Chuyển đổi số giáo dục cần “thần tốc”, “quyết tâm”

Chính phủ số - Ngày đăng : 12:38, 11/12/2020

Giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) luôn vì mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... Tuy nhiên, muốn phát triển nền Giáo dục Việt Nam phù hợp với xu thế, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cần sự chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, tích cực.

Để làm tốt được việc CĐS giáo dục,vai trò quan trọng của các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp (DN) CNTT chính là "hạt nhân" quan trọng đảm bảo cho sự phát triển, thực hiện mục tiêu này. Cũng chính vì lý do này, mới đây, tại Hội thảo CĐS trong GD&ĐT do Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức tại Hà Nội, các Tập đoàn Viễn thông, DN CNTT đã tới dự họp đông đảo.

Tại đây, các ý kiến đóng góp, xây dựng cùng các giải pháp, thực trạng đã được nêu, phân tích chuyên sâu, nổi bật chung các ý kiến là sự cần thiết giáo dục Việt Nam phải được đẩy mạnh hơn nữa trên các phương pháp dạy, học, đào tạo, quản lý trên nền tảng, giải pháp số - coi đây là lựa chọn ưu tiên, duy nhất.

"Trồng người" trên nền tảng, công cụ số hiện đại

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, với nhận thức mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình CĐS tại Viêt Nam phát triển, Viettel đã tập trung nhiều nguồn lực trong việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu công nghệ và ứng dụng CNTT đối với các hoạt động, lĩnh vực CĐS toàn xã hội, trong đó có ngành GD&ĐT.

"Thời gian qua, thông qua việc áp dụng công nghệ mới, các nền tảng, giải pháp số tiên tiến, giáo dục đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng số trong công tác quản lý, dạy, học, giáo viên, học sinh… từng bước tạo sự đột phá và chuyển biến tích cực, chất lượng cho ngành GD&ĐT", Chủ tịch Dũng đánh giá.

Tuy nhiên, để đạt được nhiều hơn các giá trị, lợi ích mà các nền tảng, giải pháp số mang lại, ngành Giáo dục cần bổ sung, ban hành thêm các quy chuẩn, chi tiết về nguồn dữ liệu giáo dục, bởi lẽ hiện nay những quy chuẩn này mặc dù đã được ban hành nhưng vẫn thiếu, dẫn đến việc kết nối nguồn dữ liệu giáo dục từ các địa phương đến nguồn dữ liệu của Bộ GD&ĐT vẫn chưa được đầy đủ, đồng bộ.

Do đó, điều cần hiện nay, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị giáo dục địa phương cần tích cực, thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu vào phần chuyên ngành, hệ thống CSDL của bộ. Đồng thời, GD&ĐT cần phải xây dựng các nền tảng, phần mềm ứng dụng chuẩn, dễ dàng để cung cấp nguồn dữ liệu học tập trên môi trường số, hướng đến nhà trường thông minh.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Dũng, để đẩy nhanh quá trình CĐS, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành khung chính phủ số 2.0 cùng các quy chuẩn công nghệ, kiến trúc thiết kế và các yêu cầu nghiệp vụ để các sở, phòng, trường được chọn các giải pháp phù hợp để triển khai.

Bộ GD&ĐT phải gánh vai "nhạc trưởng" để điều phối các DN trong nước hợp tác, nghiên cứu, phát triển các nền tảng công nghệ cho giáo dục tránh chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết, tăng cường việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ lẫn nhau.

"Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, sớm ban hành khung pháp lý để công nhận kết quả học tập trên môi trường số và chính thức áp dụng, việc sử dụng học bạ điện tử trong ngành", Chủ tịch Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, Viettel luôn chủ động nghiên cứu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao, bảo đảm an toàn thông tin mạng lưới. Đơn vị luôn sẵn sàng, tích cực đồng hành cùng ngành GD&ĐT, thực hiện hiệu quả mục tiêu tạo ra một xã hội học tập hiệu quả, sáng tạo, văn minh số".

Đồng tình với các quan điểm của Chủ tịch Dũng, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long nhấn mạnh thêm: Giờ đây nhắc đến giáo dục là đề cập đến vấn đề "trồng người", nhưng "trồng người" dựa trên nền tảng, công cụ số hiện đại, một quan điểm tiến bộ, quan trọng, mang tính dân tộc đổi mới.

Chuyển đổi số giáo dục cần “thần tốc”, “quyết tâm” - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long ký cam kết kết đồng hành, vì sự phát triển CĐS giáo dục.

Vì lẽ đó, hơn 10 năm qua, VNPT đã phát triển, cung cấp các giải pháp, sản phẩm số, dịch vụ CNTT cho lĩnh vực giáo dục tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, với 29.000 cơ sở giáo dục, hơn 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên. VNPT đã đồng hành cùng ngành Giáo dục và ngành TT&TT triển khai giải pháp VNPT E-Learning đến hơn 21.000 trường học; 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra.

"Hiện nay, hệ sinh thái giáo dục của VNPT phát triển gồm 20 sản phẩm dịch vụ bao gồm toàn bộ quy trình, nghiệp vụ của ngành Giáo dục, từ đó giúp các nhà quản lý, thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh sử dụng các phần mềm công cụ số hiện đại hiệu quả", Chủ tịch Long nhấn mạnh .

