Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý bán hàng đa cấp

Truyền thông - Ngày đăng : 14:01, 24/12/2020

Tại Việt Nam, Hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện từ năm 1998, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động. Các văn bản pháp luật theo đó được điều chỉnh theo hướng ngày càng thắt chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.

Theo đó, nhằm quản lý chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh đa cấp, các văn bản pháp luật được điều chỉnh như sau:

Một là, xây dựng và thông qua Luật Cạnh tranh. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, theo đó lần đầu tiên thuật ngữ "bán hàng đa cấp" được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh. Đồng thời, Luật cũng đưa ra các hành vi bán hàng đa cấp bất chính nghiêm cấm các doanh nghiệp (DN) thực hiện. Mặc dù là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên và cao nhất điều chỉnh đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhưng Luật Cạnh tranh chưa đưa ra cơ chế quản lý đối với hoạt động này.

Hai là, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định, Thông tư).

Ngày 24 tháng 8 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 110/2005/NĐ-CP chính thức thiết lập một cơ chế quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của Bộ Công Thương (thông qua Cục Quản lý Cạnh tranh - nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Ủy ban nhân dân các tỉnh (thông qua các Sở Công Thương).

Theo Nghị định 110, DN muốn tổ chức bán hàng đa cấp phải thực hiện đăng ký với Sở Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý bán hàng đa cấp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để siết chặt hơn nữa, đảm bảo hiệu quả của cơ chế quản lý ngày 30 tháng 9 năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định 120/2005/NĐ-CP quy định chế tài xử lý đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính với mức tiền phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp và các vấn đề cụ thể chưa được quy định tại Luật Cạnh tranh và các Nghị định nêu trên được quy định tại Thông tư số 19/2005/TT-BTM và Thông tư số 35/2011/TT-BCT.

Năm 2014, sau gần 10 năm thực thi, các văn bản pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nêu trên đã bộc lộ nhiều bất cập, kẽ hở khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo người dân. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật mới thay thế cho hệ thống văn bản cũ để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoại trừ Luật Cạnh tranh, các Nghị định và Thông tư cũ điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp đều được thay thế bởi các Nghị định, thông tư mới có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Cụ thể:

Ngày 14 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định chính thức có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2014. Nghị định này thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với những thay đổi cơ bản, quan trọng theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp...

Ba là, cập nhật rà soát sửa đổi các Nghị định, Thông tư nhằm quản lý và nâng cao tính minh bạch của hoạt động bán hàng đa cấp.

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2015 - 2016, năm 2018, các văn bản pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam lại một lần nữa được Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh nhằm thắt chặt quản lý hơn nữa đối với hoạt động bán hàng đặc thù và còn gây nhiều tranh cãi này.

Ngày 12 tháng 3 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 5 năm 2018 và thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 40/2018/NĐ-CP được ban hành với nhiều quy định mới nhằm nâng cao tính minh bạch của hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động thực thi pháp luật nhằm chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp.

Song song với các nỗ lực thắt chặt quản lý thông qua công cụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều biện pháp quản lý khác cũng được Bộ Công Thương thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, một số biện pháp như: kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết khiếu nại liên quan tới hoạt động bán hàng đa cấp; phối hợp với các cơ quan khác trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Các biện pháp quản lý đã được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoat động bán hàng đa cấp và để triển khai công tác này một cách đồng bộ tại địa phương, ngày 25 tháng 5 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định số 1822/QĐ-BCT ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất triển khai thực hiện từ trung ương đến địa phương.

Tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được sau khi thực hiện quyết liệt Đề án nêu trên, vừa qua, ngày 05 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục ký Quyết định số 2837/QĐ-BCT về việc ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn từ năm 2021 tới năm 2025.

PV