8 bài học để đẩy nhanh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:58, 08/12/2020
Xu hướng phát triển tất yếu
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng: Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam là một trong những giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là thanh toán phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác (thuế, lệ phí trước bạ,…) trong thực hiện dịch vụ công (DVC).
Theo quy định, việc nộp phí, lệ phí công là một trong những bước phải hoàn thành trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), DVC. Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC, có khoảng 56% (3.786/6.798) TTHC hiện nay có yêu cầu phí, lệ phí hoặc nghĩa vụ tài chính khác. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với phí, lệ phí công có liên quan đến nhiều bên như: Cơ quan, đơn vị cung cấp DVC, Thuế, Kho bạc nhà nước, ngân hàng/trung gian thanh toán.
Trước đây, để giúp người dân, doanh nghiệp (DN) thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng/trung gian thanh toán phải ký kết, tích hợp riêng lẻ với từng cơ quan, đơn vị cung cấp DVC. Nếu tính đơn giản đầu mối ở 63 tỉnh có khoảng 20 sở, ngành và cả nước có khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 11.100 đơn vị cấp xã thì số đầu mối mà một ngân hàng/trung gian thanh toán có thể phải ký kết, tích hợp lên đến hơn 13.000 cơ quan.
Tương tự, nếu một cơ quan, đơn vị cung cấp DVC muốn đa dạng hóa đơn vị thanh toán cho người dùng cũng phải ký kết, tích hợp với 46 ngân hàng thương mại, 39 trung gian thanh toán. Việc này dẫn đến lãng phí không nhỏ chi phí, thời gian, nguồn lực thực hiện, mà lại không chuẩn hóa, thống nhất được thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn kết nối, tích hợp phục vụ cho việc chia sẻ để thực hiện DVC. Vì vậy, hiệu quả triển khai rất thấp.
Để khắc phục những bất cập trên, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế) và các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan, hiện nay, nền tảng thanh toán trực tuyến (TTTT) của Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) có chức năng hỗ trợ kết nối giữa cơ quan, đơn vị cung cấp DVC (thông qua Cổng DVC, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh), hệ thống Thuế, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng, trung gian thanh toán để ngân hàng, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ TTTT cho các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện DVC.
Như vậy, thay vì phải kết nối, tích hợp với hơn 13.000 đầu mối thì nay ngân hàng/trung gian thanh toán chỉ cần tích hợp với nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG là có thể cung cấp được cho người dân, DN dịch vụ TTTT trong thực hiện DVC. Hệ thống này cũng cho phép các bộ, ngành, địa phương linh hoạt cung cấp dịch vụ, có thể TTTT với tất cả các TTHC, kể cả thủ tục chưa thực hiện trực tuyến và các hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Bên cạnh đó, với việc chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa tiêu chuẩn kết nối, tích hợp, việc TTTT trên Cổng DVCQG cũng đã giải quyết được bài toán khâu nối với các bước tiếp theo trong quá trình thực hiện để các cơ quan, đơn vị cung cấp DVC có đủ căn cứ pháp lý và điều kiện công nhận chứng từ nộp ngân sách nhà nước có chữ ký số của ngân hàng/trung gian thanh toán là cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong thực hiện DVC cho người dân, DN.
Lợi ích của TTTT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Bắt đầu đưa vào triển khai từ tháng 3/2020, đến nay, Cổng DVCQG đã có 51/63 địa phương (81%), 12 bộ, ngành, cơ quan (58%) hoàn thành kết nối với hệ thống TTTT của Cổng DVCQG và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác; đồng thời, cũng đã bảo đảm việc thanh toán thông qua tài khoản của 43/46 (93,5%) ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Cổng DVCQG đã cung cấp các nhóm dịch vụ TTTT gồm: Phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; Thuế cá nhân, DN; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Thanh toán tiền điện.
Sau 8 tháng triển khai, đã có trên 38.000 giao dịch TTTT trên Cổng, trong đó nhiều dịch vụ mới triển khai nhưng đã nhận được sự tin tưởng, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân như: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyên, bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, cá nhân đã có hơn 16.000 giao dịch; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hơn 5,3 nghìn giao dịch; thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công có hơn 10,6 nghìn giao dịch,…
"Đây là một tín hiệu tích cực, tôi tin với việc tuyên truyền cho người dân, DN về lợi ích của TTTT và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới kết quả này chắc còn phát triển hơn nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bài học kinh nghiệm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cũng cho biết, qua thực tế triển khai, cần rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, quyết tâm chính trị và vai trò của người đứng đầu là một nhân tố hết sức quan trọng quyết định đến thành công. Thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cam kết đồng hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, Tổng giám đốc các Cơ quan, Ngân hàng/Trung gian thanh toán đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối, tích hợp và nâng cao tỷ lệ TTTT trên Cổng DVCQG.
Hai là, giao dịch TTTT liên quan đến nhiều bên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong quá trình tham gia vào giao dịch (như: chủ thể thanh toán; ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán; nền tảng thanh toán; cơ quan, đơn vị cung cấp DVC,…). Do đó, yêu cầu đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế làm cơ sở đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để các bên thực hiện.
Ba là, việc triển khai liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều hệ thống CNTT nên phải chuẩn hóa danh mục dùng chung (mã định danh cơ quan, mã hồ sơ, mã kho bạc,…), tiêu chuẩn kết nối, tích hợp để đảm bảo việc tích hợp, chia sẻ thông suốt, hiệu quả.
Bốn là, cải cách TTTT phải đi trước, là cơ sở để triển khai xây dựng các phần mềm, hệ thống CNTT. Bởi thực tế trước đây chứng minh, hệ thống CNTT nếu chỉ đơn thuần phản ánh lại thực trạng triển khai thì khi đưa vào vận hành sẽ không thuận lợi, đôi khi còn gây thêm gánh nặng cho các bên tham gia. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục để làm cơ sở xây dựng hoặc hoàn thiện hệ thống, tích hợp, cung cấp dịch vụ trực tuyến trên Cổng.
Năm là, công tác phối hợp, tham gia của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ, liên tục thì hệ thống mới vận hành thông suốt, hiệu quả. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự điều phối của VPCP, cũng như sự cam kết, chung tay của các cơ quan, đơn vị cung cấp DVC, Ngân hàng/Trung gian thanh toán.
Sáu là, việc nâng cao, cải tiến chất lượng dịch vụ phải thường xuyên theo hướng lấy người dùng là trung tâm; phải thường xuyên đổi mới, cải thiện trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, phải kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng, chậm, muộn, khắc phục kịp thời sai sót thì mới tạo được niềm tin của người sử dụng.
Bảy là, cần chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch TTTT, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ.
Tám là, hầu hết người dân của chúng ta chưa có thói quen TTTT, nhất là đối với dịch vụ hành chính công. Do đó, cần phải tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để dân biết, dân làm, dân giám sát.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ với dịch vụ TTTT; đảm bảo 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc tích hợp và triển khai cung cấp TTTT phí, lệ phí trên Cổng DVCQG với ít nhất 50% số lượng TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trong năm 2021 và nâng dần tỷ lệ trong các năm tiếp theo; mở rộng các nhóm dịch vụ TTTT, nhất là các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí; nâng tỷ lệ TTTT trên Cổng DVCQG tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC trong năm 2021.