Chuyển đổi tư duy từ bắt kịp sang Việt Nam đi cùng với thế giới về công nghệ

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 21:22, 18/12/2020

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, năm 2021, Cục Viễn thông và Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) cần đổi mới, chuyển từ tư duy bắt kịp sang tư duy Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới trong việc triển khai những công nghệ mới nhất, nằm trong nhóm từ 10-20 nước đi đầu.

Thông tin trên được Thứ trưởng Phan Tâm đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ được tổ chức ngày 18/12.

Chuyển đổi tư duy từ bắt kịp sang Việt Nam đi cùng với thế giới về công nghệ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Tâm: Trong năm 2021, Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ cần đổi mới, chuyển từ tư duy bắt kịp sang tư duy Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ.

Cần mở ra các không gian phát triển mới cho viễn thông và tần số

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, năm 2020, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và các đợt bão lũ nhưng ngành TT&TT đã vượt qua và đạt được những thành tích nhất định.

Trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 2 đơn vị đã xây dựng được những thông tư đáng chú ý như quy hoạch xây dựng băng tần, từ đó thử nghiệm mạng 5G để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới về triển khai công nghệ 5G hay chủ trương xã hội hóa trong công tác kiểm định BTS, cắt giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN)…

"Hai đơn vị cũng đã làm tốt việc đảm bảo thông tin liên lạc cho các sự kiện quan trọng của đất nước, việc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn", Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ thêm.

Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ đã phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy công nghệ 5G, từ khâu cấp phép, thử nghiệm kỹ thuật,… trong thời gian ngắn, để đến nay cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đều đã thử nghiệm thương mại.

"Hai Cục cũng đã hỗ trợ các DN để Việt Nam vào nhóm 4-5 nước trên thế giới có thể sản xuất được thiết bị 5G cũng như nhanh chóng tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành bộ chỉ tiêu thiết bị đầu cuối, mạng gốc 5G để các DN đáp ứng tiêu chuẩn nhà nước", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phan Tâm đã ghi nhận những kết quả của Cục Tần số VTĐ trong việc triển khai Đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình hay của Cục Viễn thông trong việc thúc đẩy chương trình phát triển smartphone giá rẻ cho người dân, góp phần đẩy nhanh việc tắt sóng 2G, phối hợp Ngân hàng nhà nước về triển khai Mobile Money. "Thủ tướng cũng vừa có quyết định yêu cầu các Bộ hoàn tất sớm để trình lại Thủ tướng ký thông qua việc thử nghiệm Mobile Money trong tháng 12/2020".

Ngoài ra, cả Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ đều đã xử lý những vấn đề nóng trong lĩnh vực mình phụ trách như việc xử lý SIM rác, SMS rác, cuộc gọi lừa đảo hay chia sẻ cơ sở hạ tầng dung chung, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cảnh quan đô thị…

Cũng theo Thứ trưởng, trong năm 2021, hai Cục cần bám sát những chỉ đạo Bộ trưởng trong lĩnh vực của mình. Đặc biệt cần đổi mới tư duy trong việc chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy thúc đẩy, phát triển, chuyển từ tư duy bắt kịp sang tư duy Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới trong việc triển khai những công nghệ mới nhất. Theo đó, Việt Nam có thể nằm trong nhóm từ 10-20 nước đi đầu, chuyển từ tư duy nhập khẩu sang tư duy làm chủ, chủ động cả về thiết bị viễn thông chủ chốt, phần mềm chủ chốt để đưa viễn thông Việt Nam lên thứ hạng 50 vào năm 2025.

"Việt Nam cần hiện thực hóa mục tiêu mỗi người dân có một smartphone, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang, thúc đẩy DN phát triển hạ tầng số", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Để làm được điều này, hai Cục cần tập trung những nhiệm vụ sau: Nghiên cứu, bổ sung 2 Luật Viễn thông và Luật Tần số trong bối cảnh chuyển đổi số, CMCN 4.0; Cơ chế chính sách để mở ra các không gian phát triển mới cho viễn thông và tần số; Chỉ đạo DN viễn thông chuyển đổi sang hạ tầng số để đảm bảo phát triển kinh tế số, xã hội số; Quan tâm phát triển hệ sinh thái để nội dung phát triển hơn nữa…

"Hai Cục cần phối hợp để tập trung xử lý việc cấp tài nguyên tần số cho các DN phát triển và nâng cao chất lượng mạng di động 4G/5G hay điều phối đảm bảo ATTT đảm bảo các sự kiện quan trọng lớn của đất nước như Đại hội 13, bầu cử quốc hội, tìm kiếm cứu nạn", Thứ trưởng cho biết.

Chuyển đổi tư duy từ bắt kịp sang Việt Nam đi cùng với thế giới về công nghệ - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung: Trong năm 2020, Cục đã cấp 34.637 giấy phép và cấp phép thử nghiệm 4G cho Viettel, giấy phép thử nghiệm mạng 5G cho Viettel, VNPT và MobiFone.

Đã xử lý 88 vụ can nhiễu trong năm 2020

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết, đối với công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách và quy hoạch, Cục đã hoàn thành Thông tư 37 quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần 470-694 MHz… và đang xây dựng các văn bản như Luật Tần số sửa đổi, Nghị định về thu tiền sử dụng tần số VTĐ…

Cục cũng đã tiếp tục triển khai Đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình để được Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình phê duyệt tắt sóng analog tại 15 tỉnh nhóm IV trước 0 giờ ngày 28/12/2020.

