EU công bố hai dự thảo luật mới nhắm vào các “đại gia công nghệ”
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 09:40, 16/12/2020
Dự luật này là sự nỗ lực của 27 quốc gia thành viên trong khối EU để nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ Mỹ. Các công ty này hiện kiểm soát dữ liệu và nền tảng online mà hàng chục nghìn công ty và hàng triệu người châu Âu đang dựa vào.
Hai dự luật mới của EU được cho là có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các ông lớn công nghệ tại châu Âu, bởi những điều khoản của nó hướng tới việc giải quyết hiệu quả nạn tung tin giả và phát ngôn gây thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các ông lớn bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, tiêu diệt cạnh tranh lành mạnh.
Với hai dự luật này, Ủy ban châu Âu vạch ra khung pháp lý buộc các ông lớn Internet phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU.
Theo đó, một bộ quy tắc có tên Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) nhắm đến các công ty công nghệ lớn được xem là "người gác cổng" của các trang web có thể bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm đối với các công ty không tuân thủ hoặc vi phạm một số luật cạnh tranh. Chưa kể trong trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần và đe dọa sự an toàn của công dân EU, họ cũng có thể bị cấm hoạt động tại khối này.
Đạo luật trên đã đặt ra một danh sách những yêu cầu với các công ty, chẳng hạn như họ phải chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định với các đối thủ và cơ quan quản lý. Cùng với đó là những điều bị hạn chế, bao gồm việc các công ty phải ngừng ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình.
Những "người gác cổng" cũng sẽ được yêu cầu báo cáo các thương vụ mua bán - sáp nhập cho các cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn các vụ mua lại để "triệt tiêu" các đối thủ của những công ty công nghệ lớn.
Giới chức lãnh đạo của cả châu Âu và Mỹ đều lo ngại các ông lớn công nghệ lợi dụng chiêu thức mua lại các công ty để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh. Những ví dụ nhãn tiền về việc này vẫn còn đó như thương vụ Facebook thâu tóm Instagram và WhatsApp, hay Google mua lại YouTube và Waze.
EU chính thức công bố các dự thảo luật nhằm siết chặt những "đại gia công nghệ" như Google, Amazon và Facebook. (Ảnh: Damien Meyer/AFP)
Một luật khác mang tên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) sẽ cho phép EU phạt tới 6% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu không gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp, chẳng hạn như các phát ngôn gây thù ghét, khủng bố, khiêu dâm trẻ em hoặc mua bán sản phẩm giả hoặc bất hợp pháp.
Theo đó, những nền tảng này phải tìm cách giải quyết các nội dung bất hợp pháp, tránh việc lạm dụng nền tảng nhằm vi phạm các quyền cơ bản của người dùng, kiểm soát việc cố ý thao túng nền tảng để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và sức khỏe cộng đồng, cùng một số yêu cầu khác. Các công ty cũng sẽ phải hiển thị chi tiết về quảng cáo chính trị trên nền tảng của họ, cùng các thông số mà thuật toán sử dụng để đề xuất và xếp hạng thông tin.
Theo các nguồn thạo tin, những "ông lớn" sẽ phải chịu quản lý chặt chẽ hơn bao gồm Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft và SnapChat của Mỹ, Alibaba và Bytedance của Trung Quốc, Samsung của Hàn Quốc và Booking.com của Hà Lan.
Hai dự thảo luật này của EU vẫn cần được Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên thông qua. Theo giới quan sát, sẽ còn phải mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa để hai dự luật chính thức được luật hóa.
Bên cạnh đó, những dự thảo luật này cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của chính phủ Mỹ vì các công ty công nghệ của Mỹ sẽ là những đối tượng phải hứng chịu gánh nặng này.
Không chỉ riêng EU, Anh - quốc gia chuẩn bị rời khỏi EU vào cuối năm nay, mới đây cũng đã công bố Dự luật gây hại trực tuyến có nội tương tự như luật của EU. Theo đó các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với khoản phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu và bị cấm hoàn toàn tại Anh nếu không bảo vệ người dùng khỏi các nội dung có hại liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em, tài liệu khủng bố và phương tiện truyền thông kích động tự sát.
Đây được coi là bước đi mạnh mẽ các quốc gia nhằm siết chặt quản lý hơn với các công ty công nghệ và những điều khoản này sẽ buộc các công ty phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hạn chế tin giả và nội dung thù địch, phi pháp.