Sẽ chưa triển khai mạng 5G trên diện rộng như với mạng 4G
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:53, 17/12/2020
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam" với mục tiêu thúc đẩy đưa 5G trở thành công cụ thúc đẩy cách mạng 4.0 kết nối các tiết bị IoT đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Sẽ triển khai chính thức mạng 5G trong năm 2021
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, nếu như năm 2019, các nhà mạng mới chỉ triển khai các bước kỹ thuật trong việc triển khai mạng 5G thì đến năm 2020, cả 3 nhà mạng lớn bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone đều đã thử nghiệm thương mại ở một số quận tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Việc triển khai thử nghiệm này, theo ông Nhã, giúp người dùng được trải nghiệm những tính năng mà mạng 4G không cung cấp được. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) phát triển phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, còn bản thân các nhà mạng có thể xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp trước khi tham gia đấu giá tần số trong năm 2021.
Cũng theo ông Nhã, điểm nổi bật của mạng 5G là cung cấp các dịch vụ có độ trễ thấp, có thể đáp ứng mật độ thiết bị kết nối cao, do đó có thể triển khai trong các khu công nghiệp, khu nghiên cứu phát triển. Trong thời gian tới, một số khu công nghiệp cũng sẽ được phủ sóng mạng 5G, để các nhà mạng có thể tìm hiểu nhu cầu của các DN.
"Các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cho mạng 5G cũng sẽ được xây dựng khác biệt so với các mạng di động thế hệ trước, ngoài quy chuẩn do Bộ TT&TT ban hành, các nhà mạng cũng sẽ xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của các khu công nghiệp, khu sản xuất, nhà máy khác nhau", ông Nhã chia sẻ thêm.
Thời gian tới, sau khi thử nghiệm thương mại xong, các nhà mạng phải có đánh giá kết quả thử nghiệm về các tính năng, khả năng thương mại, nhu cầu thị trường... để cơ quan quản lý hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến mạng 5G. "Mục tiêu và kỳ vọng của Bộ TT&TT là triển khai chính thức mạng 5G sớm ngay trong năm 2021", ông Nhã nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), cho biết mạng 5G là điều kiện cần, tiên quyết để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nhanh và hiệu quả tại Việt Nam. "Nếu ví CĐS như một cơ thể người, mạng 5G giống như xương, cơ bắp, nếu không khỏe thì sẽ rất khó di chuyển, làm việc và tạo ra giá trị", ông Tuấn nói.
Trong chương trình CĐS quốc gia được Thủ tướng ban hành đã xác định hạ tầng số bao gồm mạng 5G là yếu tố cơ bản để CĐS thành công ở Việt Nam, bên cạnh những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm với từng trụ cột kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…
Sẽ triển khai trước tại một số địa điểm phù hợp
Về mức độ triển khai của mạng 5G, Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã cho rằng, việc này hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của thị trường, có thể sẽ triển khai trước tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - những nơi có nhu cầu tốc độ cao, mật độ người sử dụng smartphone lớn hoặc tại các khu công nghiệp có nhu cầu vận hành các nhà máy thông minh.
Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã chuẩn bị cho mạng 5G từ lâu để có thể làm chủ công nghệ này từ hệ thống vô tuyến, hệ thống lõi cho đến thiết bị đầu cuối, an toàn, an ninh mạng. Triển khai thử nghiệm thương mại 5G trong thời gian qua cho thấy tốc độ tải xuống mạng 5G tăng gấp 10 lần và độ trễ giảm 10 lần so với mạng 4G hiện tại. Khi ra mắt chính thức, mạng 5G sẽ được sử dụng cho các dịch vụ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, tivi 4K/8K, dịch vụ video 360o… "Khi triển khai chính thức, khách hàng sẽ không phải đổi SIM nhưng smartphone phải hỗ trợ mạng 5G", ông Yên chia sẻ thêm.
Cũng giống như VNPT, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm R&D MobiFone cho biết, nhà mạng này đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại TP. Hồ Chí Minh với tốc độ rất khả quan, khoảng 1,3 Gbps, cao gấp 10 lần so với mạng 4G hiện nay. MobiFone cũng đã chuẩn bị một số dịch vụ trên nền tảng mạng 5G như video 8K, trò chơi trực tuyến….
MobiFone đã xây dựng lộ trình để đảm bảo việc phát triển mạng 5G một cách cân bằng và hài hòa, trong đó ưu tiên những khu vực đông dân cư, thành phố lớn, các khu công nghiệp… rồi sau đó mới mở rộng sang các khu vực khác. Khi ra mắt chính thức, các gói cước và cách tính cước cho mạng 5G cũng sẽ tương tự như với mạng 4G. Đồng thời, người dùng cũng sẽ không cần phải đổi SIM khi sử dụng 5G của MobiFone nhưng thiết bị phải hỗ trợ mạng 5G.