Khi đánh giá về tầm quan trọng của việc xây dựng nguồn CSDL Giáo dục, Chủ tịch VNPT phân tích, nhất thiết phải xây dựng cơ chế nguồn mở CSDL nhưng phải đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin. Có nghĩa, vừa cho phép DN công nghệ có quyền chủ động, phân tích, khai thác dữ liệu (tài nguyên số) để hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy, học, đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ ngành Giáo dục, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để tiến trình CĐS giáo dục sớm mang lại hiệu quả và tạo sự đột phá hơn nữa, Chủ tịch Long đề xuất: Giáo dục phải đảm bảo tính tối đa, sự tự do, tùy chọn những điều người học thích (điều này các nền tảng, ứng dụng công nghệ số hoàn toàn có thể đáp ứng); học phải đi đôi với hành (kiến thức học phải được vận dụng vào thực tế cuộc sống, để cuộc sống thú vị hơn); sớm ban hành quy định về học, thi trực tuyến, công nhận kết quả thi trực tuyến, khuyến khích, hình thành thói quen học trực tuyến…

Ngoài ra, giáo dục cần phát triển, đẩy mạnh việc đào tạo người học về những kỹ năng số qua từng cấp học cụ thể, đồng thời cần có tiêu chí đánh giá cụ thể cho các kỹ năng này, nhất là đối với với sinh viên đại học phải đạt, hoàn thành tín chỉ kỹ năng sống khi tốt nghiệp ra trường.

Riêng với các nhà trường cần phải xây dựng, thành lập hội đồng có chuyên môn sâu về công nghệ, có lộ trình, kế hoạch đào tạo, bài thực hành cụ thể và phải gắn kết, đồng hành, hỗ trợ thường xuyên với các DN công nghệ.

"VNPT luôn sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp các chuyên gia công nghệ để tư vấn, làm việc với Bộ GD&ĐT để thiết kế, bổ sung, hoàn thiện các Chương trình đạo tạo công nghệ số. Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm đóng góp chung vì sự phát triển nền giáo dục số, vì sự thành công tiến trình CĐS quốc gia", Chủ tịch Long khẳng định.

CĐS giáo dục giờ đây là cấp thiết, nhưng phải "thần tốc", "quyết tâm"

Là một chuyên gia công nghệ, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT - chuyên về xuất khẩu phần mềm số 1 Việt Nam, ông Trương Gia Bình khẳng định CĐS có vai trò quan trọng, FPT có được thành quả như ngày nay cũng là nhờ có CĐS. CĐS đang đứng trước những thách thức mở không ngờ tới và việc CĐS nói chung và CĐS trong giáo dục nói riêng giờ đây là cấp thiết, nhưng phải "thần tốc", "quyết tâm".

Theo ông Bình, chúng ta phải đồng lòng, "quyết tâm" thực hiện thì mới về đích, lấy dẫn chứng qua môn bóng đá, qua những câu nói của huấn luyện viên Park Hang-seo "Bước vào cuộc đua, chúng ta không thể thiếu một ước mơ chiến thắng", "Đã đánh là phải thắng, quyết thắng từng trận một" và một cuộc đua CĐS "cần vô cùng tận một quyết tâm chiến thắng".

Chuyển đổi số giáo dục cần “thần tốc”, “quyết tâm” - Ảnh 2.

Theo Chủ tịch FPT, CĐS GD cần sự đồng lòng ,"quyết tâm" thực hiện thì mới về đích nhanh

Covid-19 ập đến và chúng ta có gì trong tay? Có phải chúng ta có một nền y tế cộng đồng phát triển hay không? Chúng ta không có gì cả nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Chiến thắng sẽ được tạo ra khi Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT tạo điều kiện "mở tất cả cánh cửa về cơ chế và cộng đồng DN CNTT cùng dồn sức, đồng lòng.

"Không khó để biến ước mơ chiến thắng thành hiện thực và những chuyển biến "thần tốc" sẽ xuất hiện", ông Bình nhấn mạnh.

Trên quan điểm đại diện cho một DN công nghệ, chuyên cung cấp phần mềm, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch MISA cho biết, thời gian qua công ty đã đồng hành, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CĐS của ngành Giáo dục trên nền tảng số MISA EMIS.

Đến nay, nền tảng này hiện đang ứng dụng tại gần 20.000 trường học, 248 phòng GD&ĐT cùng 48 sở GD&ĐT trên toàn quốc. Đây là hệ sinh thái đầy đủ nghiệp vụ về quản lý Giáo dục.

Qua MISA EMIS, các cấp quản lý giáo dục nhìn được bức tranh toàn cảnh của đơn vị, của ngành để đưa ra những quyết sách kịp thời, giúp cải tiến phương thức quản lý, đào tạo của nền Giáo dục quốc gia.

Đánh giá về tầm quan trọng của mô hình hội tụ dữ liệu - điểm cốt lõi giúp các đơn vị CĐS thành công, ông Hoàng nhấn mạnh, MISA EMIS đã thành công khi tích hợp được các dữ liệu học tập, dữ liệu quản lý… được quy tụ tập trung tại trung tâm dữ liệu trên Internet. Qua kho dữ liệu này, giáo dục sẽ dễ dàng khai thác, phân tích, dự báo, đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, hướng tới nền giáo dục thông minh với học sinh làm trung tâm.

Yên Viên