Thanh toán số lên ngôi trong đại dịch Covid-19

Kinh tế số - Ngày đăng : 09:31, 15/12/2020

Thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, hệ sinh thái thanh toán số đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh doanh trên khắp thế giới. Từ các tập đoàn lớn đến các công ty mới thành lập hay các nhà cung cấp nhỏ lẻ đều gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, du lịch và hàng không là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Covid-19 cũng tạo cơ hội thúc đẩy một số ngành phát triển mạnh, bao gồm ngành thanh toán số và thương mại điện tử (TMĐT).

Theo Sulabh Agarwal, Giám đốc điều hành thanh toán toàn cầu tại Accenture, ngành công nghiệp thanh toán toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khi người dân vẫn tiếp tục tin tưởng và sử dụng các hệ thống và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.

Agarwal đã liệt kê một vài tác động tiềm ẩn của đại dịch đối với ngành thanh toán, bao gồm sự thúc đẩy mạnh mẽ hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, nhu cầu mới về chống gian lận, môi trường khắc nghiệt hơn cho các công nghệ tài chính thanh toán và sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến cũng như thanh toán số.

Một xã hội không tiền mặt

Covid-19 là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Người tiêu dùng ngày càng bị thuyết phục bởi hình thức thanh toán tiện lợi này nhờ các lợi ích thiết thực, như nhanh chóng, an toàn, nhiều tiện ích khi mua sắm.

Theo Báo cáo Thanh toán toàn cầu năm 2019 của công ty tư vấn Capgemini, giá trị của các giao dịch không dùng tiền mặt ở châu Á dự kiến sẽ tăng từ 96,2 tỷ USD năm 2017 lên 352,8 tỷ USD năm 2022, tức là tăng hơn 266%.

Thanh toán số lên ngôi trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thanh toán không tiếp xúc cho phép mọi người thực hiện thanh toán bằng cách chạm vào thẻ thanh toán hoặc điện thoại tại các thiết bị đầu POS thay vì quẹt hoặc cắm thẻ của họ. Mã QR là mã vạch hai chiều có thể mang thông tin giao dịch mua hàng, cho phép người bán nhận thanh toán từ khách hàng khi được quét. Trong khi đó, các ví số như GrabPay cho phép thực hiện thanh toán mà không cần chạm thẻ vào thiết bị đầu cuối hoặc nhập mã PIN.

Xu hướng này càng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vào đầu tháng 3 rằng tiền giấy có thể làm lây lan Covid-19. Việc WHO khuyến nghị sử dụng các giao dịch không tiền mặt nhằm hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các khoản thanh toán không tiếp xúc tăng vọt. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã cắt giảm việc sử dụng tiền mặt do buộc các nhà bán lẻ phải chuyển sang kinh doanh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

TMĐT và thanh toán số bùng nổ

Chính các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã tạo cú hích lớn cho TMĐT. Theo tập đoàn tư vấn Kantar, các số liệu gần đây cho thấy sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. TMĐT quốc tế đã tăng 41% chỉ trong ba tháng tính đến hết tháng 8, so với mức tăng trưởng 22% dự kiến cho cả năm 2020, giữa bối cảnh dịch Covid-19 đã làm thay đổi các thói quen bán lẻ.

Mặc dù ví điện tử và thanh toán trực tuyến đã có mặt tại một số thị trường trong nhiều thập kỷ qua nhưng sự phổ biến của chúng chỉ thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây. PayPal là một trong những công ty tiên phong về ví điện tử vào những năm 1990, cho phép người tiêu dùng mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử trực tuyến như Amazon, Ebay,… Ngày nay, còn có nhiều ví điện tử khác mà người tiêu dùng có thể lựa chọn để thực hiện thanh toán trực tuyến.

Thanh toán số lên ngôi trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, đối với các thương gia và TMĐT, hoạt động ủy quyền, xử lý và tối ưu hóa thanh toán cũng trở nên thuận tiện hơn trong những năm gần đây với việc điều phối thanh toán (payments orchestration).

Theo Olha Getalo từ Payoneer, một nền tảng thanh toán số, một trong những thách thức đối với TMĐT là việc thiếu quản lý cơ sở hạ tầng thanh toán. Do đó, điều phối thanh toán là cần thiết để các doanh nghiệp (DN) trực tuyến nhanh chóng mở rộng quy mô.

Thực chất, điều phối thanh toán là một khái niệm đòi hỏi hợp nhất nhiều khả năng và đối tác thanh toán vào một nền tảng để tối ưu hóa các giao dịch thanh toán trên tất cả các kênh và thị trường.

Payoneer gần đây đã công bố rằng nền tảng điều phối thanh toán (thanh toán liên biên giới) mới của họ đã sẵn sàng cho các DN, người bán hàng trực tuyến trên khắp châu Á - Thái Bình Dương để thanh toán và nhận thanh toán trên toàn cầu dễ dàng như thể họ đang thực hiện việc đó tại địa phương. Nền tảng này cung cấp cho người bán quyền truy cập vào mạng lưới hơn 100 đối tác toàn cầu, bao gồm các nhà cung cấp và phương thức thanh toán toàn cầu, khu vực và địa phương, cũng như các nhà cung cấp phòng chống gian lận.

Vượt khỏi mọi rào cản biên giới, Payoneer được thiết kế nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người bán hàng liên biên giới ngày nay: Nhận thanh toán từ bất kỳ thị trường buôn bán trực tuyến hàng đầu thế giới nào, thanh toán cho các nhà cung cấp cũng như thanh toán thuế VAT của bạn miễn phí, và quản lý đồng thời nhiều gian hàng ở một nơi thuận tiện.

Keren Levy, Giám đốc điều hành của Payoneer cho biết: "Mang một nền tảng điều phối thanh toán độc lập đến thị trường châu Á - Thái Bình Dương hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi là kết nối thế giới với nhau, giúp các thương gia mở rộng hoạt động toàn cầu dễ dàng hơn".

Thanh toán số lên ngôi trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thanh toán số ngày càng trở nên phổ biến

Khi ngày càng có nhiều người dùng chuyển sang trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng số sẽ tiếp tục tăng trưởng. Do đó, muốn tồn tại, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán truyền thống cần nhanh chóng chuyển đổi số những hoạt động và quy trình kinh doanh của mình. Khi đó, ngành công nghiệp thanh toán số sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đổi mới nền kinh tế.

TH