Ứng dụng AI để thúc đẩy tài chính bao trùm
Kinh tế số - Ngày đăng : 22:34, 11/12/2020
Với việc gia tăng sử dụng điện thoại di động và thâm nhập của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở các nước đang phát triển, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hiện đang đẩy mạnh ứng dụng AI thúc đẩy tài chính bao trùm |
Tài chính bao trùm hiểu một cách khái quát nhất là việc mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính có chất lượng bởi các định chế lành mạnh, bền vững với mức giá hợp lý.
Tài chính bao trùm giúp hỗ trợ thực hiện 7 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG), đòi hỏi người dân và doanh nghiệp (DN) ở các khu vực chưa được phục vụ phải có khả năng tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính an toàn một cách dễ dàng với giá cả phải chăng.
AI - Siêu năng lực cho các dịch vụ kỹ thuật số
Thông thường, để cho vay tiền, các nhà cung cấp (ngân hàng, tổ chức tín dụng,…) sử dụng các tài liệu để xác minh danh tính của người đó, đánh giá điểm tín dụng của họ và đưa ra một khoản vay thế chấp phù hợp. Nhưng theo ông Rory Macmillan, đối tác sáng lập Macmillan Keck, Attorneys & Solicitors, AI sẽ khắc phục được vấn đề này, hỗ trợ cho những người không thể đáp ứng các yêu cầu đó.
Ông Rory Macmillan cho biết: "AI đang giúp vượt qua những thách thức về nhận dạng bằng cách sử dụng định danh khách hàng KYC, cho phép xác định mọi người dễ dàng hơn bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt và sau đó sử dụng dữ liệu được thu thập từ các hoạt động kỹ thuật số". Mạng xã hội của một người, lịch sử cuộc gọi và thậm chí cả những lần nạp tiền trên điện thoại di động của họ sẽ trở thành những nguồn dữ liệu thay thế.
Theo Macmillan, việc phân tích lịch sử tín dụng và hỗ trợ xác thực mọi người là một động lực thúc đẩy AI. Một bài báo của BFA Global cho biết chính "siêu năng lực thực tế" của AI đã giúp cung cấp chatbot, tính điểm tín dụng, nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để mở rộng tiếp cận tài chính ở châu Phi.
Theo đó, tiềm năng của AI là cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí để đưa ra các quyết định tốt hơn và mở rộng cơ hội kinh tế, cho dù đó là đối với các nhà cung cấp đang sử dụng các phương thức bảo lãnh sáng tạo để nâng cao sản phẩm và tín dụng kỹ thuật số tới các khu vực "không có ngân hàng' hoặc các cơ quan quản lý đang sử dụng các kỹ thuật học máy và AI tiên tiến để phát hiện gian lận và giám sát thị trường.
Bảo vệ người tiêu dùng
"Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã cho thấy tầm quan trọng của kết nối số và khả năng của các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phát triển để nhanh chóng cung cấp hỗ trợ thông qua các kênh kỹ thuật số và tài khoản tài chính", ông Kanwaljit Singh, chuyên viên chương trình cấp cao tại Quỹ Bill và Melinda Gates, cho biết.
Theo Alexandra Rizzi, Gám đốc nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm tài chính bao trùm của Accion, AI cần được phát triển và triển khai có trách nhiệm đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương. Bà cho rằng, nguy cơ về một số động lực xã hội nhất định và bỏ rơi các cá nhân và nhóm dễ tổn thương vẫn còn. Rizzi cảnh báo. "Chúng tôi biết rằng phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ít có khả năng sở hữu điện thoại di động và sử dụng Internet di động hơn".
AI và bảo vệ người tiêu dùng là một vấn đề đang được Sáng kiến tài chính bao trùm toàn cầu (FIGI) nghiên cứu. Được thành lập bởi Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban thanh toán và cơ sở hạ tầng thị trường, chương trình hành động kéo dài 3 năm do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu về tài chính số và đẩy nhanh việc phát triển tài chính số tại các nước đang phát triển.
Vượt qua những trở ngại đổi mới
Macmillan cho biết những thách thức và cơ hội trong việc cải thiện tài chính bao trùm thường liên quan tới lợi nhuận thương mại và liệu các nhà cung cấp có thể đạt được điều này thông qua việc thống lĩnh thị trường hay không.
Ông giải thích, một số nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ mobile money và hình thành quan hệ đối tác với các ngân hàng. Tuy nhiên, ông lưu ý điều này tiềm ẩn nguy cơ nhà mạng thống trị thị trường tín dụng kỹ thuật số và người tiêu dùng sẽ không có nhiều lựa chọn.
Theo Macmillan, một giải pháp khác đang được đưa ra - mặc dù không có ở nhiều nước có thu nhập thấp - là ngân hàng mở. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính như các ngân hàng hiện có phải cung cấp dữ liệu về khách hàng của họ cho các nhà cung cấp cạnh tranh.
"Một trong những thách thức lớn nhất trong việc đổi mới lĩnh vực này là các khái niệm như dữ liệu, quyền riêng tư và các định nghĩa của chúng chưa được giải quyết tốt. Không có định nghĩa tiêu chuẩn hóa phổ quát về quyền riêng tư", ông chỉ ra và cho biết thêm: "Chúng ta cần đặt câu hỏi liệu người nghèo có bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi quyền riêng tư hay họ đang phải trả chi phí cho việc "bảo vệ quá nhiều quyền riêng tư".
Theo Singh, sự hợp tác giữa các nhà quản lý và nhà công nghệ trong việc phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có vai trò quan trọng. Đây là một loại tiền kỹ thuật số tương đương cho tiền giấy và tiền xu do các ngân hàng trung ương cung cấp bằng cách sử dụng công nghệ blockchain và sổ cái phân tán. Mặc dù CBDC dường như có tiềm năng tăng cường tài chính bao trùm và đã được thử nghiệm ở Uruguay và Trung Quốc, nhưng những lo ngại về việc triển khai cũng như vai trò của điện toán đám mây và AI vẫn còn.
Chất lượng dữ liệu cho tài chính bao trùm dựa trên AI là một chủ đề được quan tâm. Dữ liệu chất lượng thấp được sử dụng để đào tạo thuật toán sẽ không hiệu quả trong việc phân tích một người,. Macmillan giải thích: "Phân tích dữ liệu càng tốt thì các quyết định đưa ra sẽ tốt hơn khi mở rộng tín dụng".
Một vấn đề khác, Singh lưu ý, là phải xem cách các công nghệ như AI có thể giúp giảm chi phí để thúc đẩy tài chính bao trùm. Giả sử, trong dịch vụ khách hàng, các hệ thống do chatbot có thể xem xét các khiếu nại của khách hàng. Với sự phát triển của công nghệ giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mọi người có thể phản ánh những bất bình của họ. Khi đó, các nhà cung cấp và cơ quan quản lý có thể tiếp nhận và giải quyết chúng.