Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào số hóa
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:51, 24/12/2020
Chiều 23/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án "Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính" đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, địa phương để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án.
Cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" là giải pháp đổi mới hữu hiệu
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là cơ sở quan trọng để thành lập Trung tâm hành chính công tại các bộ, địa phương. Đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết TTHC; trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
"Các Trung tâm hành chính công ra đời trong điều kiện đổi mới mạnh mẽ, góp phần thay đổi trách nhiệm, thái độ cán bộ thi hành công vụ", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa "vật lý" và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng...
Cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức.
Bên cạnh đó đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, đã cơ bản thay đổi bộ mặt của cơ quan hành chính các cấp, nâng cao chất lượng hiện đại hóa công sở hành chính theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, bên cạnh những điểm tích cực nêu trên thì còn nhiều tồn tại, thứ nhất là thẩm quyền bộ phận một cửa, một cửa liên thông không rõ ràng, những địa phương nào quan tâm thì cử cán bộ rất trách nhiệm, còn cử cán bộ không đủ năng lực thì ảnh hưởng kết quả giải quyết TTHC.
Thứ hai là, mặc dù đã thành lập một cửa, một cửa liên thông nhưng chưa tạo ra cải cách mạnh mẽ vì vẫn phải nộp hồ sơ giấy, không ứng dụng CNTT gây khó khăn cho người dân, khi kiểm tra đa số vẫn dùng hồ sơ giấy.
Thẩm quyền giải quyết các TTHC còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực. Cách thức giải quyết TTHC các cơ quan hành chính Nhà nước còn mang tính kinh nghiệm, thủ công, giấy tờ, chưa tích cực áp dụng những tiến bộ công nghệ tin học để phủ hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Phương thức thực hiện các TTHC của cá nhân, tổ chức còn theo thói quen, chủ yếu thực hiện trực tiếp, bằng hồ sơ giấy, theo thống kê số hồ sơ giấy chiếm tới 94,32%. Song chưa được ứng dụng CNTT để số hóa và lưu trữ điện tử. Hiện nay, mặc dù việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được quan tâm đẩy nhanh về số lượng, tuy nhiên tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT còn thấp...
10 phương án đổi mới
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án nêu trên theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, DN, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.
10 điểm đổi mới của Đề án bao gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả; Số hóa, giá trị pháp lý của tài liệu, hồ sơ thực hiện TTHC đã được số hóa; lưu trữ, khai thác, chia sẻ hồ sơ, tài liệu thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân đã được số hóa; Thực hiện DVCTT, TTHC trên môi trường điện tử: Thuê dịch vụ để thực hiện một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC; Đẩy mạnh việc số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC; Nâng cao tỷ lệ thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết DVCTT mức độ 3, 4 và TTHC; Giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức; Đổi mới về nhân sự trực tại bộ phận một cửa.
Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới vào khoảng trên 8.800 tỷ đồng/năm.
Việc tiết kiệm này được tính toán dựa trên 4 điểm: Giảm số lượng Bộ phận một cửa tiết kiệm được khoảng 2,076 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tái sử dụng lại giấy tờ, tài liệu khoảng trên 2.518 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tăng tỷ lệ % thực hiện thủ tục theo phương thức điện tử là trên 4.298 tỷ đồng năm 2021, năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về tỷ lệ thực hiện TTHC chính theo phương thức điện tử tăng; tiết kiệm chi phí do giảm thời gian chờ đợi là trên 2.020 tỷ đồng cho năm 2021, năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về thời gian chờ tiếp tục giảm.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, địa phương đều thống nhất với nội dung dự thảo Đề án. Tư tưởng chủ đạo Đề án là ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào số hóa, ứng dụng CNTT không thay đổi vận hành của cơ chế "một cửa, một cửa liên thông". Đề án nhằm tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án cho biết, Đề án có tư tưởng nổi bật làm thay đổi diện mạo cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần cải cách mạnh mẽ nhưng phải hiệu quả, có sản phẩm cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh số hóa là quan trọng nhất trong Đề án và mục tiêu phải giảm thực sự về hồ sơ giấy. Đề án cũng cải cách mạnh mẽ vào bộ phận một cửa, một cửa liên thông nhưng không làm thay đổi thẩm quyền của các cấp; cơ cấu, sắp xếp lại Trung tâm hành chính công theo hướng đơn giản hóa, giảm đầu mối; tinh thần giảm bộ máy, không tăng biên chế. Đề án thí điểm nên mở theo hướng đưa các dịch vụ xã hội hóa thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương; cơ chế khuyến khích để các địa phương thuê dịch vụ...