Còn theo ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, nếu chỉ để mọi người liên lạc với nhau thì mạng 4G hiện nay đã đủ để đáp ứng. Mạng 5G sinh ra để phục vụ vạn vật kết nối, khu công nghiệp cũng như các dịch vụ sẽ có trong tương lai như xe tự hành. Vì thế, thời gian đầu, khoảng 1-2 năm tới, Viettel sẽ triển khai ở những khu vực có mật độ người dùng cao, nhiều thiết bị hỗ trợ 5G và các khu công nghiệp. Phải từ năm 2023-2025, Viettel mới tính đến chuyện phổ cập mạng 5G như với mạng 4G hiện nay.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh triển khai trên diện rộng, cơ quan quản lý có thể cho phép nhà mạng lựa chọn các thành phố để triển khai hiệu quả nhất, sau đó có thể chỉ đạo dùng chung cơ sở hạ tầng, một nhà mạng phát triển rồi để các nhà mạng khác roaming.
"Chiến lược chia sẻ hạ tầng giữa các nhà mạng phải được thực hiện nếu muốn đẩy nhanh trên diện rộng vì việc đầu tư mạng 5G rất đắt đỏ, như tại Trung Quốc, các nhà mạng cũng thực hiện dùng chung cơ sở hạ tầng", ông Tân nói thêm.
Ngoài ra, đại diện Viettel và VNPT đều cho biết, khi triển khai thử nghiệm thương mại trong thời gian qua, thống kê cho thấy, số lượng thiết bị hỗ trợ mạng 5G hiện vẫn còn thấp. Như với Viettel, hiện cũng chỉ có khoảng 8.000 thiết bị đầu cuối hỗ trợ mạng 5G. Tuy nhiên, do phạm vi mạng 5G hẹp nên cũng chỉ có khoảng vài trăm thuê bao đăng ký trong 2 tuần qua.
"Viettel sẽ làm việc với các nhà cung cấp thiết bị trong và ngoài nước để đảm bảo mức độ tương thích mạng 5G. Viettel dự kiến sẽ có khoảng 1,5-2 triệu thuê bao 5G trong năm 2021", ông Tân bổ sung thêm.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, khi nói đến cơ hội của mạng 5G thì phải nói đến các thách thức đi kèm, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên bao gồm: nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị, nhà nước và người dùng. Không thể hy vọng triển khai mạng 5G rộng rãi như với mạng 3G, 4G vì chi phí đầu tư lớn.
Việt Nam triển khai thử nghiệm thương mại 5G vào thời điểm hiện tại là hợp lý, khi mà ITU vừa ban hành tiêu chuẩn cho mạng thế hệ mới, đồng thời số lượng người sử dụng mạng 5G hiện nay trên thế giới đã ở mức tương đối. Tuy nhiên, khi triển khai chính thức trên thực tế thì cần tính đến những yếu tố như thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, nhu cầu sử dụng thực tế như thế nào, đã có các ứng dụng trên mạng 5G chưa,… để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận cho các nhà mạng khi tiến hành đầu tư.
Các DN Internet cố định phải chuyển mình trước sức ép của mạng 5G
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), mạng 5G tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với các dịch vụ mới nhờ tốc độ cao, độ trễ thấp… "Còn đối với các nhà viễn thông cố định thì sao, họ sẽ ứng phó như thế nào với mạng 5G", ông Bình đặt câu hỏi.
Để trả lời câu hỏi này, ông Bình cho biết, Việt Nam đã bắt đầu từ những cộng nghệ đầu tiên và mỗi đợt thay đổi công nghệ mới lại có những DN rời bỏ cuộc chơi, khi mà đã có những thời điểm có đến hơn 100 giấy phép ISP. Từ công nghệ dial-up, ADSL, FTTX với mạng Internet cố định, mạng 3G – 4G cho đến 5G hiện nay với mạng Internet di động, các ISP đều bị ảnh hưởng rất lớn. Một số DN tồn tại bằng cách tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một đường truyền, hay từ bỏ khách hàng cá nhân để chuyển sang phục vụ lớp khách hàng DN.
Tuy nhiên, theo ông Bình, mạng 5G sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định, với các giải pháp dịch vụ dành riêng cho các tổ chức, DN như chỉ cần cắm 1 box trong văn phòng rồi phủ WiFi. "Đây là một hướng đi cho các DN cung cấp dịch vụ Internet cố định đang phục vụ các tổ chức, DN", ông Bình nói.
Đồng thời, các ISP cần phải thích ứng, nhìn trước các thách thức bằng cách dịch chuyển, dựa trên hạ tầng 5G để cùng phối hợp đưa ra các bài toán cụ thể cho khách hàng. "Sự ra đời mạng 5G dù đem lại nhiều thách thức cho các DN Internet cố định nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn, mở ra nhiều mảng dịch vụ ứng dụng, tạo dư địa cho các DN Internet cố định dịch chuyển", ông Bình kết luận.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ cố định, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, dù nhiều công nghệ ra đời nhưng không có công nghệ nào thay thế hoàn toàn nhau. Bởi vì, ngay cả ở các nước phát triển, mỗi hộ gia đình đều có một đường cáp quang cố định vì dùng Internet di động sẽ tốn kém hơn.
"Công nghệ băng rộng không dây như 5G sẽ phát triển tốt hơn ở các khu vực mà Internet cố định khó thực hiện", ông Thắng nhấn mạnh.