Bưu điện Việt Nam phải thực hiện cuộc cách mạng thứ hai
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:58, 18/12/2020
Năm 2020, BĐVN đạt doanh thu 26.387 tỷ đồng
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Chu Quang Hào thông tin doanh thu toàn Tổng công ty năm 2020 đạt 26.387 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 540 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 796 tỷ đồng. BĐVN đã khẳng định vị thế số 1 của doanh nghiệp (DN) bưu chính quốc gia tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tổng giám đốc BĐVN nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hết sức khó khăn và đầy biến động, hàng chục nghìn DN, tổ chức phải ngừng hoạt động trong năm 2020, kết quả đáng tự hào này chính là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của 7 vạn người bưu điện trên toàn quốc".
Phát huy vai trò "cánh tay nối dài" trong thực hiện cải cách hành chính, BĐVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội triển khai sâu rộng nhiều nhiệm vụ, đề án lớn.
Năm 2020, BĐVN đã tiếp nhận và chuyển phát gần 20 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên toàn quốc. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị hư hỏng hoặc ảnh hưởng tới nội dung bên trong. Bên cạnh đó, BĐVN cũng phối hợp chặt chẽ với 36 tỉnh, thành phố để đặt bộ phận một cửa tại trụ sở của bưu điện và bố trí nhân viên bưu điện tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, DN và người dân.
Đặc biệt, BĐVN đã phát triển 360.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 120% kế hoạch, chiếm 57% số lượng phát triển toàn ngành BHXH và 5,6 triệu thẻ BHYT, đạt 105% kế hoạch.
Doanh thu của hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) trên toàn quốc cũng đạt 3.800 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm; thu nhập bình quân nhân viên BĐ-VHX là 4,7 triệu đồng/người/điểm/tháng, tăng 21% so thực hiện năm 2019.
Có được kết quả trên là do BĐVN không chỉ quy tụ được sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của hơn 7 vạn cán bộ, công nhân viên và người lao động mà còn triển khai đồng bộ các định hướng kinh doanh, đưa ra các giải pháp linh hoạt, sát với thực tế phù hợp trong tình hình mới.
Cũng theo ông Chu Quang Hào, trong dịch Covid-19, hàng trăm tấn văn bản, hàng hóa đã được BĐVN phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam vận chuyện trên các chuyến bay charter nguyên chuyến.
Đặc biệt, BĐVN đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ; đồng thời đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc theo hướng tự động hóa, số hóa. Riêng năm 2020, BĐVN đã đưa vào vận hành 02 trung tâm vận chuyển khu vực và 08 trung tâm khai thác vận chuyển tại các tỉnh trọng điểm. Với dây chuyền chia chọn tự động có công suất hàng chục nghìn bưu kiện/giờ, BĐVN hoàn toàn đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%.
Không chỉ triển khai đồng bộ các giải pháp, kịch bản sản xuất kinh doanh phù hợp trong mọi điều kiện, năm 2020, BĐVN đã phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của DN bưu chính quốc gia trong phục vụ cộng đồng.Năm 2020, BĐVN cũng để lại nhiều ấn tượng khi vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhiều cơ quan, đơn vị phải tạm thời đóng cửa, người Bưu điện vẫn tiên phong trên tuyến đầu chống dịch để cung cấp các dịch vụ bưu chính tới mọi người dân. Khi các tỉnh miền Trung căng mình chống chịu với đợt lũ lịch sử, BĐVN chính là DN đầu tiên miễn cước chuyển hơn 1.000 tấn hàng cứu trợ (giá trị cước tương đương gần 13 tỉ đồng) cho các tổ chức, cá nhân trên cả nước.
Năm 2021 sẽ là năm nền móng thực hiện mục tiêu Chiến lược kế hoạch 2021-2030, BĐVN sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để ngay từ năm đầu tiên của kế hoạch sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu, trong đó tổng doanh thu năm 2021 là gần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 560 tỉ đồng.
Bưu điện thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai
Phụ trách lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết 2020 là năm có nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid-19. Trong sự biến động đó, các DN gặp nhiều ảnh hưởng, nhiều DN phá sản, nhiều lao động không có việc làm.
Trong thách thức của năm 2020, Thứ trưởng đánh giá cao BĐVN đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, đặc biệt Chính phủ, các cấp chính quyền giao nhiều việc cho BĐVN để phục vụ người dân phòng, chống Covid-19. BĐVN cũng thực hiện nghiêm, làm tốt công tác chống hàng lậu, hàng giả.
BĐVN cũng thực hiện các nhiệm vụ phát sinh mới là xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, tham gia sâu về đề án Hệ tri thức Việt số hóa để phục vụ nhu cầu xã hội, triển khai bản đồ số Vmap, mã bưu chính Vpostcode, đề án xây dựng dữ liệu dân cư, tích cực thực hiện các hoạt động nghĩa tình.
Thứ trưởng nhận định trong khó khăn, để tồn tại nhiều DN bắt buộc phải CĐS. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu BĐVN phải có cuộc cách mạng thứ hai để cất cánh. Giai đoạn trước, BĐVN đã cán mốc doanh thu 24.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, BĐVN phải phấn đấu cán đích doanh thu 67.000 tỷ đồng và năm 2030 phải nỗ lực đạt 130 ngàn tỷ. BĐVN phải thực hiện cách mạng để đạt mục tiêu đề ra.
Với tham vọng này, BĐVN phải có bước đi nhanh, chuẩn, trong đó đánh giá tất cả các lĩnh vực của BĐVN trong 5 năm vừa qua, đánh giá mặt làm được, chưa được, điểm nghẽn để điều chỉnh, giải pháp cho giai đoạn mới.
Trong năm 2021, Thứ trưởng lưu ý BĐVN cần tiếp tục duy trì mạng bưu chính công ích, các dịch vụ công ích, đảm bảo tốt chất lượng, tham gia sâu vào các dịch vụ công của Nhà nước; Tập trung vào sản xuất kinh doanh khi năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nhiệm vụ cho giai đoạn 5 năm, 10 năm.
BĐVN cũng cần có chiến lược phát triển lực lượng lao động để đáp ứng thực hiện dịch vụ công, nhất là ở các địa bàn nông thôn. Đồng thời, BĐVN cần ứng dụng CNTT mạnh mẽ bao gồm cả việc phát triển và thuê ngoài dịch vụ, đáp ứng tối đa cho dòng chảy vật lý và kinh doanh số.