Đặt cược thể thao: Cần mạnh dạn tạo đột phá công nghệ, thể chế quản lý
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 08:54, 21/12/2020
Đó là quan điểm của các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm: "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao" do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện một số cơ quan trung ương, bộ, hiệp hội doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế - CNTT.
Một thời cơ không nên bỏ lỡ
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, sự kiện là hoạt động nối tiếp của Hội thảo "Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp" (ngày 23/6/2020), nhằm thảo luận sâu hơn về các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp vui chơi giải trí nói chung và đặt cược thể thao nói riêng, góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
"Việc hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, là nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản luôn cần thiết, quan trọng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, ban hành các văn bản", TS. Tuấn nhấn mạnh.
Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, đề cập từ nhiều năm trước, tuy nhiên, ở một góc nhìn nhận đây vẫn được coi là lĩnh vực "nhạy cảm", chưa có cách tiếp cận đa chiều nên cái khó nhất chính là sự khởi đầu.
"Chúng ta muốn bước sang một lĩnh vực mới nhưng lại chần chừ, nâng lên rồi đặt xuống. Cần xác định đây là trách nhiệm xã hội, nếu không sớm triển khai, đi vào thực tiễn, cơ hội, thời cơ sẽ bị đánh mất, nguồn lực bị lãng phí", Tổng biên tập Tuấn nêu quan điểm.
Đồng tình quan điểm với Tổng biên tập Tuấn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh thêm, thực chất hoạt động kinh doanh đặt cược trong nước Việt Nam và quốc tế, cả hình thức trực tiếp, trực tuyến đã đang và sẽ không ngừng phát triển dù có được chính thức hóa hay không.
Trên quan điểm về sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật cho loại hình này, TS. Lực cho rằng, cần điều chỉnh lại khoản 1 Điều 3 của Nghị định 06/2017/NĐ-CP, chỉ nên khẳng định "kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước" và nên bỏ cụm từ "không khuyến khích phát triển".
"Thực tế đây là lĩnh vực đang pháp triển phù hợp với nhu cầu tất yếu của xã hội, sự "không khuyến khích phát triển" nên được thể hiện ở quy định về các hình thức đặt cược được phép và không được phép (hiện chỉ cho phép 3 loại hình kinh doanh đặt cược là đua chó, đua ngựa và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế)", ông Lực đánh giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lực còn cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần chú trọng ứng dụng công nghệ số trong vận hành, quản lý, bởi lẽ đây là dịch vụ liên quan đến du lịch, đến nền kinh tế ban đêm và nhu cầu của người dân.
Phát triển công nghệ phải song hành với thể chế quản lý
Cũng chung quan điểm với TS. Lực về việc Việt Nam cần chú trọng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh thêm, chúng ta không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí, trung tâm vui chơi chất lượng cao như trường đua chó, ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino vì đây đang là một xu thế, nhiều nước phát triển đã thực hiện hợp pháp.
"Đã đến lúc chúng ta cần coi đây là lĩnh vực kinh doanh và khi nó được quản lý bởi một tổ chức đủ mạnh thì có thể khai thác có hiệu quả, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19", GS Mại đề xuất.
Trên quan điểm, góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng, trong lĩnh vực dịch vụ vui chơi có thưởng ở nước ngoài, như casino, đặt cược đua ngựa, chó, bóng đá đã trở thành những bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí và không thể thiếu trong các xã hội phát triển.
"Nếu hoạt động này được thí điểm hoặc hợp thức hóa sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư", ông Sử nhận định .
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu quan điểm, vui chơi giải trí có thưởng là một hoạt động xuất phát từ bản chất của con người, nhu cầu thiết thực của từng cá nhân. Vì thế đây có thể coi là một ngành nghề kinh doanh, giải quyết nhu cầu của người lao động, xã hội.
"Cái gì đã thuộc về bản năng con người (là lao động, giải trí) thì không thể cấm được. Khi không cấm được thì khi xem xét tới tính tổ hợp trong quy hoạch và tổ chức. Cần đề cao tính minh bạch và giải trình, luật quy định rõ ràng về các vấn đề xã hội từ quan hệ gia đình, quan hệ xã hội" TS Thành nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Chí Công, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, chúng ta đã ban hành 3 Nghị định: Casino; vui chơi điện tử có thưởng; đặt cược đua ngựa đua chó. Đây là một thành quả "tam mã", đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về hoạt động vui chơi, giải trí, chính điều này tạo giá trị khai thác để phát triển du lịch.
Qua quan sát về Nghị định 06/2017/NĐ-CP, chúng tôi nhận thấy Chính phủ đã có quan điểm, chính sách rõ ràng là lĩnh vực vui chơi có thưởng bao gồm đặt cược thể thao, casino hay là trò chơi điện tử có thưởng là bộ phận cấu thành ngành công nghiệp dịch vụ giải trí.
"Tọa đàm hôm nay đã đặt ra nhiều vấn đề về chính sách, phương thức quản lý, tôi cho rằng các vấn đề này mặc dù là công nghệ nhưng cũng cần có thể chế quản lý", ông Công nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề công nghệ số, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho rằng, xu thế công nghệ luôn phát triển, do đó, việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đặt cược thể thao cũng sẽ chịu ảnh hưởng, tác động. Vì điều này, Nghị định 06/2017/NĐ-CP chỉ cần quy định bổ sung các vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn thông tin, những ràng buộc về quy chế tổ chức, hình thức xử phạt với các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đặt cược để lừa đảo, rửa tiền.
"Nghị định đang quy định việc triển khai phân phối vé đặt cược không sử dụng ứng dụng công nghệ và Internet, còn khi sử dụng tài khoản đặt cược thì lại truy cập qua Internet. Hai điều khoản này đang không thống nhất và cho thấy việc hạn chế sử dụng Internet là một bước lùi về mặt công nghệ", ông Hải chỉ rõ.
Cũng theo ông Hải, hiện nay một số quốc gia có công ty Nhà nước làm hạ tầng kiểm soát các công ty khác về cá cược và có nhiều công ty cá cược tham gia vào nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
"VNPT đang cung cấp các dịch vụ cho các công ty hoạt động vui chơi có thưởng và hoàn toàn kiểm soát được cái định danh về các dịch vụ đó. Do đó, cần có các công ty có kiểm toán và kiểm soát được người chơi, thuế và việc thanh toán", ông Hải khẳng định.
Ông Hải cũng cho rằng cần thiết phải xây dựng các trung tâm dữ liệu để tạo các nền tảng số đảm bảo kiểm soát định danh được người chơi, giám sát luật chơi, thanh toán, truy vết.
Bên cạnh các ý kiến tâm huyết của các đại biểu trong nước, đại diện công ty nước ngoài, ông Michael Efron, Chủ tịch Vietnam Sport Player – chuyên Tư vấn Thể thao quốc tế cho rằng, Việt Nam chia sẻ, muốn làm tốt nội dung trên, nhất thiết cần đề cao vấn đề trách nhiệm xã hội, bởi hoạt động cá cược sẽ đóng góp một phần, thậm chí 50-80% lợi nhuận trong việc đóng góp xã hội.
"Chính phủ Việt Nam quan ngại việc "cá cược" gây hậu quả xã hội, do đó chúng tôi mong muốn cung cấp giải pháp mang tính xây dựng để các công ty hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm xã hội, tuân thủ đúng pháp luật", Chủ tịch Vietnam Sport Player đề xuất .