên 10 trường hợp) để theo dõi, xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật hình sự. Ngoài ra, Cục CT&BVNTD đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an và cơ quan công an tại các địa phương trong việc xác minh, điều tra và xử lý các hành vi có dấu hiệu lợi dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép, huy động tài chính, tiền ảo diễn ra tại các địa phương (trên 20 trường hợp).
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!