Chuyển đổi số giáo dục chính là việc phục vụ chủ thể con người

Chính phủ số - Ngày đăng : 16:39, 12/12/2020

Chuyển đổi số (CĐS) giáo dục là việc chuyển đổi cách thức dạy và học, quản trị, quản lý dựa trên công nghệ số, hướng tới nền giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) có chất lượng cao với chi phí thấp, dễ tiếp cận với người học, đông đảo tầng lớp người dân.

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại cuộc Hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" diễn ra mới đây tại Hà Nội.

CĐS giáo dục cần thay đổi nhận thức, tư duy

Theo Thứ trưởng Sơn, giờ đây, không riêng gì đối với ngành GD&ĐT, CĐS nói chung không chỉ đơn thuần dừng lạị ở việc chuyển đổi, áp dụng các công nghệ số tiên tiến mà cốt lõi quan trọng, mang tính quyết định là vấn đề phải có chiến lược, phương pháp, cách tư duy và con người phải là hạt nhân trung tâm, chủ thể thay đổi của quá trình CĐS này.

"CĐS giáo dục chính là phục vụ chủ thể con người, con người ở đây chính là học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà quản lý… do đó, quan điểm đặt ra khi đưa các công cụ, ứng dụng công nghệ mới, nền tảng, giải pháp số, chúng ta phải khai thác tối đa, hiệu quả từ những công nghệ đó mang lại, đồng thời tận dụng những kinh nghiệm tốt nhất của thế giới giúp thầy, cô giáo dạy học tốt hơn, học trò dễ học hơn và việc quản lý nhẹ nhàng hơn", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Chuyển đổi số giáo dục chính là việc phục vụ chủ thể con người - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Ngành GD phải tiên phong, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong CĐS về GD&ĐT.

Để làm tốt được điều này, chúng ta phải nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cởi mở thay đổi nhận thức, tư duy của con người, chuyển đổi những hoạt động trong ngành, phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên…

"Thay đổi nhận thức con người thì CĐS mới thành công, bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang việc biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải cá thể hóa tới từng học sinh", Thứ trưởng Sơn lưu ý.

Khẳng định tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức, tư duy trong CĐS Giáo dục, Thứ trưởng Sơn lấy dẫn chứng, khi còn là Hiệu trưởng của Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, vào thời điểm gấp rút, chiều thứ 7, tập thể lãnh đạo vẫn còn bàn việc có nên chuyển sang dạy trên nền tảng trực tuyến hay không thì đến tối đã phải ra quyết định. Ngay hôm sau, toàn trường phải triển khai ngay. Sang tuần mới, 30% các lớp học đã chuyển sang online và tăng lên 90% sau đó 2 tuần.

Ngoài việc dạy, học, các hoạt động khác như: thu học phí, đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên cũng được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Sinh viên ĐH Bách khoa chỉ cần cầm điện thoại di động đến các sự kiện, quét mã QR, hệ thống sẽ tự động đưa vào để đánh giá điểm rèn luyện.

"Qua ví dụ trên cho thấy khi có sự thích ứng cao và có năng lực chuyển đổi thì việc CĐS hoàn toàn khả thi và khi chúng ta làm tốt sẽ tạo những đột phá, góp phần đáp ứng, phục vụ tốt, hiệu quả quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc gia số", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Cần tận dụng công nghệ để tạo nhân lực trình độ cao cho CĐS

Thứ trưởng Sơn cũng chỉ ra 04 yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự phát triển của CĐS giáo dục hiện nay cần tập trung như: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD&ĐT; Phát triển khai thác hệ thống học liệu (HTHL) và môi trường học tập số; Xây dựng và phát triển khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT và CĐS.

Cụ thể, với việc phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD&ĐT cần rà soát, ban hành các văn bản quy định về cập nhật khai thác, sử dụng dữ liệu GD&ĐT; hoàn thiện, tích hợp dữ liệu thiết yếu của các bậc học và kết nối liên thông với trục tích hợp dữ liệu quốc gia…

Còn nói về việc phải phát triển khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, cộng đồng cùng đóng góp, xây dựng và khai thác kho học liệu mở igiaoduc.vn, đồng thời cần hợp tác phát triển một nền tảng ĐH số Việt Nam (DUP), dùng chung cho các trường ĐH.

Chuyển đổi số giáo dục chính là việc phục vụ chủ thể con người - Ảnh 2.

Dữ liệu số có vai trò quan trọng trong CĐS GD

Đặc biệt, ở nội dung xây dựng và phát triển khung năng lực số cho học sinh phổ thông cần đẩy mạnh hợp tác với UNICEF để xây dựng khung kỹ năng số, tương thích với các chuẩn phổ biến trên thế giới.

"Cần triển khai qua môn tin học phổ thông trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động phát triển kỹ năng số học sinh. Cách học tốt nhất: Tự học qua trải nghiệm, học qua sử dụng", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Đối với nội dung cuối cùng, Thứ trưởng Sơn cho rằng khi đề cập đến CĐS giáo dục, nghĩa là hướng đến mục tiêu tạo ra các giá trị tri thức số, do đó ngành GD&ĐT cần: Khuyến khích mở các ngành mới, các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành; tận dụng các công nghệ để tạo nhân lực trình độ cao cho CĐS; gắn kết đào tạo trình độ cao với phát triển KH&CN.

Bên cạnh 04 yếu tố cơ bản nêu trên, Thứ trưởng Sơn cũng nêu ra các kiến nghị nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc CDDS GD trong thời gian tới.

Theo đó, Thứ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án CĐS ngành GD&ĐT giai đoạn 2021-2025. Văn phòng Chính phủ tích cực hơn nữa hỗ trợ ngành kết nối dữ liệu, thông tin thông suốt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với cấp Bộ, mong muốn Bộ TT&TT cùng phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, đề án, dự án, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối thông tin với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trong hành trình, công cuộc số quan trọng này, các Tập đoàn, công ty công nghệ cùng tích, đồng hành, hợp tác xây dựng nền tảng dùng chung trong ngành, nhất là ưu tiên hợp tác với các cơ sở GD&ĐT trong đào tạo nguồn nhân lực.

Yên Viên