Đưa 5 dịch vụ công của Toà án lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Chính phủ số - Ngày đăng : 22:32, 21/12/2020

Trong 5 năm qua, hệ thống Tòa án đã không ngừng cải tiến, nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng CNTT, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống CNTT phục vụ hoạt động của Tòa án.

Ngày 21/12, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức Lễ kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công (DVC) của Tòa án tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Hệ thống Tòa án không ngừng cải tiến, nâng cao hạ tầng CNTT - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Cổng DVC TAND trên Cổng DVCQG - Ảnh: VGP

Tăng cường áp dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan tư pháp

Theo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC): Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị "Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND, trong đó có việc "hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người,… đổi mới thủ tục hành chính (TTHC) trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn,… từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án,… tăng cường áp dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan tư pháp…".

Trước yêu cầu cải cách tư pháp nêu trên, trong 5 năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sự quan tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống Tòa án đã không ngừng cải tiến, nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng CNTT, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống CNTT phục vụ hoạt động của Tòa án.

Cụ thể, các hệ thống CNTT phục vụ hoạt động của Toà án, gồm: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND; Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Toà án trên Cổng thông tin điện tử TANDTC; Trang tin điện tử về Án lệ; DVC đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; DVC gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử; Cổng Thông tin điện tử TANDTC và 67 Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân các cấp.

Trong đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND giúp tạo môi trường làm việc, tương tác giữa các Tòa án mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý; giúp cán bộ, công chức các TAND cấp huyện dễ dàng tham dự các cuộc họp, hội nghị, tập huấn do TANDTC tổ chức. Với hệ thống này, các TAND đã chủ động tự tổ chức các cuộc họp trực tuyến vào bất kỳ thời điểm nào.

DVC đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp tạo ra công cụ hữu ích giúp các cơ quan, tổ chức, người dân không cần phải đến trụ sở Tòa án, mà có thể đăng ký xin cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Qua hệ thống này, các Tòa án đã tiếp nhận, giải quyết hơn 6.400 yêu cầu đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TANDTC góp phần nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của Tòa án; là phương thức để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Đến thời điểm này, các Tòa án đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định; phục vụ hơn 25 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác thông tin….

Xây dựng bộ mã định danh của hệ thống Tòa án

Cũng theo TANDTC, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, thời gian qua, TANDTC đã cùng Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các bộ ngành liên quan triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành điện tử giữa Chính phủ và TANDTC; các hệ thống DVC phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN) khi có công việc liên quan đến Tòa án.

Cụ thể, triển khai kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký điện tử của Tòa án nhân dân liên thông với trục văn bản quốc gia; tích hợp 05 trang thông tin - DVC của Toà án nhân dân lên Cổng DVCQG.

Việc triển khai hệ thống, tích hợp trang thông tin này giúp cho công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản, xử lý công việc của Tòa án cũng như việc gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ hệ thống Tòa án và với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của Tòa án được thực hiện trên môi trường điện tử; giúp cho người dân và DN dễ dàng tiếp cận, sử dụng các DVC của Tòa án; giải quyết công việc tại Tòa án mà không cần phải đến trực tiếp Tòa án.

Trước đó, VPCP và TANDTC đã làm việc nhằm triển khai gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản Quốc gia và tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến của TANDTC cao trên Cổng DVCQG.

Theo đó, có 5 DVC của TANDTC sẽ được cung cấp lên Cổng DVCQG, cụ thể: Gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tuyến; Đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; Công bố bản án, quyết định của Tòa án; Án lệ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng bộ mã định danh của hệ thống Tòa án theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ. Theo dự kiến, toàn bộ các công việc trên hoàn thành trong tháng 12/2020.

PV