3 xu hướng quản lý truy cập và nhận dạng khách hàng năm 2021
An toàn thông tin - Ngày đăng : 08:59, 18/12/2020
Cùng với sự phát triển của cách mạng 4.0, của thế giới Internet toàn cầu hóa, theo nhiều cách, công nghệ đang thay đổi căn bản toàn diện cuộc sống của con người từ mọi khía cạnh theo chiều hướng hiện đại và tiện nghi hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, việc phong tỏa và thực hiện giãn cách xã hội đã buộc các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch hoạt động sang môi trường số. Kéo theo đó, sự phụ thuộc vào thương mại trực tuyến đã tăng lên đáng kể và các mô hình bán hàng mới đang nở rộ.
Theo một báo cáo của gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) Shopify, doanh số TMĐT toàn cầu dự kiến đạt 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và đạt hơn 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Các công ty thuộc tất cả các lĩnh vực, từ ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, công cộng, giáo dục, vận tải và hậu cần, năng lượng và tiện ích đến sản xuất, ngày càng khai thác Internet để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi các tổ chức chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức mới khi nhu cầu đảm bảo sự tin cậy và quyền riêng tư của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Một chiến lược CIAM và bảo mật mạnh mẽ là điều cần thiết để giải quyết những thách thức này và đảm bảo rằng thông tin được bảo vệ an toàn trước các mối đe dọa bên ngoài.
Mục tiêu chính của CIAM là thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bằng cách khai thác dữ liệu nhận dạng để thu hút và giữ chân người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Markets and Markets, thị trường CIAM chưa bão hòa và đang phát triển, dự báo sẽ tăng trưởng từ 7,6 tỷ USD vào năm 2020 lên 15,3 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 15,1%.
Các hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ thay đổi mạnh mẽ do sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và việc chuyển đổi sang học tập, làm việc từ xa trong bối cảnh đại dịch. Dưới đây là ba xu hướng CIAM chính mà các chuyên gia bảo mật cần xem xét khi họ xây dựng kế hoạch năm 2021.
Việc gia tăng chấp nhận các chiến lược số sẽ thúc đẩy nhu cầu về CIAM
Covid-19 đã thúc đẩy một loạt các DN trước đây không chịu tác động bởi số hoá, như cửa hàng tạp hóa và nhà hàng... phải chuyển đổi để cung cấp hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Để tồn tại và phát triển, những doanh nghiệp này buộc phải áp dụng các chiến lược kỹ thuật số.
Tuy nhiên, điều này cũng mở ra những cơ hội hoàn toàn mới. Nếu như trước đây, các DN này hoạt động chủ yếu nhờ duy trì mối quan hệ giao dịch với khách hàng, thì giờ đây họ có thể bắt đầu sử dụng CIAM để cung cấp cái nhìn đầy đủ và toàn diện về khách hàng, từ đó xây dựng hồ sơ khách hàng, phát triển quan hệ đối tác và các dịch vụ mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ bền vững với khách hàng và mang lại giá trị cao hơn cho DN.
Cung cấp cho khách hàng quyền kiểm soát dữ liệu của họ là chìa khóa để thành công
Các DN cần hiểu rằng khách hàng là động lực duy nhất của nền kinh tế và mối quan hệ đáng tin cậy với họ sẽ dẫn đến lòng trung thành và thúc đẩy tăng doanh thu. Ngày càng có nhiều trường hợp về hành vi trộm cắp danh tính và tiết lộ dữ liệu của các tập đoàn lớn khiến người tiêu dùng thấy hồ nghi trong việc cung cấp cho các DN dữ liệu cá nhân của họ.
Bởi vậy, người dùng muốn kiểm soát thông tin của mình, việc truy cập hoặc chia sẻ cần được sự cho phép. Trong khi, các DN lại muốn xác định rõ ai là ai và muốn tiếp cận khai thác dữ liệu này để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Như vậy, người tiêu dùng mong đợi sự riêng tư và bảo mật của dữ liệu cá nhân của họ, trong khi đó trách nhiệm của các DN là xây dựng và duy trì mối quan hệ đáng tin cậy. Các giải pháp CIAM giúp người tiêu dùng kiểm soát và giữ an toàn cho dữ liệu của họ, đồng thời tạo ra trải nghiệm người dùng tích cực và thông tin chuyên sâu về khách hàng, giúp DN tăng doanh thu và tăng trưởng.
Đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu là cần thiết
Quyền riêng tư ngày càng trở nên rất cần thiết và các DN cần phải bảo mật dữ liệu của người tiêu dùng hơn bao giờ hết vì nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng, cổ phiếu và giá trị của DN. Các quy định có hiệu lực hiện nay như Đạo luật quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA) hay Quy định Bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR) và nhiều quy định pháp luật về quyền riêng tư khác đang được các cơ quan lập pháp thông qua đã cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ, các công ty buộc phải tuân thủ quyền riêng tư dữ liệu hiện hành.
Đối mặt với các quy định về dữ liệu nghiêm ngặt và kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng, các giải pháp quản lý truy cập và nhận dạng truyền thống (IAM) không còn hiệu quả nữa. Giờ đây, khách hàng mong đợi các DN thông báo thông tin mà họ thu thập, xóa dữ liệu nếu được yêu cầu và đòi hỏi sự cho phép để lưu và chia sẻ dữ liệu. Với các nền tảng CIAM không ngừng được phát triển và cải tiến vào năm 2021 để hỗ trợ thêm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và xác thực nâng cao, các DN cần nhanh chóng triển khai các nền tảng này để đảm bảo rằng khách hàng luôn được bảo vệ. Các sản phẩm CIAM có thể tùy chỉnh, an toàn và có thể mở rộng dễ dàng để đáp ứng từng loại nhu cầu của DN.
Công nghệ, năng lực và giải pháp cần thiết để hưởng lợi từ các xu hướng trên là rất quan trọng trong việc hỗ trợ các tổ chức, DN tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, DN cũng cần phải có một nền tảng CIAM đáng tin cậy và linh hoạt đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau. Những yếu tố này sẽ tác động sâu sắc đến cách DN xây dựng, quản lý và duy trì các mối quan hệ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.