Ngoài ra, đối với việc quản lý nhà nước về tần số, trong năm 2020, Cục đã cấp 34.637 giấy phép, trong đó giấy phép điện tử chiếm 57% và cấp giấy phép thử nghiệm 4G cho Viettel, giấy phép thử nghiệm mạng 5G cho Viettel, VNPT và MobiFone.

Ngoài ra, trong năm 2020, Cục còn thường xuyên kiểm soát 63/63 tỉnh, thành phố để chủ động phát hiện các phát xạ gây nhiễu có hại đến hoạt động của thiết bị, hệ thống VTĐ đang khai thác đối với các mạng đài hàng không, hàng hải và các hệ thống thông tin di động. Cục cũng đã tiếp nhận và xử lý 88 vụ can nhiễu, trong đó chủ yếu vẫn là nhiễu mạng thông tin di động với 63 vụ và dẫn đường hàng không (13 vụ), mạng dùng riêng 5 vụ hay phối hợp với Bộ Quốc phòng để xử lý can nhiễu giữa dân sự - quốc phòng – an ninh.

Đối với công tác trọng tâm năm 2021, theo Cục trưởng Cục tần số VTĐ, Cục sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 -2025, xây dựng Luật Tần số VTĐ sửa đổi; Triển khai đấu giá, cấp phép băng tần thông tin di động 4G, 5G; hoàn thành tốt công tác kiểm soát, xử lý can nhiễu, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tần số VTĐ cho các sự kiện quan trọng như Đại hội 13 của Đảng, Seagames…; Tổ chức Hội nghị Ủy ban tần số VTĐ quốc gia; Triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; Xây dựng bộ chỉ số KPI lĩnh vực quản lý tần số…

Hơn 52% doanh thu dịch vụ di động vẫn đến từ thoại và SMS

Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 của Cục Viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính đến 15/12/2020, Cục đã được giao 99 nhiệm vụ trong đó đã hoàn thành 83%. Trong đó, đối với công tác xây dựng văn bản quản lý pháp luật, Cục đã trình lãnh đạo Bộ ban hành 7 thông tư, 3 chỉ thị và 14 công điện chỉ đạo.

Chuyển đổi tư duy từ bắt kịp sang Việt Nam đi cùng với thế giới về công nghệ - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã: Lĩnh vực viễn thông đang gặp những khó khăn nhất định như việc doanh thu dịch vụ di động vẫn chủ yếu dựa vào các loại hình dịch vụ truyền thống,

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông đã tổ chức Lễ ký kết biên bản chương trình phối hợp giữa Cục và Sở TT&TT Hà Nội về việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020-2025; Chỉ đạo DN viễn thông di động tổ chức nhăn tin cảnh báo người dân tại các khu vực thiên tai theo đề nghị của Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai và Bộ Y tế với 112 triệu thuê bao, tương ứng 15 tỷ tin nhắn SMS; tham mưu hướng dẫn các DN viễn thông triển khai nhiều giải pháp sử dụng ứng dụng CNTT, dịch vụ viễn thông trong phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai Mobile Money; Chỉ đạo DN viễn thông di động thử nghiệm 5G; Thúc đẩy tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; Chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn và xử lý trình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo có hiệu quả khi từ tháng 7 đến tháng 11/2020 đã phát hiện và ngăn chặn 73.359 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, 17.154.622 cuộc gọi lừa đảo.

Về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí của lĩnh vực Viễn thông, đối với phát triển hạ tầng, tính đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng chuyển đổi sang hạ tầng số; tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động dự kiến sẽ đạt 17% đến hết năm 2020; tỷ lệ chuyển mạng giữa số là 93%, vược mục tiêu đặt ra là 90%; tỷ lệ thuê bao di động trên 100 dân đạt 76,42%; tỷ lệ người sử dụng Internet trên 100 dân mới đạt 70,5% tính đến tháng 9/2020… "Nhờ kết quả này, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, trong đó đã tăng 50 bậc về thành phần ứng dụng CNTT&TT, lên thứ hạng 41", ông Nhã chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Viễn thông, lĩnh vực này đang gặp những khó khăn, tồn tại nhất định như việc doanh thu dịch vụ di động vẫn chủ yếu dựa vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 52,56% doanh thu), trong khi doanh thu dữ liệu chỉ đạt 35,17% tổng doanh thu (trung bình thế giới đạt trên 43%); Tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo dù đã giảm nhưng vẫn tồn tại do một số DN viễn thông chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật…

Trên cơ sở đó, trong năm 2021, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để huy động, chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thúc đẩy hạ tầng số; Chỉ đạo DN viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc cho các sự kiện quan trọng; Thúc đẩy các DN viễn thông đẩy nhanh thương mại hóa và đầu tư mạng 5G; Thúc đẩy việc phát triển nội dung, tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ tham gia cung cấp dịch vụ nội dung số; Thúc đẩy chương trình chuyển đổi máy 2G/3G lên smartphone hỗ trợ 4G/5G thông qua sản xuất smartphone giá rẻ…

Thế Phương