Năm 2021: Thúc đẩy nhiều việc mới triển khai CPĐT, chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:27, 18/12/2020
Phiên họp do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì. Tham dự phiên họp của Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp vụ của các bộ, cơ quan, lãnh đạo các doanh nghiệp ICT, và một số chuyên gia công nghệ.
Nhiều kết quả nổi bật trong năm 2020
Tại phiên họp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cho biết nhờ nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, mặc dù có nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 nhưng trên 50% các chỉ tiêu năm 2020 tại Nghị quyết 17/NQ-CP đã được hoàn thành. Tiêu biểu như, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đã đạt 30,08% (mục tiêu là 30%); tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 tích hợp lên Cổng DVC quốc gia đạt trên 37% (mục tiêu là 30%); tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi dưới dạng điện tử đạt 90,81% (mục tiêu là 90%).
Phần lớn các nhiệm vụ, đề án tại Nghị quyết số 17/NQ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển CPĐT thời gian qua, điển hình là việc xây dựng các văn bản pháp lý, các nền tảng, ứng dụng CPĐT quy mô quốc gia. Theo thống kê, đến nay trên 77% các nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Ông Đỗ Công Anh cho biết có một số bài học được rút ra trong quá trình triển khai CPĐT, như: Bộ TT&TT phát huy vai trò là cơ quan điều phối thống nhất, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán trong triển khai CPĐT. Bộ tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kịp thời công tác triển khai CPĐT, chính phủ số, CĐS , đặc biệt là việc triển khai các CSDL quốc gia, cung cấp DVCTT mức độ 4.
Bộ cũng đã phát triển các nền tảng CPĐT dùng chung để phá vỡ điểm nghẽn trong việc triển khai CPĐT của giai đoạn trước, nền tảng giúp triển khai nhanh, tiết kiệm, bảo đảm kết nối, liên thông, tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ;
Bộ TT&TT cũng đã thúc đẩy doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai CPĐT (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; các sản phẩm an toàn, an ninh mạng; các nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo - AI) để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển CPĐT vừa phát triển DN công nghệ số Việt Nam.
Bộ TT&TT đã triển khai Chương trình đào tạo 100 chuyên gia CPĐT, đây là những hạt nhân phát triển CPĐT rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, sự kết nối, chia sẻ mạng lưới các chuyên gia sẽ tạo ra tri thức chung theo cấp số mũ để phát triển đồng bộ CPĐT.
Triển khai thí điểm nhanh các mô hình thành công, sau đó nhân rộng. Điển hình trong thời qua đã triển khai thí điểm CĐS cấp xã tại tỉnh Ninh Bình (xã Yên Hoà), tỉnh Bắc Kạn (xã Vi Hương) từ đó rút ra các bài học thành công để nhân rộng.
Bộ TT&TT đánh giá sự quyết tâm, ưu tiên triển khai CPĐT của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng nhất cho thành công. Cụ thể, một số địa phương còn khó khăn ngân sách, nhưng vẫn bố trí trên 1% chi ngân sách nhà nước cho phát triển CPĐT.
Chính vì vậy, theo ông Đỗ Công Anh, tại những địa phương này, hiệu quả triển khai CPĐT đã được minh chứng.
Khởi động nhiều việc mới trong năm 2021
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, đóng góp cho hoạt động của Tổ công tác trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao sự nhiệt tâm, đóng góp của các thành viên trong Tổ công tác và mong muốn năm 2021 Tổ công tác tiếp tục có những thay đổi vượt bậc.
Theo Thứ trưởng, năm 2020 là năm CĐS quốc gia. Uỷ ban Quốc gia về CPĐT mở rộng phạm vị chỉ đạo không chỉ CPĐT mà gồm cả CĐS, bao gồm cả CĐS, kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình CĐS quốc gia thể hiện quyết tâm chiến lược của Việt Nam sử dụng công nghệ số làm thay đổi kinh tế, xã hội đất nước. Các bộ, các tỉnh đang xây dựng và ban hành Đề án CĐS của mình cho thấy nhận thức về CĐS đã có bước thay đổi vượt bậc.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Các nền tảng Make in VietNam bùng nổ với ngày thứ 6 công nghệ tạo một niềm tin về khả năng của các DN Việt Nam có đủ khả năng giải quyết các bài toán CĐS Việt Nam.
Kết quả đạt được về CPĐT trong năm 2020 bằng nhiều năm trước cộng lại như DVCTT mức 4 năm 2018 là 4,5%, năm 2019: 10,7%, năm 2020: 30%. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12/2019 với 8 DVC, đến tháng 12/2020 là 2.361 DVC. Nền tảng LGSP năm 2018 đạt tỷ lệ 3%, năm 2019: 27%, năm 2020 là 100%.
Hành lang pháp lý cho CPĐT đã cơ bản hoàn thiện với Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định 47/2020-NĐCP về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị Tổ công tác xác định rõ nội hàm kinh tế số và phương pháp xác định tỷ trọng kinh tế số trong GDP để các bộ, ngành, địa phương có chỉ tiêu cụ thể để đánh giá. Tổ công tác cũng nghiên cứu xây dựng chiến lược CPĐT hướng tới chính số, nghiên cứu đóng góp ý kiến cho Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, tổ công tác cần nghiên cứu khởi động đề xuất xây dựng một số luật: Luật Chính phủ số, Luật kinh tế số.