Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông gặp mặt cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 15:46, 15/12/2020

Câu chuyện “làm thế nào để làm báo tử tế” và làm báo tử tế thì giải quyết bài toán kinh tế báo chí thế nào là chủ đề chiếm thời lượng chủ yếu trong cuộc gặp gỡ nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí thuộc Bộ được tổ chức tại Hà Nội.

Bàn chuyện làm báo tử tế thời 4.0

Cuộc gặp gỡ do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, cùng dự còn có hai Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và Nguyễn Thành Hưng. Về phía các cơ quan báo chí của Bộ có báo Vietnamnet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, các Cục và cơ quan thuộc Bộ: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Trung tâm Thông tin.

Trong không khí trao đổi chân tình và cởi mở, mối quan tâm của những người làm báo và cơ quan quản lý báo chí về nghề báo đã nhanh chóng chuyển đến vấn đề thời sự trong làng báo Việt Nam hiện nay: Câu chuyện làm báo tử tế và mối liên quan với bài toán kinh tế báo chí.

Báo chí cần trở về với những giá trị truyền thống, cốt lõi

Trả lời câu hỏi “làm thế nào để làm báo tử tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vốn dĩ nghề báo là sự tử tế, bảo vệ sự thật, tạo ra giá trị cốt lõi, nhân văn; phụng sự đất nước, dân tộc, đây là sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay, để làm báo tử tế thì báo chí cần trở về với những giá trị truyền thống, cơ bản nhất.

Cũng bàn về sự tử tế trong nghề báo, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đặt câu hỏi: “Làm báo tử tế khó hay dễ? Trên thực tế, có một số tờ báo đi theo hướng tìm những vụ việc để “đánh đấm”; gây phiền nhiễu cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân để kiếm tiền gây bức xúc trong xã hội, nhưng vẫn sống được dẫn đến các báo khác cũng nhìn vào, có khi còn làm theo. Nguyên nhân là nhiều cơ quan báo chí xác định tôn chỉ, mục đích chưa đúng, quản lý phóng viên rất lỏng lẻo, tự phát, cơ quan chủ quản thì không có sự ràng buộc nào cả với tờ báo”.

Đặt vấn đề: Vậy làm thế nào để làm sạch làng báo, bên cạnh sự vào cuộc của nhiều phía, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Làm trong sạch báo chí chính là các cơ quan báo chí. Ai đưa tin về thói hư tật xấu của cơ quan báo chí? Chính là báo chí. Liệu các cơ quan báo chí có bản lĩnh để làm được điều này?”.

Bài toán kinh tế báo chí

Bàn về chủ đề kinh tế báo chí, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lưu Đình Phúc cho rằng: “Xu hướng của người dùng hiện nay (chuyển sang đọc tin trên mạng xã hội) đã thay đổi cách làm báo. Nhiều người nói về nguy cơ của cơ quan báo chí khi bị mạng xã hội cạnh tranh. Nhưng trong nguy có cơ. Sự cạnh tranh sẽ tạo ra vận động, và vận động thúc đẩy sự phát triển. Báo chí không thể chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí đang đặt ra vấn đề thu phí, nhưng cũng có câu hỏi đặt ra là nếu thu phí thì có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân hay không? Làm sao để giải bài toán công tác tuyên truyền nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu là vấn đề đặt ra hiện nay”.

Nói về sự cạnh tranh của mạng xã hội với báo chí được nhắc nhiều gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một góc nhìn mới: “Hãy nghĩ rằng sự bùng nổ của mạng xã hội đang mang đến cho báo chí cơ hội hơn là đối thủ cạnh tranh, vì ưu thế của báo chí so với mạng xã hội là tính xác thực. Người ta cần báo chí để xác thực những thông tin trên mạng xã hội. Ngoài ra, mạng xã hội cũng là phương tiện, giúp lan truyền thông tin báo chí đến cho nhiều độc giả hơn”. Vì vậy, để hấp dẫn, thu hút độc giả hơn thì báo chí cần thích ứng với cách thức làm báo mới trong điều kiện người đọc chủ yếu đọc tin tức trên điện thoại di động như viết ngắn gọn hơn.

Kết luận cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với một số Tổng biên tập để trao đổi cụ thể về vấn đề công nghệ làm báo, về kinh tế báo chí, hỗ trợ và đặt hàng báo chí; tổ chức một hội thảo về chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí; công bố một nền tảng số cho các cơ quan báo chí… Bộ trưởng nhấn mạnh: Chuyển đổi số không phải là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi mô hình, phương thức hoạt động. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu xây dựng được công cụ đo lường thông tin, xếp hạng báo chí, khen thưởng, đào tạo đội ngũ những người làm báo…


BBT